Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

“Bản đồ tín dụng” không chỉ cho cây cà phê

VĂN VIỆT
Qua hơn 4 năm triển khai chương trình tài trợ vốn cho tái canh cà phê, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng “bản đồ tín dụng” đến từng thôn, bản, đạt những kết quả khả quan. Trong đó riêng 1 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác với Agribank, Lâm Đồng đã tiếp tục mở rộng “bản đồ tín dụng” ứng dụng vào những cánh đồng công nghệ cao và những vùng nông thôn mới trên địa bàn.

“Trẻ hóa cà phê” theo hướng bền vững
Theo đánh giá chung tại Hội nghị sơ kết 1 năm hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng với Agribank và 4 năm thực hiện chương trình tín dụng tái canh cà phê, nhờ chủ động vào cuộc phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền từ cấp huyện về cấp xã, hệ thống Chi nhánh Agribank Lâm Đồng đã tăng cường việc khảo sát nhu cầu từng hộ nông dân qua từng giai đoạn, từ đó tập hợp dữ liệu xây dựng bản đồ chi tiết thực hành các diện tích tái canh cà phê trên từng thôn, bản. Trên cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên này, Agribank Lâm Đồng đã áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay, tháo gỡ những vướng mắc để rút ngắn thời hạn thẩm định, nên luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tái canh cà phê theo kịp thời vụ hàng năm.
Kết quả đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tái canh, cải tạo gần 41.000ha cà phê già cỗi, năng suất kém, trong đó giai đoạn năm 2013- 2015 đạt hơn 24.700ha, vượt gần 7,5% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tái canh cà phê luôn nằm trong tầm kiểm soát, đồng thời thấp hơn mức nợ xấu bình quân chung của toàn ngành ngân hàng trên địa bàn. “ Đặc biệt chương trình tái canh cà phê đã trực tiếp giúp người nông dân sản xuất các loại giống mới “trẻ hóa” vườn cây,  kết hợp với việc tiếp cận quy trình kỹ thuật canh tác cà phê theo hướng bền vững, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C…”, Hội nghị nhận xét.
Từ nguồn vốn tín dụng giải ngân có chất lượng đến hộ nông dân, đã góp phần đáng  kể trong việc tăng năng suất thu hoạch trên từng diện tích cà phê tái canh ở Lâm Đồng. Cụ thể niên vụ cà phê vừa qua, nông dân thu hoạch diện tích cà phê tái canh đạt bình quân 29,6 tạ/ha, tăng 4,8 tạ/ha so với năm 2012.  Cá biệt có một số diện tích cà phê tái canh với các nguồn giống cao sản, đạt năng suất vượt trội lên đến 7-8 tấn/ha. Qua đó đã tạo thêm “những phép cộng” để nâng tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng niên vụ năm 2016 đạt 429.353 tấn, tăng 74.643 tấn so với năm 2012.
Lợi thế mới trên “bản đồ tín dụng”
Nhân rộng mô hình “bản đồ tín dụng” từ tái canh cà phê mở rộng phát triển đến các cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới, tính riêng sau 1 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác với Agribank giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lâm Đồng đã vượt kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra. Đó là “đến ngày 30/6/2017, tổng dư nợ tại các Chi nhánh của Agribank Lâm Đồng đạt 19.306 tỷ đồng, tăng 2.259 tỷ đồng so với đầu năm 2017. Và so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2017 đã hoàn thành hơn 75%. Nhìn về thời điểm trước khi ký kết thỏa thuận hợp tác, tổng dư nợ đã tăng thêm 4.260 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 28,3%...”, báo cáo tại Hội nghị nói trên cho biết. Chưa kể nguồn vốn huy động từ cá nhân và các tổ chức khác trong xã hội tham gia đầu tư cải tạo, tái canh cà phê Lâm Đồng trong 4 n
ăm qua khoảng 6.200 tỷ đồng.  
Phát huy những kết quả đạt được thông qua “bản đồ tín dụng” nói trên, tỉnh Lâm Đồng và Agribank thống nhất giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương tiếp tục tạo cơ chế điều kiện thuận lợi cho hệ thống Chi nhánh Agribank trên địa bàn hoạt động tín dụng hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 cải tạo, tái canh dứt điểm 27.642ha cà phê năng suất thấp được thay thế bằng các giống cà phê cao sản mới, đạt chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, công chứng xác nhận tài sản bảo đảm vốn vay được giải ngân thuận lợi và nhanh chóng cho doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư tái canh, cải tạo diện tích cà phê của mình. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để mở rộng chế biến tinh cà phê, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất cà phê nói riêng, diện tích đất ứng dụng công nghệ trên từng khu vực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ./.    
THÁNG 9/2017