Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Nông nghiệp toàn diện - yêu cầu đặt ra

VĂN VIỆT
Để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại, Lâm Đồng đặt ra yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn.

Cây trồng phù hợp, chăn nuôi an toàn
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng với yêu cầu bức thiết trong 4 năm tới cần bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái. Đó là chuyển đổi từ 1.500- 2.000ha cây trồng kém hiệu quả ở các vùng phụ cận Đà Lạt sang trồng rau và hoa, nhằm tăng diện tích chuyên canh đến năm 2020 với 20.000ha rau và 2.800ha hoa. Hàng năm gieo trồng    đạt 63.000ha rau (2,5triệu tấn) và 9.115ha hoa (3,3 tỷ cành). Trong đó chiếm ít nhất 50% sản phẩm rau đạt các tiêu chuẩn an toàn trong nước và thế giới.
Cùng giai đoạn năm 2017 – 2020, cây cà phê Lâm Đồng được giữ ổn định diện tích 150.000ha. Trong đó tái canh hơn 27.600ha; riêng cà phê chè nâng diện tích từ 16.000ha lên 25.000ha vào năm 2000 với các loại giống chất lượng cao được ưu tiên chuyển đổi như: Bourbone, Katura, Moka.
Về cây chè, tỉnh Lâm Đồng định hướng: “ Hình thành các vùng sản xuất chè cành cao sản và chè ô long quy mô tập trung, tạo thành vùng nguyên liệu rộng lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến, nhằm nâng cao giá trị gia tăng…” Theo đó, đến năm 2000, Lâm Đồng chuyển đổi 6.000ha diện tích chè hạt già cỗi sang trồng chè cành cao sản (TB 14, LĐ 97) và các giống chè chất lượng cao khác (olong, tứ quý, kim tuyên…), nâng tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao lên 8.830ha, tương ứng khoảng 40% diện tích canh tác. Trong đó hình thành 600ha diện tích chè ứng dụng công nghệ cao từ 1- 2 vùng sản xuất tập trung ở địa bàn Bảo Lộc và Bảo Lâm.
Các loại cây trồng khác như cây dược liệu và đặc sản được quy hoạch phát triển 350ha vào năm 2020 và 500ha vào năm 2025. Cụ thể chọn những loài cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao để đầu tư sản xuất như: Magic S, đông trùng hạ thảo, chanh dây, đẳng sâm, diệp hạ châu, sâm Ngọc Linh, cỏ ngọt, atiso, chuối La Ba…Đáng kể thêm, trong 4 năm tới tăng diện tích cây dâu tằm từ 5.000ha lên 6.500ha, tập trung tại các địa phương có truyền thống trồng dâu nuôi tằm để khôi phục và phát triển.
Bên cạnh đó, với yêu cầu phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, Lâm Đồng đặt mục tiêu thu mua 95% sản lượng sữa bò tươi do nông dân sản xuất. Bò sữa HF thuần chủng cao sản được ưu tiên phát triển, nhằm tăng tổng đàn 50.000con vào năm 2020, đạt sản lượng sữa khai thác bình quân 5.900 lít/con/chu kỳ. Và cùng thời gian đến năm 2000, Lâm Đồng đạt tổng đàn bò thịt 100.000con, trong đó có từ 35.000- 40.000con bò thịt lai các giống         cao sản của thế giới như: Zêbu, Red Angus, Droughmaster, BBB… Ngoài ra đến năm 2020, Lâm Đồng phát triển 600 ngàn con heo, 6,8 triệu con gia cầm, bố trí chăn nuôi tập trung ở các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và 3 huyện phía Nam; thu hút đầu tư 1- 2 nhà máy chế biến thức ăn gia súc với công suất 80.000 – 100.000 tấn/năm.
Mục tiêu phát triển chăn nuôi ở Lâm Đồng được xác định: “ Phấn đấu hàng năm tăng sản lượng ngành chăn nuôi lên trên 10%, góp phần tăng tỷ trọng lên 1,5- 2%/năm. Đến năm 2020, cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 20- 22% trong toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng…”
Chiếm 35-40% nông sản công nghệ cao
Đồng hành với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là việc tổ chức sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch. Đó là mở rộng diện tích nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trên thế giới như: nhà kính điều khiển tự động; công nghệ thông tin theo dõi sinh trưởng, quản lý dịch bệnh, kiểm soát chất lượng; thực hành công nghệ nano, bón phân thông minh; tự động hóa trong thu hoạch, phân loại, đóng gói, làm sạch, bảo quản nông sản…
Đây được xem là 2 giải pháp trọng tâm để nâng lên 60.000ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí mới ở tỉnh Lâm Đồng vào năm 2020, chiếm 20% tổng diện tích canh tác. Đặc biệt trong đó 50% tỷ lệ diện tích ứng dụng công nghệ cao đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, có trình độ ngang bằng với công nghệ sản xuất các nước trong khu vực, đạt giá trị nông sản ở Lâm Đồng chiếm từ 35- 40% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
Ở khâu cuối cùng của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là khâu đầu ra với các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, đơn vị kinh tế hợp tác và nông dân, gắn với việc xây dựng và phát triển thương hiệu “Đà Lạt- kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, góp phần đến năm 2020, Lâm Đồng tăng lên 50% tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng so với tổng sản lượng nông nghiệp toàn tỉnh, đồng thời tăng số lượng hộ nông dân tham gia liên kết năm sau cao hơn năm trước 30%...
THÁNG 7/2017