Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Nước sinh hoạt nông thôn- quản lý còn bất cập

VĂN VIỆT
Từ đầu năm 2017 đến nay, qua kiểm tra trên địa bàn Lâm Đồng phát hiện 44 công trình nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả, tăng 26 công trình so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy công tác quản lý còn nhiều bất cập cần sớm được khắc phục.

Đầu tư từ nhiều nguồn vốn
Từ nhiều nguồn vốn trong nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Chương trình 134, 135 và nguồn vốn nước ngoài đầu tư, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 252 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó nhiều nhất là công trình giếng khoan (187), tiếp theo thuộc về công trình cấp nước tự chảy (59), còn lại công trình cấp nước khác (06). Tổng số người dân nông thôn Lâm Đồng sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm khoảng 87%. Trong đó hơn 12% người dân sử dụng công trình nước sinh hoạt tập trung; gần 75% người dân còn lại tự đầu tư sử dụng các công trình cấp nước hộ gia đình.
Nhằm tiếp tục tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng với các cơ chế chính sách khuyến khích được ban hành và thực hiện, đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn. Đó là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Lộc Phát đang triển khai thi công xây dựng Nhà máy cấp nước Ghềnh Đá, huyện Cát Tiên với tổng mức kinh phí 36 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành, nhà máy cấp nước sinh hoạt giai đoạn 1 cho dân cư các xã Đức Phổ, Phước Cát 1, Gia Viễn với công suất 2.000m3/ngày đêm. Hoặc 3 Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng như: Nhà máy cấp nước Đạ R’Sal, huyện Đam Rông dự kiến cấp nước sạch sinh hoạt cho 1.500 hộ dân ở xã Đạ R’Sal và vùng phụ cận, do Doanh nghiệp tư nhân Cây xăng dầu Văn Thân đầu tư; Dự án gần 40,6 tỷ đồng của Công ty TNHH Thủy-Thiên-Phú-An đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước cho các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tân Hội và Tân Thành thuộc huyện Đức Trọng; Dự án Công ty cổ phần Cấp thoát nước Đức Trọng đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống thoát nước thị trấn Liên Nghĩa và vùng phụ cận.
Ngoài ra đang triển khai các Dự án đấu nối từ các Nhà máy Cấp nước tại trung tâm các huyện Di Linh, Đạ Tẻh, Cát Tiên…đưa về khu vực nông thôn; riêng địa bàn huyện Di Linh, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng cấp thoát nước Long Gia Thịnh đề nghị tiếp nhận quản lý, khai thác và cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; ở địa bàn huyện Đam Rông, nhiều tổ chức, cá nhân đang huy động vốn đầu tư các công trình cấp nước khác cho nhân dân địa phương…   
  Bất cập hai cấp quản lý
Tuy nhiên đến tháng 7/2017, qua kiểm tra 252 công trình cấp nước sinh hoạt nói trên, Sở NN &PTNT Lâm Đồng đánh giá chỉ có 43 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ hơn 17% và 116 công trình hoạt động trung bình chiếm tỷ lệ hơn 46%. Trong khi đó có đến 44 công trình hoạt động kém hiệu quả cùng 49 công trình không hoạt động, chiếm tỷ lệ lần lượt gần 17,5% và 19,5%.
“ So với cùng kỳ năm 2016, giảm 4 công trình cấp nước sinh hoạt không hoạt động do đã được quan tâm sửa chữa. Tuy nhiên tăng 26 công trình hoạt động kém hiệu quả do hư hỏng, xuống cấp, công tác quản lý, vận hành chưa được chú trọng sửa chữa kịp thời…”, Sở NN &PTNT Lâm Đồng nhận định. Cụ thể, trong số 93 công trình cấp nước sinh hoạt không hoạt động và hoạt động kém hiệu quả thì có đến 75 công trình do UBND cấp xã quản lý. Chỉ còn lại 18 công trình do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình cấp huyện trực tiếp quản lý.
Nguyên nhân tồn tại 93 công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động vừa nêu, trước hết là việc đầu tư thiết kế không phù hợp ngay từ đầu, việc khoanh vùng bảo vệ thảm thực vật đầu nguồn còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguồn nước tự chảy cạn kiệt hoặc ô nhiễm, không thể tiếp tục khai thác sau thời gian ngắn sử dụng. Bên cạnh đó, một số công trình nước tự chảy đã quá tải xử lý nước đục trong mù mưa hoặc đường ống dẫn nước bị tắc nghẽn trong mùa khô, trong khi kinh phí duy tu nâng cấp hàng năm gặp nhiều khó khăn, chưa thể triển khai kịp thời.
Đáng chú ý hơn, đối với mô hình nước sinh hoạt tập trung do đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện quản lý (69 công trình) có bộ máy phù hợp, cán bộ đáp ứng trình độ chuyên môn thông qua đào tạo, tập huấn, nên cơ bản vận hành đúng quy trình. Ngược lại, mô hình do UBND cấp xã quản lý (183 công trình), trong đó chiếm đa số giao trực tiếp quản lý cho cán bộ ở thôn, tổ tự quản không đủ năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật, dẫn đến việc vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước không thường xuyên, hiệu quả kém.
Để đảm bảo duy trì hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trong thời gian tới-  theo Sở NN &PTNT Lâm Đồng- cần nhanh chóng rà soát tất cả công trình hư hỏng để cân đối bố trí các nguồn vốn sửa chữa nhỏ hoặc sửa chữa lớn phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng khu vực dân cư. Đồng thời việc quản lý, khai thác công trình nước sinh hoạt nên tập trung giao cho đơn vị sự nghiệp cấp huyện; và chỉ giao cho UBND cấp xã khi xét thấy thực sự đảm bảo năng lực về bộ máy, cán bộ kỹ thuật có trình độ, kinh nghiệm…/.
THÁNG 9/2017