Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Trăm năm “hoàng hậu quả khô…”

Phóng sự VĂN VIỆT
Mấy tháng qua, chuyện về cây mắc ca ( mệnh danh là “hoàng hậu quả khô”) bỗng trở lại xôn xao trên nhiều vùng nông nghiệp Lâm Đồng. Rằng đây là loài cây 3 trong 1 ( công, nông, lâm) sống đến trăm năm tuổi, nhưng chỉ qua tuổi thứ tư đã bắt đầu “phát lộ” những “phép màu” đổi đời tỷ phú cho người trồng. Để được tận mắt trông xa, nhìn gần, tôi phải dành những ngày “du khảo” tìm đến hàng ngàn “hoàng hậu” đã và đang “an tọa” tại các địa hình sinh thái khác nhau của xứ Nam Tây Nguyên này.  

“HOÀNG HẬU” THU VỀ CẢ TỶ
Tôi bất ngờ xuất hiện trước cánh cổng sắt chốt then bên trong khu vườn mắc ca được xác định là mô hình mẫu trong tỉnh Lâm Đồng hiện thời, tọa lạc ở thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương. Trưa nắng gắt, chủ vườn, ông Nguyễn Đức Ba đang kéo một dây nước lớn nặng trình trịch tưới xuống một gốc cây mắc ca, thấy tôi từ xa vẫn ngờ ngợ có phải người quen hay không. Đoạn tôi nhắc lại gần 4 năm trước đã đến đây viết bài “Mắc ca sai quả đầu mùa” thì ông Ba mới “à, nhớ, nhớ” rồi gọi với : “Cứ tự nhiên mở cổng vô đi…” Vào trước sân, tôi phải bước qua một dãy hàng rào bằng sắt nữa mới tiếp xúc được từng cây mắc ca có chiều cao đến năm, sáu mét; tán rộng sum suê khoảng ba, bốn mét; treo đung đưa từng chùm quả còn xanh um. Ông Ba nói như giãi bày: “ 5 năm qua, khách tham quan tăng nhanh từng năm. Không chỉ có lãnh đạo các cấp, ngành từ trung ương, từ các tỉnh bạn, mà còn có nhiều chuyên gia nông nghiệp trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, rồi sinh viên các trường nông nghiệp phía Nam, rồi nông dân khắp nơi trong tỉnh Lâm Đồng đến trao đổi, phỏng vấn, nghiên cứu, gia đình tôi không thể đón tiếp hướng dẫn tất cả mọi người được, phải dựng lên hàng rào chia ra thành 2 khu vực vườn cây và khu vực đậu xe cho khách tự mình khám phá…”
Bây giờ vườn mắc ca 300 cây của ông Ba không còn xen canh với những hàng chuối La Ba như khi còn mùa thu quả bói. Trồng và nuôi dưỡng mắc ca thuần trên 0,7ha sau gần mười năm bén rễ xanh cây đã tích lũy từ trải nghiệm này đến trải nghiệm khác cho ông. Nhắc lại hồi cuối năm 2005, đầu năm 2006, một doanh nhân từ Sài Gòn khứ- hồi châu Úc, châu Mỹ kết nối giao thương, tiện thể mang về những gói hạt giống mắc ca đưa lên Đơn Dương, Lâm Đồng nhờ người quen là ông Nguyễn Đức Ba cuốc đất vườn chuối trồng xen thử nghiệm đầu tiên. Tự gieo nhiều loại hạt giống mắc ca khác nhau, sau đó tự chiết ghép ngọn cây này với gốc cây kia và chịu khó tự học hỏi, bổ sung kinh nghiệm của chính mình, dần dần ông Ba cũng đã gặt hái từ những thành công ít đến thành công nhiều. “Năm 2011 đến năm 2012, thu bói từ vài chục đến vài trăm ký. Năm 2013 tăng vượt lên hơn 2 tấn. 
Và năm 2014 nhân lên thành 4 tấn. Phần lớn thu hoạch hạt khô rụng xuống gốc cây… ”- ông Ba cho biết. Vậy mắc ca ở đất Đơn Dương canh tác dễ nhất và khó nhất ở thời điểm nào trong năm ? ông Ba nói không có câu trả lời cho câu hỏi này, chỉ chia sẻ rằng khi nào mình nhận biết cây đang đói nước, thiếu phân, cần thuốc…thì lúc đó mình đang “tiếp nhận” trở thành người bạn đồng hành thấu hiểu những tính tình của cây thích ứng trong mỗi giờ, mỗi ngày biến chuyển của khí hậu.
Vụ mùa thu rộ mắc ca trong tháng 11 và tháng 12 năm 2014 của ông Ba, khách hàng gần xa như “mai phục” sẵn bên vườn để tranh mua từng ký hạt khô khi mới vừa đưa vô nhà. Nhưng không vì lợi thế độc quyền mà ông Ba nâng giá bán thu lợi ngất ngưởng, ngược lại chỉ tính theo mức giá quân bình của thị trường cạnh tranh với 500.000 đồng/kg hạt giống tuyển chọn, 200- 250.000 đồng/kg hạt khô thực phẩm. “ Mắc ca năm qua, gia đình tôi đầu tư canh tác từ 50- 60 triệu đồng, thu về được cả tỷ đồng với 0,7 ha…”- ông Ba nói. Riêng về cây giống, ông Ba đã bố trí một khoảnh vườn ươm sản xuất 3 loại cây gồm cây thực sinh (ươm hạt), cây mắt ghép và cây chiết cành, bán ra từ 50- 60.000 đồng/cây.       
Được tiếp chuyện mỗi lúc mỗi cởi mở hơn, tôi “lấn tới”: “ ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và của huyện Đơn Dương đã hỗ trợ những gì cho vườn mẫu mắc ca của ông ? ” “ Chưa thấy đơn vị nào thông báo chính thức xuống trực tiếp giúp đỡ gia đình tôi. Từ kỹ thuật chăm sóc đến nguồn vốn đầu tư, bài toán lãi- lỗ và tìm kiếm khách hàng tiêu thụ mắc ca, gia đình tôi đều tự xoay xở hết. Mới đây, ở trung ương – tôi không nhớ chính xác Hội Nông dân hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- mời tôi ra Hà Nội báo cáo điển hình trồng cây mắc ca toàn quốc. Tôi từ chối ngay vì không biết mình phải trình bày đầu- đuôi, trước- sau ra sao mà đi…”- ông Ba trả lời thẳng. Rồi đưa tay lên cành cây mắc ca trước mặt, bẻ hái xuống một quả già, tách bỏ lớp vỏ màu xanh đậm, ông Ba đặt vào lòng bàn tay tôi: “Tôi đoán chắc quả mắc ca của vườn nhà tôi có hương vị khác biệt so với những nơi khác trồng…” Tôi thưởng thức từng mẩu hạt nhân và buông lời: “Nghe thoảng mùi hương của chất cơm quả dừa, nhưng béo ngậy và thơm đượm hơn… ” Ông Ba nhặt tiếp một hạt khô mắc ca dưới gốc cho tôi: “ Chưa kể có một lượng tinh dầu cô đặc đáng kể trong hạt nhân nữa đó …”
HÀNG CHỤC TỶ CHO “HOÀNG HẬU”
Cùng lúc cung cấp giống mắc ca cho ông Ba trồng thử nghiệm, người doanh nhân Sài Gòn ấy cũng đã thành lập Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt do mình làm giám đốc. Ngay sau đó, ông giám đốc “Mắt Đá” đã tiến hành trồng thuần mắc ca trên 3ha cách xa vườn ông Ba chỉ mấy khu vực trồng rau liền kề. Vài năm kế tiếp vì tính chất công việc thường xuyên bay ra nước ngoài, ông giám đốc đã chuyển giao 3ha mắc ca này cho Phó Giám đốc Trần Vinh, một người Đà Lạt để đầu tư chiều sâu trở thành khu vườn cây giống đầu dòng, cung cấp cho nhu cầu trồng xen canh trên nhiều vùng cà phê ở Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đà Lạt…Đến cuối tháng 3/2015, hơn 950 cây mắc ca vườn giống đã cho quả bói từ 5- 8kg/cây, ông Vinh bán không phân loại với giá 180.000 đồng/kg hạt khô.
“Từ vườn cây giống mắc ca đầu dòng làm điểm xuất phát, tôi quyết định bán nhiều diện tích đất ở và nhà ở giữa phố Đà Lạt hàng chục tỷ đồng để đầu tư mở rộng “lãnh thổ” cho “hoàng hậu quả khô”…”- ông Vinh bộc bạch. Tuy nhiên ở một “vùng lãnh thổ” tiếp cận “khởi đầu nan” thuộc xã Phi Tô, Lâm Hà, ông Vinh đã gặp sự cố hơn 50 ha mắc ca qua tuổi thứ 5 phải bỏ chết khô giữa trời vì liên tục xảy ra tranh chấp đất. Xem như gần 10 tỷ đồng đặt xuống nơi này chấp nhận bị mất trắng. Không thể cản bước hành trình với “hoàng hậu quả khô”, ông Vinh gồng mình dốc hết toàn bộ số vốn gia sản khoảng 30 tỷ còn lại để định canh 200ha nằm ở lưng chừng đường đèo Tà Nung, Đà Lạt, kết thúc “sứ mệnh” của Công ty NNHH Mắt Đá, Đà Lạt, thành lập mới Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa, Đà Lạt, giám đốc không ai khác chính là  ông Trần Vinh.
Lại thêm một ngày nắng lạnh, giám đốc Trần Vinh gọi tôi cùng vào khu đất rừng nghèo kiệt đang trồng mắc ca thuộc địa phận xã Tà Nung, Đà Lạt. Bước chân vào “bản doanh” Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa, Đà Lạt mới biết chỉ cách thác Cam Ly ước chưa đến 10 cây số, nhưng phải mất hơn một nửa chiều dài đường rừng chênh vênh đồi dốc, ô tô 2 cầu cài số mạnh mới ì ạch vượt qua được. Nhìn bao quát khu đồi mắc ca 200ha khá ngoạn mục với những cung đường nội bộ ngoằn ngoèo từ thung sâu lên đỉnh cao, đi qua nhiều ngã rẽ rồi chạy vòng quanh tiếp giáp với đường nhựa lớn theo Tỉnh lộ 725 nối thành phố Đà Lạt với Quốc lộ 27 đi qua huyện Lâm Hà. Cắt ngang, xẻ dọc trên mỗi quả đồi là những đường ống nhựa từ khe suối dẫn nước tự chảy về từng hồ chứa, sau đó bơm tưới cho cây mắc ca và các cây màu ngắn ngày. Lúc này đang vào mùa khô khát, giám đốc Vinh ưu tư: “Hiện mắc ca trổ hoa, đậu quả lác đác vài chục hecta, phải mất 3- 4 năm nữa mới phủ kín 200ha. Và đến giai đoạn kinh doanh, thu hoạch quả khô theo lý thuyết trên dưới 15kg/cây/năm cần kiên trì chờ thêm nhiều năm sau … ”
Một tháng nữa vừa vụt qua nhanh, giám đốc Trần Vinh chạy đôn chạy đáo vay mượn hàng trăm triệu đồng để trả lương cho gần đến trăm công nhân. “Đất Tà Nung, Đà Lạt khẳng định có thể trồng mắc ca sinh trưởng tốt. Công ty của tôi đang ngược xuôi gọi vốn hợp tác từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu trong năm nay mà cạn kiệt vốn huy động chăm sóc thì nguy cơ 200ha mắc ca khó tránh khỏi sẽ chìm dần trong rừng cỏ tranh ….”- ông Vinh trải lòng. 
“HOÀNG HẬU” CỦA TRĂM NĂM …
Đối ngược với nỗi niềm của giám đốc Trần Vinh ở Đà Lạt là tâm lý phấn chấn của hàng chục hộ nông dân ở xã Tân Hà, Lâm Hà khi chăm sóc và trồng mới mắc ca xen canh với cà phê. Cuối tháng 3/2015 đến đây mới hay không có chuyện chặt bỏ mắc ca dù chỉ một cây hoặc phá trắng cà phê để trồng thay thế mắc ca như nhiều lời đồn đoán rộ lên. Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Khuyên ở thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà sẵn lòng làm “hướng dẫn viên” cho tôi khám phá khu vườn mắc ca 300 cây vươn cành tỏa tán giữa 3ha cà phê kinh doanh của gia đình mình, trong đó có 200 cây từ 5- 6 tuổi, còn lại 100 cây mới trồng hơn nửa năm. Đứng bên hàng cây mắc ca đang treo từng dây quả trên cành to hơn ngón tay cái một chút, tôi thắc mắc sao kích thước quả này lại nhỏ hơn quả của ông Ba Đơn Dương, Khuyên giải thích: “Đây là giống mắc ca quả nhỏ thuộc nhiều dòng khác nhau được mua về từ Ba Vì, Hà Nội, tuy giá bán thấp hơn, nhưng bù lại năng suất đạt cao hơn. Với sản lượng hơn 1 tấn hạt khô thu hoạch trong năm qua bán được 120 triệu đồng. Mắc ca vườn nhà em ăn nước, phân chung với cà phê nên gần như không tốn tiền chăm sóc. Chỉ tốn công tỉa cành tạo tán mà thôi… ”   
Tôi dừng lại khá lâu bên một cây mắc ca ghép thử nghiệm 5 trong 1 ( 5 chồi ghép chung lên một gốc giống) đang nẩy lộc đâm chồi, Khuyên giới thiệu “trong đó có cả giống mắc ca quả to đấy. Mùa mưa năm 2015, nhà em lại trồng thêm 100 cây mắc ca xen cà phê…” Đứng bên tôi còn có Nguyễn Việt Trung, một nam khuyến nông viên trẻ của xã Tân Hà, Lâm Hà. Trung thống kê ở Tân Hà ước tính đến đầu tháng 4/2015 đã có 25 hộ trồng 13 giống mắc ca xen canh trên tổng diện tích 30 ha cà phê, trồng sau 3 – 4 năm đều đạt yêu cầu nở hoa đậu quả. Hiện có từ 7- 8 ha đang thu hoạch (1 ha trồng xen cà phê 200 cây, năng suất trung bình những năm đầu thu dao động từ 5 kg- 10kg hạt/cây). “Vườn nhà em cũng vừa trồng xong 100 cây mắc ca trên diện tích 0,7ha cà phê. Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn xã Tân Hà sẽ đưa thêm 15ha cà phê vào trồng mắc ca xen canh mới…” 

Trở ra từ những khu vườn mắc ca đa chủng loại, đa kỹ thuật và đa “sắc thái”, tôi cập nhật số liệu tổng diện tích mắc ca trong tỉnh Lâm Đồng đang phát triển gần 1.000 ha và định hướng quy hoạch sẽ tăng lên hơn 22.000 ha vào năm 2020. Những bức tranh giàu có từ cây mắc ca Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng đang được phác thảo: cầu đang vượt cung đến 4 lần; gói hỗ trợ tín dụng 10.000 tỷ đồng từ LienViet PostBank, khép kín quy trình sản xuất- chế biến - tiêu thụ…Điều này cũng đồng thời khuyến cáo người nông dân ngay lúc này hãy thận trọng chọn giống, chọn đất, chọn phương thức canh tác mắc ca- “hoàng hậu quả khô” thực sự phù hợp với quy mô, năng lực và định hướng thu nhập bền vững đến trăm năm sau./.

THÁNG 4/2015