Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Lâm Huê ươm cà phê bền vững

VĂN VIỆT
Mùa tái canh cà phê năm 2017, Vườn ươm cà phê Lâm Huê ở xã Gia Lâm, Lâm Hà được Sở NN&PTNT Lâm Đồng chứng nhận 300.000 cây giống đạt tiêu chuẩn chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Đây là kết quả 15 năm hoàn chỉnh kỹ thuật gieo ươm cà phê chất lượng cao của vợ chồng Đinh Văn Lâm và Lê Thị Huê (cùng thế hệ 7X) ở xã này.

Đất để ải, hạt hóng gió
Hàng năm vùng cà phê huyện Lâm Hà nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung bước vào thời điểm cải tạo tái canh, trồng mới trên các diện tích chuyển đổi từ tháng 5 đến tháng 8 nhờ tận dụng thời tiết mưa nhiều. Dẫu vậy đến đầu tháng 10/2017, tôi đến Vườn ươm Lâm Huê ở xã Gia Lâm, Lâm Hà vẫn còn những chuyến xe chở cây giống cà phê xuất bán đợt cuối trong năm 2017, cung cấp cho nông dân trong và ngoài địa phương theo đặt hàng hơn một năm trước. Chị Lê Thị Huê ( sinh năm 1974), chủ vườn giải thích: “ Từ tháng 9 trở đi, những hộ nông dân mua cây cà phê giống của Vườn ươm Lâm Huê chúng tôi về trồng mới trên những diện tích có đủ nguồn nước tưới tại chỗ. Đây là những luống cây giống cà phê thực sinh được gieo ươm sau cùng trong năm 2016, nhưng tất cả đều đáp ứng tiêu chuẩn 5 cặp lá tươi xanh, chiều cao cây từ 30cm trở lên…”
Anh Đinh Văn Lâm (sinh năm 1971), chồng chị Huê dẫn tôi tiếp cận từng luống đất vườn ươm rồi “minh họa” thêm: “Mỗi khu vực vườn ươm ở đây xuống hạt giống trồng theo từng diễn biến thời tiết khác nhau, nhưng phải đảm bảo thời gian sinh trưởng của cây giống đưa vào bầu đất nhỏ khoảng 5-6 tháng trước khi xuất vườn. Chưa kể 3 tháng trước đó phải thực hiện các khâu tách vỏ lụa cà phê, lấy hạt phơi hóng gió cho vừa đạt độ khô, phơi đất để ải, xử lý đất, phối trộn các loại phân chuồng hoai mục, gieo hạt trên luống đất cao 20cm trở lên, phối trộn giá thể trong bầu đất với tỷ lệ thích hợp…”
Mới hay những giải pháp kỹ thuật mà vợ chồng Lâm- Huê vừa “thuyết minh” cho tôi là thành quả đúc kết cả một giai đoạn hơn 15 năm học hỏi nhiều nơi về áp dụng, hoàn chỉnh kỹ thuật vườn ươm cà phê thực sinh của mình. Nhưng nếu tính thời điểm xuất phát làm nghề vườn ươm ban đầu của Lâm – Huê thì ngược về hơn 18 năm đã qua. “ Từ năm 1998- 1999, vợ chồng chúng tôi thay nhau về vùng chè Hà Giang, Bảo Lộc nhiều ngày để học nghề sản xuất hom giống chè cành. Học xong đưa hom giống chè cành về sản xuất trong vườn nhà và cung cấp cho những hộ nông dân quanh vùng Nam Ban. Sau đó 3- 4 năm, các cơ quan nông nghiệp huyện Lâm Hà khảo sát đạt hiệu quả về kỹ thuật sản xuất giống chè cành, nên đã quyết định chọn vườn ươm chúng tôi làm điểm mô hình chuyển đổi vài trăm mét vuông sang sản xuất cây giống cà phê chè catimor thực sinh …”, chị Huê kể lại.
Vài lứa cây cà phê giống thu hoạch đầu tiên trồng tại các vườn mô hình ở Nam Ban nhờ ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, kết quả phần lớn đạt các yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Rồi tiếp tục được nhà nước trợ giá khuyến khích phát triển, Vườn ươm Lâm Huê đã dần nâng cấp, mở rộng tổng diện tích lên 2.000m2. sản xuất ổn định từ năm 2012 đến nay, công suất mỗi năm 300.000 cây giống cà phê vối và cà phê chè thực sinh đạt hiệu quả cao. Tháng 3/2017, Sở NN&PTNT Lâm Đồng chính thức Chứng nhận Vườn ươm giống cà phê Lâm Huê đạt tiêu chuẩn tham gia chuyển đổi nông nghiệp bền vững thuộc Dự án VnSAT.         
Năng suất 7- 8 tấn/ha
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Vườn ươm Lâm Huê đạt tiêu chuẩn tham gia VnSAT vì đã hội đủ các yêu cầu kỹ thuật đối với cây giống cà phê thực sinh bầu nhỏ gồm: Hình thái cây sinh trưởng không sâu bệnh, thân thẳng; bộ lá có từ 5 cặp trở lên; bộ rễ không bị nấm bệnh, một rễ cọc thẳng và nhiều rễ tơ hữu ích; đường kính gốc lần lượt 0,3cm và 0,4cm đối với cà phê chè và cà phê vối, đo từ cách mặt bầu 1cm; chiều cao từ 30cm trở lên…Bên cạnh đó vườn ươm đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất như: mặt bằng thoát nước nhanh, nguồn điện lưới cung cấp ổn định, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm hóa chất, nguồn đất đưa vào bịch ươm lấy từ lớp mặt dưới 30cm, đường giao thông ô tô đến tận vườn…
Đi giáp vòng vườn ươm, vợ chồng Lâm- Huê mở cánh cổng thép dẫn lối vào vườn cà phê chè và cà phê vối kinh doanh, từng chùm trái chen chúc trên cành, dự kiến thu hoạch niên vụ 2017- 2018 lần lượt mỗi hecta sản phẩm hạt nhân khoảng hơn 4 tấn và 7 tấn. Đây cũng đồng thời là diện tích cà phê mô hình để trao đổi, nhân rộng kinh nghiệm canh tác giống “chè” và giống “vối” đối với nông dân Lâm Đồng đến vườn ươm Lâm – Huê đặt mua giống và tìm hiểu kỹ thuật đào hố trồng, chăm sóc tại chỗ…
Anh Ngô Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm, Lâm Hà đánh giá “Toàn xã Gia Lâm với tổng diện tích khoảng 1.000ha cà phê thì chiếm đến tỷ lệ 60-70% diện tích đang sử dụng giống thực sinh của Vườn ươm Lâm Huê thâm canh và tái canh trồng mới. Trong đó những diện tích cà phê đang thời kỳ kinh doanh tiếp tục khẳng định hiệu quả về năng suất và chất lượng trên thị trường. Hội Nông dân xã Gia Lâm luôn khuyến cáo nông dân địa phương chọn lựa sử dụng nguồn cây giống cà phê có xuất xứ rõ ràng, đạt chất lượng cạnh tranh như của Vườn ươm Lâm Huê… ”
THANG 10/2017