Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Chủ động kiểm soát bệnh xoăn lá virus trên cây họ cà

VĂN VIỆT
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa chủ trì hội nghị với các sở, ngành liên quan cùng đại diện tổ chức hội nông dân Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đơn Dương, đã kết luận cần chủ động quản lý, kiểm soát hữu hiệu hơn bệnh xoăn lá virus đang diễn biến phức tạp trên cây họ cà…

Mỗi năm gieo trồng đến 14.000ha rau họ cà
Thống kê 5 năm qua, diện tích rau họ cà tại các địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt từ hơn 12.000ha đến 14.000ha/năm. Trong đó chiếm trên 90% diện tích cà chua, khoai tây, ớt ngọt; 10% diện tích còn lại gồm cà tím, ớt cay, cà pháo…, đạt tổng sản lượng gần 460.000 tấn đến hơn 620.00tấn/năm. Thị trường trong nước tiêu thụ rau họ cà Lâm Đồng chiếm 90%; thị trường xuất khẩu đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…chiếm 10%.
Cụ thể cây cà chua Lâm Đồng năm diện tích hơn 9.300ha, năng suất bình quân 45 -52 tấn/ha, gồm các giống chủ lực là Rita (canh tác ngoài trời ở Đơn Dương, Đức Trọng), giống Beef, Haley, Socola, Cherry (canh tác nhà kính ở Đà Lạt, Lạc Dương). Hoặc cây ớt ngọt trồng tại Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc Dương, diện tích hàng năm 1.600ha đến gần 2.000ha với các giống Hồng Ngọc, BM08, BM09, Pasarella, Baschata…đạt năng suất 25-44 tấn/ha. Ngoài ra ở Lâm Đồng cây khoai tây phát triển hàng năm từ 1.400ha đến 1.880ha với nhiều giống chủ lực 06-07, PO3, Atlantic, đạt năng suất từ 18 – 22 tấn/ha; cây cà tím, cà pháo, ớt cay… canh tác diện tích từ 165 – 950ha/năm…
“Rau họ cà là nhóm rau chủ lực có lợi thế cạnh tranh, vì vậy việc duy trì ổn định diện tích, thâm canh tăng năng suất, sản lượng luôn được ngành nông nghiệp Lâm Đồng quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh xoăn lá virus bùng phát mạnh, một số khu vực trồng cà chua bị nhiễm nặng như xã Tu Tra và Ka Đơn (huyện Đơn Dương) phải chuyển đổi 70% diện tích sang trồng rau thập tự, đậu leo, xà lách...”- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
 Chủ động kiểm soát bệnh virus xoăn lá họ cà 
Qua điều tra ở Lâm Đồng, bệnh virus xoăn lá lây nhiễm trên rau họ trong năm 2011 với 940ha, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 112ha ở mức nhẹ - trung bình, tập trung trên cây cà chua đang thu hoạch như giống 386, Kim cương, Anna... Giai đoạn từ tháng 7- 10/2016, bệnh xoăn lá virus đột biến gia tăng trên cây rau họ cà, ban đầu chỉ gây hại nặng 30ha tại các xã Ka Đơn, Tu Tra  (Đơn Dương), xã Phú Hội (Đức Trọng), sau đó lây lan trên diện tích lên đến 1.350ha, trong đó 150ha phải tiêu hủy.
Và 5 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích cây rau họ cà Lâm Đồng nhiễm bệnh xoăn lá virus là 695ha (72 ha phải nhổ bỏ tiêu hủy). So với các năm trước đây, năm 2017, thành phần loài virus xoăn lá rất đa dạng, không chỉ gây hại cây cà chua ngoài trời ở 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, mà còn bắt đầu xuất hiện trên một số diện tích cà chua Beef trong nhà kính tại Đà Lạt; chưa kể đang gây hại đến cây ớt cay, cây cà tím, cà pháo…
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã xác định các nguyên nhân bùng phát dịch virus hại rau họ cà trên địa bàn, đó là: thời tiết mưa - nắng thất thường kéo dài, phát sinh các loài virus ToMV, TMV, CMV gây xoăn lá và dễ dàng lây nhiễm từ cây bệnh sang cây khỏe qua dụng cụ cắt tỉa cành, tay người làm vườn, quần áo bảo hộ lao động, hạt giống…Trong đó, chiếm 98% diện tích sản xuất cà chua giống ghép Rita khá mẫn cảm với bệnh virus xoăn lá.  Một số diện tích bị nhiễm nặng, nông dân không thu gom và tiêu hủy triệt để tàn dư, nên đã tạo môi trường cho bọ trĩ, bọ phấn, rầy rệp… phát triển và lan truyền mầm bệnh virus sang các khu vực lân cận. Ngoài ra do canh tác liên tục cây họ cà (cà chua, ớt, cà tím…) trên một diện tích, dẫn đến nguồn bệnh virus xoăn lá luôn tồn tại trong đất vẫn không được xử lý...
  Để chủ động quản lý bệnh virus cây rau họ cà, từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như: rà soát việc công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống xuất vườn; tập huấn, hướng dẫn cơ sở ươm giống cà chua về thiết kế vườn và quản lý cây giống sạch bệnh xoăn lá virus; kiểm tra, lấy mẫu phân tích virus đối với hạt giống, cây giống họ cà; tổ chức phát động ra quân thu gom cây họ cà nhiễm bệnh virus…Và đặc biệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng còn phối hợp chính quyền xã Tu Tra và xã Ka Đơn ra quân thu gom 1,7ha diện tích cây họ cà nhiễm bệnh virus xoăn lá; tổ chức khảo nghiệm xác định các loại thuốc phòng trừ; cấp phát 5.000 bẫy vàng cho nông dân diệt trừ các loại bọ phấn, bọ trĩ, ruồi đục lá…làm “trung gian” truyền nhiễm bệnh virus xoăn lá cây họ cà…

Giải pháp trọng tâm, trọng điểm để quản lý bệnh xoăn lá virus giống rau họ cà trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định trước hết phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chỉ mua hạt giống từ các đơn vị có kiểm tra virus trước khi gieo ươm. Bên cạnh đó, phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp triển khai các mô hình trình diễn giống cà chua có tính chống chịu bệnh xoăn lá virus, đạt năng suất, chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đó khuyến cáo nhân rộng sản xuất, khắc phục tình trạng độc canh 01 giống cà chua Rita hiện nay…/.
THANG 7/2017