VĂN VIỆT
Sau 4 năm triển khai Luật Hợp tác xã mới
trên địa bàn, Lâm Đồng triển khai kịp thời chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho
các đơn vị kinh tế hợp tác mở rộng liên kết chuỗi giá trị, từng bước nâng cao
đời sống thu nhập của hộ gia đình thành viên…
Luật mới, hỗ trợ mới
Báo cáo tại Hội nghị thi hành Luật HTX 2012 khu vực 13
tỉnh, thành Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm
Đồng Phạm S cho biết: Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có 194 HTX, so với trước ngày
01/7/2013 (trước ngày Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành) đã thành lập mới 71
HTX và giải thể 26 HTX. Lợi nhuận bình quân mỗi HTX đạt 108triệu đồng/năm, thu
hút việc làm thường xuyên khoảng 10.000 lao động. Riêng gần 190 THT đang hoạt
động theo Luật HTX mới với hơn 3.600 hội viên.
Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển HTX
theo Luật HTX mới, 4 năm qua, Lâm Đồng đã giải ngân hơn 440 triệu đồng hỗ trợ
44 HTX thành lập mới. Sau đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản
lý cho gần 2.000 cán bộ HTX, THT, tổng chi phí hơn 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra còn tổ
chức 4 lớp tập huấn (thu hút 500 học viên lãnh đạo HTX, THT) về bảo hộ sáng
chế, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Đặc biệt kể từ khi Luật HTX mới chính thức áp dụng đến
nay, Lâm Đồng có 15 HTX được tiếp cận gần 230 tỷ đồng nguồn vốn vay tín dụng ưu
đãi; 7 HTX vay 1,4 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm do Liên
minh HTX Việt Nam phân bổ; 30 HTX vay vốn xoay vòng gần 12 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ
phát triển HTX cấp tỉnh; hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ 83 HTX chuyển giao khoa học kỹ
thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiêp. Đáng kể
thêm, Lâm Đồng đã tổ chức gần 50 lượt HTX tham gia hội chợ trưng bày, giới
thiệu sản phẩm trong nước với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; cấp Giấy Chứng nhận
Quyền sử dụng gần 2ha đất cho 3 HTX, giao và cho thuê hơn 2ha đất cho 2 HTX…
Riêng cuối năm 2016, Lâm Đồng được Ngân hàng Thế giới
và Chính phủ Canada
hỗ trợ nguồn vốn phát triển 1 mô hình HTX chăn nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương và
1 mô hình HTX sản xuất, kinh doanh cà phê ở huyện Di Linh.
“Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác của
tỉnh Lâm Đồng được tăng cường. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối phối
hợp với sở, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho kinh tế
hợp tác phát triển; tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo
xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn…”,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh.
Và những chuỗi liên kết mới
Triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ đã tác
động tích cực đến việc hình thành, phát triển và nâng cao giá trị các chuỗi
liên kết ở Lâm Đồng. Tiêu biểu đó là mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Hoa Mặt
Trời với 5 THT sản xuất hoa lan hồ điệp và lan vũ nữ ở huyện Đức Trọng, hiện đã
và đang ổn định xuất khẩu sang các nước Nhật, Úc, Singapore, Nga...và cung cấp nhiều
thị trường đô thị trung tâm các vùng miền trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng,
TPHCM.
Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Huỳnh Tấn Sơn chia
sẻ: “Sau khi trồng thử nghiệm thành công, từ năm 2011 đến nay, công ty chúng
tôi liên kết với 5 THT gồm 52 hộ nông dân tại các khu vực nông nghiệp huyện Đức
Trọng đầu tư 254 tỷ đồng sản xuất 30ha lan vũ nữ và 2,5ha lan hồ điệp công nghệ
cao. Toàn bộ quy trình kỹ thuật từ sản xuất đến đóng gói bảo quản sau thu hoạch
đều được công ty mời các chuyên gia đến từ Bỉ, Nhật Bản, Đài Loan…trực tiếp
hướng dẫn và chuyển giao cho nông dân. Doanh thu sau khi trừ các khoản chi phí,
còn lại chia theo sản lượng của từng hộ nông dân THT. Và công ty cũng là một
thành viên của THT…. ”
Thêm một tham luận ở Lâm Đồng được đánh giá cao tại
Hội nghị thi hành Luật HTX 2012 khu vực 13 tỉnh, thành Tây Nguyên và Duyên hải
Nam Trung Bộ vừa qua, đó là mô hình liên kết sản xuất 270ha rau VietGAP giữa
HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Đà Lạt với 90 hộ nông dân liên kết,
đạt doanh thu trong năm vừa qua 210 tỷ đồng. Trong đó, 160 tỷ đồng (tương đương
33.600 tấn rau) tiêu thụ trong nước, còn lại 50 tỷ đồng (tương đương 8.400 tấn
rau) xuất khẩu sang Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…Giám đốc HTX Anh Đào Nguyễn
Công Thừa đúc kết kinh nghiệm: “ HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm của hộ nông dân
liên kết, mức giá có thể thỏa thuận khi ký hợp đồng hoặc cao hơn 10% so với giá
thị trường vào thời điểm thu hoạch sản phẩm…”
Trong thời gian tới, những mô hình liên kết, liên
doanh như Công ty Hoa Mặt Trời, HTX Anh Đào nêu trên cần tiếp tục được áp dụng
và nhân rộng trên địa bàn Lâm Đồng. Và Lâm Đồng xem đây là một trong những
nhiệm vụ và giải pháp tập trung chuyển đổi và phát triển kinh tế hợp tác theo
hướng đa ngành, đa lĩnh vực, liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ giữa
doanh nghiệp với HTX, THT…./.
THANG 7/2017