Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Đông Thanh có hợp tác xã đương quy

VĂN VIỆT
Trong tháng 9 vừa qua, huyện Lâm Hà thành lập Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu đương quy đầu tiên ở xã Đông Thanh. Mô hình này phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, đạt thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 400 triệu đồng/ha.

Từ 1.000m2 đương quy khởi nghiệp
Vào một ngày hạ tuần tháng 9/2017, tôi đến Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Biết Lộc Thành khi vừa mới thành lập ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, Lâm Hà. Qua mỗi ngã rẽ từ đường nhựa đến đường bê tông và đường đá cấp phối, hỏi người dân đều “thông thuộc” nguồn gốc khu vườn cây dược liệu đương quy của Giám đốc HTX Lê Văn Biết, nên tôi đến nơi không mấy trở ngại. “ Đến vườn nhà ông Biết để thu mua hay hỏi kinh nghiệm hợp tác trồng mới đương quy ? Trước đây ông Biết làm nông dân trồng cà phê rồi làm Tổ trưởng Tổ Hợp tác, nay là Giám đốc HTX Dược liệu mới ra đời ở xã Đông Thanh này. Vườn nhà ông Biết cách cổng chào “Thôn Văn hóa Tầm Xá” độ mười phút xe máy, nằm bên phải đường đá đi vào… ”, những người dân bên đường vào xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà nhiệt tình giới thiệu.
Vào sân nhà Giám đốc Biết cảm nhận một mùi hương thơm đượm của dược liệu đương quy đang phơi trên 3 tầng giá sắt và trên tấm bạt, chủ yếu phơi trong bóng mát để sấy khô bằng làn gió tự nhiên. Phía sau vườn, nhân công đang dùng nỉa lật lớp đất mặt, cẩn thận nhấc lên đầy đủ các bộ phận đầu, thân và rễ nhánh, rễ tơ của củ đương quy. Tôi cầm một chiếc củ đương quy to bằng bắp tay người lớn, hỏi trung bình cân nặng bao nhiêu thì Giám đốc Biết trả lời khá nhanh: “ mỗi củ đương quy thu hoạch trên đất Đông Thanh, Lâm Hà có trọng lượng từ 0,3- 0,5kg. Nhưng cá biệt có năm thu khá nhiều số củ cân nặng 1- 1,2kg. Cứ 1.000m2 diện tích trồng khoảng 10.000 cây đương quy, chăm sóc từ 14- 15 tháng sau, sản lượng thu hoạch khoảng 3 tấn củ…”
Cũng vào thời điểm tháng 9/2017, tính riêng khu vườn dược liệu của Giám đốc Biết với hơn 1ha tọa lạc thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, Lâm Hà thì chiếm phần lớn diện tích sản xuất củ đương quy thương phẩm, một phần diện tích còn lại bố trí vườn ươm cây giống đương quy và trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu giống mới như ma hoàng, đảng sâm…Nguyên toàn bộ diện tích 1ha ở đây canh tác cà phê trong thời kỳ kinh doanh 8 năm tuổi, năng suất trung bình 3 tấn/năm, nhưng hộ gia đình ông Biết đã mạnh dạn chuyển đổi lần lượt từ năm 2014, hoàn thành vào đầu năm 2016. “ 3 năm trước, tôi ra các tỉnh miền núi phía Bắc tìm mua hạt giống đương quy về đây trồng thử nghiệm trên vài luống đất khoảng trăm mét vuông. Vài tháng sau thấy cây phát triển phù hợp với vùng khí hậu, đất đai xã Đông Thanh, Lâm Hà, hộ gia đình tôi quyết định chuyển đổi 1.000m2 đất cây cà phê sang trồng cây đương quy kinh doanh. Đến đầu năm 2016, thị trường tiêu thụ dần ổn định và mở rộng, gia đình tôi chuyển đổi hết toàn bộ 1ha diện tích cây cà phê sang trồng cây đương quy theo mô hình hợp tác đến nay…”, ông Biết cho biết.
Đến 15ha đương quy hợp tác
Trong lúc hướng dẫn tôi tiếp cận với quy trình sản xuất dược liệu đương quy, Giám đốc Biết phải “ngắt quãng” nhiều lần để “đàm thoại” với các đối tác tiêu thụ và hợp tác mở rộng diện tích. Trong đó đáng quan tâm có 1 hộ nông dân từ tỉnh ĐắkLắk mời Giám đốc Biết qua khảo sát 0,5ha đất để tư vấn chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng cây đương quy liên kết. “HTX Dược liệu Biết Lộc Thành chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận những hộ nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng liên kết phát triển phù hợp với sinh thái cây dược liệu đương quy. Chỉ cần hộ gia đình đó có diện tích đất tối thiểu 1.000m2, HTX chúng tôi chịu trách nhiệm tất cả các khâu từ cung cấp nguồn giống đến hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch… ”, Giám đốc Biết nói thêm.
Qua Giám đốc Biết, tôi kết nối với bà Đinh Thị Thi, chủ nhân 4ha đương quy sản xuất từ xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương theo chuỗi giá trị sản phẩm với HTX Dược liệu Biết Lộc Thành ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà. Bà Thi chia sẻ: “Đã hai mươi mấy năm sản xuất cà chua và các loại rau khác, cảnh được mùa mất giá vẫn còn xảy ra, nên tôi đã chuyển đổi tất cả 4 ha đất rau của mình sang trồng cây dược liệu đương quy theo mô hình liên kết HTX, ổn định được đầu vào và đầu ra, nắm chắc được lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích đất hàng năm…”  
Cụ thể theo Giám đốc Biết, trong thời vụ 14-15 tháng vừa qua, HTX Dược liệu Biết Lộc Thành thu mua sản phẩm củ đương quy của hộ gia đình liên kết với một mức giá 25.000 đồng/kg. Sản xuất theo quy trình kỹ thuật của HTX, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha, nhân với giá 25.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 750 triệu đồng/ha. Trừ tất cả mọi chi phí đầu tư giống, vật tư, hệ thống tưới nước tự động, công lao động…, người sản xuất thu về lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha.
Hiện tại HTX Biết Lộc Thành đã tập hợp gần 25 thành viên sản xuất khoảng 15ha dược liệu liên kết, tập trung hầu hết ở địa bàn xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, đạt tổng sản lượng trung bình 450tấn/năm. Trong đó sản phẩm đương quy thu hoạch ở đây được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) lấy mẫu phân tích và kiểm nghiệm, kết quả đạt các tiêu chuẩn hàm lương dược chất theo quy định. Bên cạnh văn phòng làm việc của HTX tại khu vườn của Giám đốc Biết vừa xây dựng
hoàn thành một kho lạnh với tổng thể tích 60m3, công suất bảo quản dược liệu sau thu hoạch khoảng 40tấn nguyên liệu khô. “ HTX Biết Lộc Thành đang khai thác thị trường tiêu thụ đương quy và các loại dược liệu khác ở 2 đô thị lớn trong cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vậy trong năm 2018, HTX chúng tôi ưu tiên mở rộng vùng nguyên liệu liên kết trồng cây dược liệu trong huyện Lâm Hà nói riêng, trong tỉnh Lâm Đồng nói chung… ”, Giám đốc HTX Dược liệu Biết Lộc Thành, ông Lê Văn Biết chia sẻ kế hoạch của HTX đã thông qua./
THÁNG 10/2017