Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Nông nghiệp Lâm Hà khẳng định vai trò trụ cột

VĂN VIỆT
Nghị quyết số 06, ngày 03/8/2017 của Huyện ủy Lâm Hà đã xác định mục tiêu giai đoạn 2017- 2020, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng trên 4%, chiếm 36- 38% cơ cấu kinh tế, nhằm phát huy lợi thế so sánh, huy động mọi nguồn lực tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Không ngừng phát triển
Huyện ủy Lâm Hà đánh giá giai đoạn hơn 12 năm qua, ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà đã không ngừng phát triển, hình thành các vùng nông sản hàng hóa lớn, trong đó sản xuất nhiều mặt hàng khẳng định thương hiệu trên thị trường cạnh tranh. Nếu như năm 2010, giá trị thu nhập bình quân đầu người sản xuất nông nghiệp của huyện Lâm Hà đạt 20,5 triệu đồng thì đến năm 2015 và 2016 đạt lần lượt 47,4 triệu đồng và 51,7 triệu đồng. Kết quả này thể hiện: “Nhận thức của người dân từng bước được nâng lên. Vai trò chủ thể của người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được khẳng định. Việc định hướng của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ nét…” 
Đặc biệt đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn huyện Lâm Hà đạt 8.800ha, chiếm hơn 19% tổng diện tích canh tác, tăng hơn 5% so với năm 2010. Chăn nuôi từng bước chuyển từ phân tán, nhỏ lẻ sang quy mô trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó đàn bò sữa và bò thịt cao sản ở huyện Lâm Hà đến nay đạt gần 3.500con.
Đáng kể, giai đoạn năm 2011-2015, huyện Lâm Hà đã triển khai hơn 728 tỷ đồng các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống dân cư trên địa bàn. “ Đến nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà, Đạ Đờn và Tân Văn); các xã đạt 15- 17 tiêu chí ( Phú Sơn, Tân Hà, Đan Phượng, Hoài Đức và Phúc Thọ); còn lại đạt 7- 12 tiêu chí (Mê Linh, Liên Hà, Phi Tô và Tân Thanh). Phấn đấu đến năm 2020, huyện Lâm Hà đạt chuẩn huyện nông thôn mới…”, Huyện ủy Lâm Hà cho biết.
Tăng lên 40% diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Triển khai Nghị quyết số 06 của Huyện ủy Lâm Hà nói trên, ngày 01/9/2017, UBND huyện Lâm Hà ban hành kế hoạch số 166 về “phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn năm 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp được duy trì 46.000ha, đạt giá trị bình quân từ nay đến năm 2020 hơn 170 triệu đồng/ha/năm. Trong đó phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khoảng 18.000ha, chiếm gần 40% tổng diện tích đất canh tác.
Tùy theo từng vùng sinh thái, UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo ngành nông nghiệp của huyện phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Cụ thể chuyển đổi từ 150- 250ha cây cà phê và cây màu kém hiệu quả ở khu vực các xã, thị trấn Đạ Đờn, Tân Hà, Nam Ban, Đinh Văn sang trồng cây rau, hoa công nghệ cao. Phân bổ diện tích sản xuất công nghệ cao gồm: nhà lưới khoảng 150ha; tưới nước, bón phân tự động 70ha. Về cây cà phê ổn định diện tích 35.000ha/38.000ha kinh doanh, tăng năng suất lên 3,3 tấn nhân/ha vào năm 2020 và 3,6- 3,8 tấn nhân/ha vào năm 2025. Nhưng diện tích cà phê ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt vào năm 2020 là: 700ha tưới bằng công nghệ tiết kiệm; 40- 50% diện tích cấp chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rain forest; 50% diện tích trồng cây che bóng.   
Bên cạnh đó, diện tích cây chè VietGAP tăng từ 28ha lên 100ha, phấn đấu mỗi năm trồng mới 10ha chè olong chất lượng cao, năng suất từ 13 tấn/ha hiện nay lên 20 tấn/ha năm 2020. Có 2 xã tập trung quy hoạch phát triển chè olong chất lượng cao ở huyện Lâm Hà là xã Phúc Thọ và xã Mê Linh, tổng diện tích 240ha vùng nguyên liệu gắn với chế biến theo công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Riêng diện tích trồng dâu các giống mới S7 – CB, VA-201…phát triển khoảng 2.000ha, đồng thời khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề trồng dâu nuôi tằm, liên kết sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu dâu tằm tơ Lâm Hà.  
Ngoài ra các loại cây trồng khác ở Lâm Hà được cơ cấu đến năm 2020 như: 200ha cây mắc ca thu hoạch; 180ha cây dược liệu; 250ha bơ; 100ha quýt; 100ha chuối, 70ha sầu riêng…Chưa kể chăn nuôi bò sữa đạt 4.800 con (sản lượng sữa tươi 20.000tấn/năm); bò thịt cao sản các giống Zêbu, Red Angus, Droughmaster, BBB khoảng 5.000con…
Để hiện thực hóa đầy đủ các chi tiêu phát triển nông nghiệp trụ cột đến năm 2020 nêu trên, UBND huyện Lâm Hà tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách một cách đồng bộ, thống nhất. Đó là “ chuyển đổi các hình thức hỗ trợ mang tính dàn trải, manh mún sang hỗ trợ các mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Chuyển dần hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp thông qua đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật. Khuyến khích tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất quy mô lớn. Hình thành cơ chế mới xác định tài sản thế chấp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất…”/.
THÁNG 10/2017