VĂN VIỆT
Nghề nuôi nước lạnh (cá
tầm và cá hồi) Lâm Đồng đã và đang vượt
qua nhiều khó khăn, hạn chế, phấn đấu đến năm 2022 với các giải pháp đồng bộ về
nguồn giống, kỹ thuật thả nuôi gắn với quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ
trong và ngoài nước, nhằm đạt sản lượng mỗi năm từ 2.000 tấn trở lên
Doanh nghiệp giảm, sản
lượng tăng
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh
Lâm Đồng, giai đoạn 2012- 2017, số doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh thương phẩm
trên địa bàn từ 18 giảm xuống còn 12. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này gồm
các “sự thiếu” về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, chưa lấy sản xuất cá nước lạnh
thương phẩm làm mục tiêu chính của doanh nghiệp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thường
xuyên yếu kém.
Cụ thể, một số doanh nghiệp trang trại
tự thiết kế đầu tư xây dựng hạ tầng không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, nên khi
đưa vào khai thác sử dụng (nuôi cá tầm, cá hồi) bộc lộ nhiều yếu điểm về lưu tốc
dòng chảy, hệ thống cấp thoát nước…rất khó khắc phục, trong khi đội ngũ kỹ thuật
viên chuyên ngành thủy sản ở những doanh nghiệp này vẫn luôn thiếu hụt. Hơn nữa
trước mức đầu tư sản xuất mỗi hecta cá nước lạnh lên đến 7- 15 tỷ đồng/ha, không
ít doanh nghiệp thường xuyên đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc trong huy động vốn,
tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, khiến nhiều dự án phải kéo dài tiến độ thực
hiện.
Đối ngược lại, nhóm doanh nghiệp G7
(nhóm doanh nghiệp quy mô lớn) còn lại đã không ngừng nỗ lực đầu tư chiều sâu, ứng
dụng công nghệ cao trong thiết kế, xây dựng hạ tầng thủy sản cá nước lạnh đưa
vào sản xuất đạt năng suất và chất lượng cao, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị
trường. Đặc biệt với việc áp dụng mở rộng quy trình công nghiệp nuôi cá tầm nước
suối chảy trong bể xây mật độ dày, nhóm doanh nghiệp G7 Lâm Đồng đã thường
xuyên thu hoạch sản phẩm đặc thù, cung cấp ổn định đến hệ thống siêu thị, nhà
hàng cao cấp trong cả nước, khẳng định giá trị thương hiệu “cá tầm suối Đà Lạt”.
Kết quả trong 6 năm qua, sản lượng cá
nước lạnh (cá tầm và cá hồi) ở Lâm Đồng liên tục tăng từ 335 tấn năm 2012 tăng
lên 385 tấn, 500 tấn và 600 tấn lần lượt các năm 2013, 2014 và 2015. Đến năm
2016 và ước năm 2017 tiếp tục tăng lên 800 tấn và 1.000 tấn. Như vậy nghề nuôi
cá nước lạnh trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2012- 2017, số doanh nghiệp
giảm xuống còn 1/3. Nhưng sản lượng tăng lên gấp 3 lần. Trong đó sản lượng cá tầm
nuôi bằng nước suối chảy giá trị cao của doanh nghiệp G7 chiếm tỷ lệ 85%, tiêu
thụ ở thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Liên kết chuỗi các doanh
nghiệp đầu tàu
“ Căn cứ vào dự báo giá cả thị trường
và khả năng đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm của từng
doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đặt chỉ tiêu
phấn đấu đạt sản lượng 2.000 tấn (1.950 tấn cá tầm, 50 tấn cá hồi) vào năm 2022.
Đây cũng là mục tiêu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích phát
triển nghề nuôi cá nước lạnh trở thành sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng, phục vụ
nhu cầu thực phẩm cao cấp trong nước và xuất khẩu… ”, Hiệp hội nhận định.
Theo đó, từ sản lượng cá nước lạnh ước
cả năm 2017 đạt 1.000 tấn nêu trên, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng xây
dựng chỉ tiêu kế hoạch tăng dần sản lượng hàng năm từ 150 tấn đến 300 tấn, nhằm
nâng tổng sản lượng đạt 2.000 tấn vào năm 2022. Tương ứng với điều chỉnh cơ cấu
trang trại theo hướng tăng diện tích nuôi cá tầm nước suối chảy lên 120ha, cá hồi
10ha và 90ha cá tầm lồng bè. Trong đó chỉ tiêu năng suất cá tầm suối trong bể
xây có mái che đạt 21 tấn/ha; cá tầm nuôi trên hồ chứa đạt 25kg/m3 lồng
bè. Đồng thời chỉ tiêu sản xuất giống cá tầm và cá hồi trong 5 năm tới cũng đã
được Hiệp hội thông qua: từ 1,8 – 2,1 triệu con/năm trong 3 năm đầu; từ 2,6-
3,1 triệu con/năm trong 2 năm tiếp theo.
Để đạt chỉ tiêu 2.000 tấn cá nước lạnh
năm 2022 trở đi, giải pháp đầu tiên tính đến tháng 9/2017, Hiệp hội Phát triển
cá nước lạnh Lâm Đồng đã tổ chức cho 7 doanh nghiệp đầu tàu quy mô lớn (doanh
nghiệp G7) cùng ký quỹ tại Ngân hàng NN & PTNT Lâm Đồng để thực hiện hợp đồng
liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh cá
nước lạnh trong 5 năm tới. Tùy theo năng lực của từng doanh nghiệp thành viên,
Hiệp hội phân công từng chức năng như: đầu tư trang trại nuôi cá tầm nước suối
chảy theo hướng công nghiệp; khảo nghiệm, nhập mới và sản xuất giống cá tầm, cá
hồi; xúc tiến thương mại, chủ động thị
trường tiêu thụ sản phẩm; hợp tác nhiều doanh nghiệp khác xây dựng nhà máy chế
biến cá nước lạnh …
Bên cạnh đó, Hiệp hội chú trọng giải
pháp tăng cường giám sát, kiểm tra đồng bộ quy trình sản xuất giống, thức ăn, kỹ
thuật nuôi, môi trường và sản phẩm cá nước lạnh của từng doanh nghiệp trước khi
đưa ra thị trường. Đặc biệt Hiệp hội duy trì niêm yết rộng rãi tại nơi tiêu thụ
về nguồn gốc giống, khu vực sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng…nhằm giúp người
tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm cá nước lạnh nhập ngoại không rõ xuất xứ,
nguồn gốc, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả cạnh tranh đối với sản phẩm “Cá nước
lạnh Đà Lạt” đã được Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận
nhãn hiệu bảo hộ độc quyền…/.
THÁNG 9/2017