Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Khai thông thị trường khoai tây Đà Lạt

VĂN VIỆT
Sản lượng khoai tây Đà Lạt chiếm 35 - 40% hợp đồng tiêu thụ ổn định ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…Còn lại đến 60 - 65% tiêu thụ bấp bênh qua kênh thương lái, chưa kể áp lực cạnh tranh giáp vụ (tháng 6 - 9 hàng năm) khi khoai tây Trung Quốc nhập khẩu. Để khai thông thị trường khoai tây Đà Lạt, nhiều giải pháp cơ cấu thời vụ, giống mới, chuỗi giá trị…cần được phối hợp triển khai hữu hiệu hơn.

Khoai tây Đông Xuân nhiều, Hè Thu ít
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ( TT&BVTV) Lâm Đồng, hàng năm, Đà Lạt và các huyện phụ cận Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương (gọi thương hiệu chung là khoai tây Đà Lạt) sản xuất tập trung từ 1.350- 1.600ha, năng suất bình quân 21-25 tấn/ha, nhân thành tổng sản lượng 30.000- 34.000 tấn. Trong đó vụ Đông Xuân trồng nhiều nhất với tổng diện tích 1.000- 1.250ha, tổng sản lượng 23.000- 29.000 tấn. Trừ ra, còn lại vụ Hè Thu trồng ít hơn nhiều với diện tích trung bình khoảng 350ha, tổng sản lượng 5.000- 7.000 tấn.
Tính riêng trong năm 2017, khoai tây Đà Lạt sản xuất vụ Đông Xuân khoảng 1.155ha, năng suất 23- 25 tấn/ha. Địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương chiếm nhiều diện tích nhất từ hơn 460ha đến gần 610ha; các địa bàn Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà trồng lần lượt 50ha, 28ha và 6ha. Và vụ Hè Thu năm 2017 chỉ sản xuất gần 330ha khoai tây, năng suất chưa đến 19 tấn/ha. Những địa bàn phân bổ diện tích trồng khoai tây Hè Thu gồm: Đà Lạt (203ha), Đơn Dương (100ha), Đức Trọng ( gần 25ha) và Lạc Dương hơn (2ha).
Khoai tây Đà Lạt vụ Đông Xuân kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau, được trồng khá nhiều diện tích nêu trên là nhờ phần lớn diễn biến thời tiết khô ráo, ôn hòa. Còn lại thời gian vụ Hè Thu từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, khoai tây Đà Lạt sinh trưởng chủ yếu trong mùa mưa, nhiều dịch bệnh xảy ra, dẫn đến diện tích và năng suất rất hạn chế. Do đó, tình trạng khoai tây được mùa giảm giá và mất mùa tăng giá vẫn diễn ra hàng năm ở Đà Lạt và vùng phụ cận. 
Cụ thể khoai tây Đà Lạt vụ Đông Xuân tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm an toàn đến các thị trường lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…trong năm 2017 với giá ổn định từ 10.000- 15.000 đồng/kg. Trong khi khoai tây Đà Lạt vụ Hè Thu là vụ nghịch, năng suất thấp, nên giá bán không qua hợp đồng phải lên đến 20.000- 25.000đồng/kg mới bù đắp các chi phí đầu tư và một phần lợi nhuận tương xứng. Tận dụng lúc khan hiếm hàng, giá cả lên cao như vậy, đội ngũ thương lái chen nhau mua khoai tây Trung Quốc về bán với giá “bắt đáy”, tạo nên cán cân cùng- cầu bất lợi cho khoai tây Đà Lạt…
Tìm giải pháp khai thông  
Thống kê của Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng cho thấy: Gần 4 năm qua, lượng khoai tây Trung Quốc nhập về chợ đầu mối Đà Lạt hơn 2.280 tấn, thời điểm nhập về từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm - đúng vào lúc khoai tây Đà Lạt trái vụ ít ỏi nói trên. Với giá thu mua “đổ đồng” từ 2.000- 3.500 đồng/kg, khoai tây Trung Quốc sau khi phân loại, thương lái Đà Lạt bán được từ 8.000- 9.000 đồng/kg. Trừ ra, lợi nhuận trung bình một ký khoai tây Trung Quốc từ 6.000- 6.500 đồng, gấp hơn 5 lần lợi nhuận kinh doanh khoai tây Đà Lạt trong cùng thời điểm. Hơn nữa với giá bán ra chưa bằng phân nửa giá khoai tây Đà Lạt, cộng với cách trộn đất đỏ Đà Lạt đã “kích cầu” khoai tây Trung Quốc vẫn hiện diện nhiều nơi trong nước,  gây ngộ nhận cho người tiêu dùng ham giá rẻ.
Để khai thông thị trường khoai tây Đà Lạt, nhất là vào những tháng mùa mưa, Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng đề xuất cơ chế khuyến khích các trung tâm nghiên cứu, nhà doanh nghiệp, nhà nông tích cực khảo nghiệm, chọn tạo giống khoai tây mới năng suất cao, có khả năng đề kháng dịch bệnh trong mùa mưa, nhất là dịch bệnh mốc sương để nhân rộng thời vụ đồng đều diện tích trong năm trên từng vùng chuyên canh, từ đó tăng nhanh diện tích và sản lượng, giảm giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh với “đối thủ” khoai tây giá rẻ Trung Quốc.   
Về lâu dài cần chính sách hỗ trợ xây dựng các vùng chuyên canh khoai tây Đà Lạt đạt chuẩn VietGAP gắn với thị trường tiêu thụ thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu mối…Đồng thời tăng cường công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu khoai tây Đà Lạt trên thương trường, cương quyết xử lý những trường hợp giả mạo khoai tây Đà Lạt để trục lợi, góp phần lập lại môi trường kinh doanh bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Lâm Đồng nói riêng, trong nước và ngoài nước nói chung./.   
THÁNG 10/2017