VĂN VIỆT
Nhà
nông Phạm Thị Xuân Thủy ở huyện Đức Trọng đã tìm ra công thức hòa tan các
nguyên liệu “phân bón ngọt” để dẫn chuyền tưới nhỏ giọt xuống gốc cây cà chua
theo công nghệ của Israel. Ngay khi thu hoạch “trái bói” đưa ra thị trường, từng
sản phẩm cà chua nơi này đã nhanh chóng hút hàng bởi vị ngọt khác biệt, hiếm
thấy.
“Ngọt hóa” cà chua trên dây chuyền tự động
Thời điểm trung tuần tháng 02/2016, thị
trường cà chua thông thường trồng ngoài trời ở Lâm Đồng tăng lên gấp nhiều lần
so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cà chua các loại trồng nhà kính của nhà nông
Phạm Thị Xuân Thủy ở huyện Đức Trọng vẫn giữ giá ổn định theo thỏa thuận trước
với các đối tác tiêu thụ. Đến gần với từng luống cà chua nhà kính ở thôn Bắc
Hội, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, chủ vườn Phạm Thị Xuân Thủy cùng tôi hái xuống thưởng
thức tại chỗ những trái cà chua chín mọng, vàng ươm như mật. Đó là những trái
cà chua thuôn dài như hai ngón tay trỏ chụm lại hoặc tròn tròn như trái cau, vị
ngọt thơm, ruột mềm căng đầy nước. “Nhà kính bên này trồng cà chua cam, cà chua
vàng trái cây; nhà kính bên kia trồng cà chua candychip. Tất cả đều mua về bằng
hạt từ các công ty sản xuất ở châu Âu, châu Mỹ với những cam kết đảm bảo chất
lượng bằng văn bản. Năm thứ nhất trồng cà chua nhà kính ở xã Hiệp Thạnh, Đức
Trọng, hộ gia đình chúng tôi đã bổ sung các chất dinh dưỡng sữa, mật, trứng…để
tưới nhỏ giọt xuống từng gốc cây trên giá thể, nên độ ngọt của trái khác biệt
hơn, thu hái hàng ngày không đủ số lượng bán ra theo nhu cầu đặt hàng từ ngoài
tỉnh Lâm Đồng….”- chủ vườn Phạm Thị Xuân Thủy chia sẻ.
Theo đó, với 4.000m² nhà kính khung sắt không rỉ sét được xây dựng
hoàn thành từ giữa năm 2015 ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, tính trung bình trên
1.000m², hộ gia đình Phạm Thị Xuân Thủy
đã đầu tư tất cả nguồn vốn gần 350 triệu đồng gồm: 290 triệu đồng nhà kính lợp
ni lông, che lưới đen và 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. 3
giống cà chua ngoại xuống giống trồng trên giá thể phối trộn giữa chất vi sinh
với xơ dừa và than trấu hun đốt tại vườn, hàng ngày được cung cấp phân bón
“ngọt hóa” qua hệ thống dây chuyền tự động. Hôm tôi đến tham quan, các khu vực
nhà kính trồng cà chua cam, cà chua vàng trái cây và cà chua candychip của Thủy
đang vào thời kỳ thu hoạch, nên được cài đặt tưới tự động nhỏ giọt đến 10
lần/ngày, mỗi lần kéo dài trong 2 phút. Nguyên liệu “phân bón ngọt” qua kỹ
thuật pha chế của hộ gia đình Thủy đã hòa tan hỗn hợp các chất như sữa bò, sữa
đậu nành, trứng gà, mật mía…nuôi bộ rễ phát triển trong bịch giá thể, ngày đêm dẫn
lưu dinh dưỡng lên nuôi thân, cành, lá, tạo ra hương vị thơm ngon cho trái cà
chua các loại. Tiếp cận trực tiếp cho thấy, nguồn nước tưới bơm lên từ giếng
khoan, sau đó dẫn chuyền qua các bể phối trộn “phân bón ngọt” rồi lắng lọc trước
khi kết nối vào dây chuyền vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, khép kín trong mặt
bằng diện tích khoảng 50m² cách cửa ra vào của 3
nhà kính sản xuất từ 20- 30m.
10 năm chọn tạo 6 giống cà chua bón “phân ngọt”
“Từ các đối tác cung cấp giống cà chua,
hộ gia đình chúng tôi quen biết và được hướng dẫn công thức phối trộn “phân bón
ngọt” bởi một doanh gia sản xuất cà chua cao cấp từ nước Nhật. Qua nhiều lần
thử nghiệm, chúng tôi bổ sung dần dần cho phù hợp với điều kiện sinh trưởng của
từng loại cây cà chua trên vùng đất Hiệp Thạnh, Hiệp An, huyện Đức Trọng…”- nhà
nông Phạm Thị Xuân Thủy kể tiếp. Kết quả chăm sóc từ “phân bón ngọt”, cây cà
chua hấp thu một lượng dinh dưỡng cung cấp thân, cành, lá tươi tốt mỗi ngày, đề
kháng nhiều loại bệnh nguy hại như: héo xanh, phấn trắng, bã trầu…Tuy nhiên, vẫn
còn xảy ra một số cây bị nhiễm tuyến trùng gây chết bộ rễ, nhất là vào lúc thời
tiết giao mùa nắng sang mùa mưa hoặc ngược lại. Nhờ bám sát thăm vườn mỗi ngày,
nhà nông Phạm Thị Xuân Thủy thường phát hiện sớm những mầm bệnh mới xuất hiện
trên cây cà chua, nên đã kịp thời áp dụng các biện pháp thu gom toàn bộ bịch
giá thể với cây nhiễm bệnh đưa ra khu vực cách ly nhà kính để tiêu hủy, hạn chế
thấp nhất những thiệt hại về năng suất, chất lượng trái thương phẩm khi thu
hoạch.
Đến hết tháng 02/2016, khu nhà kính
4.000m² của nhà nông Phạm Thị Xuân Thủy
kết thúc vụ cà chua cam, cà chua candychip và cà chua vàng trái cây đầu tiên
với năng suất và chất lượng thu hoạch đạt được những yêu cầu đặt ra. Cụ thể với
mật độ trồng trung bình 2.500cây/1.000m², trong
thời gian 9 tháng chăm sóc kể từ khi xuống giống đến khi thu hoạch đạt tổng sản
lượng khoảng 12,5 tấn (mỗi cây thu 5kg trái). Nhân với giá bán ổn định tại vườn
50.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 625triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí đầu tư
giống, giá thể, “phân ngọt”, công lao động…,còn thực lãi trên 1.000m² khoảng hơn 300 triệu đồng.
Hiện tại ở 2 xã Hiệp An
và Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng, nhà
nông Phạm Thị Xuân Thủy đã xây dựng hơn 2.000m²
vườn ươm cây giống rau các loại mới lạ nhập hạt giống về từ châu Âu, châu Mỹ và
khoảng 4.500m² nhà kính sản xuất 6 giống
cà chua đặc biệt gồm: cà chua đen thảo dược, cà chua đỏ picota ngọt đậm, cà
chua bi đỏ Nhật ngọt dịu, cà chua candychip ngọt thanh, cà chua vàng trái cây
ngọt thơm và cà chua cam ngọt mềm.
Thủy nhìn lại: “Đến nay đã gần 10 năm, hộ
gia đình chúng tôi lập vườn ươm sản xuất thực nghiệm hàng chục loại rau, củ,
quả khác nhau. Dựa theo đặc điểm sinh thái của vùng đất Đức Trọng thích ứng với
từng loại cây trồng, chúng tôi đã chọn tạo 6 giống cà chua vừa kể trên để làm
cây trồng chủ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Và sắp tới,
chúng tôi thành lập hợp tác xã với mong muốn tiếp tục chuyển giao kỹ thuật,
nhân rộng diện tích sản xuất 6 loại giống cà chua giá trị cao này đến đông đảo
hộ gia đình nông dân quanh vùng… ”./.
THÁNG 02/2016