Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Cà phê Lâm Đồng vững tin hội nhập

VĂN VIỆT
Không ngừng phát huy lợi thế so sánh của vùng đất Nam Tây Nguyên, ngành cà phê Lâm Đồng đang vững tin bước vào Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I với chủ đề “Thời kỳ phát triển mới của cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, đón nhận những cơ hội giao lưu, kết nối với các đối tác sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê trong và ngoài nước.

Đa dạng không gian văn hóa cà phê
Thống kê đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng có hơn 90 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vàs chế biến cà phê. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu cà phê của mình trên thị trường trong và ngoài nước như Là Việt, Cầu Đất, Thúy Thuận, Mai Hoàng Sang, Trại Hầm…Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I khai mạc vào ngày 10/12/2017, nhưng một ngày trước đó- tức ngày 9/12/2017 đã bắt đầu diễn ra 2 sự kiện quan trọng: Không gian văn hóa thưởng thức cà phê chất lượng cao từ các vùng miền và Hội thảo quốc tế về chuyên ngành cà phê trong thời kỳ phát triển mới.
Cụ thể, không gian giới thiệu các sản phẩm cà phê chất lượng cao và thể hiện văn hóa thưởng thức cà phê được tổ chức trong 3 ngày- từ ngày 9- 11/12/2017 tại Quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt. Tại đây bố trí diện tích khoảng 2.000m2, chia thành 4- 5 khu vực trưng bày các sản phẩm cà phê uy tín trong nước, đồng thời dành riêng cho khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê quy mô lớn trong cả nước giới thiệu cách pha chế cà phê đặc trưng của mình. “Đây là không gian thưởng thức cà phê chất lượng cao theo phong cách của từng vùng miền trong nước. Đồng thời cung cấp thông tin cho người tiêu dùng nhận biết tiêu chuẩn, chất lượng cà phê nguyên chất, cà phê an toàn đã được cơ quan thẩm quyền cấp chứng nhận…”, Theo Ban Tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam.
Với Hội thảo quốc tế chủ đề “Thời kỳ phát triển mới cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” được tổ chức tại Khách sạn Sài Gòn- Đà Lạt, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Lâm Đồng cùng chủ trì. Bên cạnh tuyên dương các tổ chức, cá nhân điển hình sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê cả nước, Hội thảo được trình bày các tham luận nghiên cứu phát triển cà phê của Tổ chức cà phê thế giới, các Hiệp hội và doanh nghiệp trong nước svà nước ngoài, trong đó tập trung nội dung về xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê trong nước và thế giới trong thời kỳ mới…
Doanh nghiệp Lâm Đồng chế biến 75% sản lượng cà phê
Đồng hành với hơn 90 doanh nghiệp nói trên, Lâm Đồng còn có thêm hơn 470 hộ cá thể cùng tham gia chế biến cà phê nhân đạt tổng công suất 280- 300.000 tấn cà phê nhân/năm, chiếm khoảng 75% sản lượng cà phê trên địa bàn. Đặc biệt có 15 doanh nghiệp chế biến ướt cà phê chè xuất khẩu, đạt công suất hơn 48.000 tấn/năm; gần 60 doanh nghiệp, cơ sở chế biến mỗi năm 1.650 tấn cà phê bột…
Trên tổng diện tích hơn 155.000ha, Lâm Đồng bước vào Ngày Cà phê đầu tiên của Việt Nam với gần 75.500ha đã được cấp chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn UTZ, 4C, Rainforest Aliance, C.A.F.E Practices…
Đến ngày 30/9/2017, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tái canh 45.075ha cà phê (tổng kinh phí hơn 7.125 tỷ đồng), đạt gần 70% kế hoạch, trở thành một trong những địa phương đầu tiên thực hành công nghệ ghép cải tạo, tăng năng suất trung bình từ 26,1 tạ/ha năm 2012 lên 29,6 tạ/ha năm 2016.  Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, những giải pháp tạo nên thành công chương trình tái canh cà phê 4 năm qua trên địa bàn là: “ Chọn lọc được các giống cà phê cao sản tại địa phương như Thiện Trường, Hữu Thiên, Xanh Lùn… Nguồn giống này được ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm 2-3 tỷ đồng, bên cạnh triển khai gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp hơn mức vay thông thường từ 0,5 đến 1,5%/năm. Ngoài ra còn thực hiện một số giải pháp tái canh cà phê trồng mới ngay đầu mùa mưa, trong đó tập trung xen canh với nhiều loại cây hoa màu ngắn ngày, kết quả đã tiết kiệm thời gian 2 năm chờ luân canh… ”
Đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ tái canh 30% diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp còn lại theo quy hoạch trên địa bàn. Hy vọng Lâm Đồng sớm đạt và vượt kế hoạch này nhờ nguồn giống cà phê luôn được chủ động với 70 cơ sở vườn ươm được công nhận tiêu chuẩn chất lượng đầu dòng, mỗi năm sản xuất gần 20 triệu cây giống và mầm chồi cao sản./.
THÁNG 10/2017