Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Phát triển cà phê bền vững - cần nhiều hình thức hợp tác

VĂN VIỆT
Tròn 2 năm thành lập, Hội Người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng đã góp phần kết nối giữa người nông dân với cơ quan nhà nước và nhiều tổ chức kinh tế để thực thi các chương trình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đề xuất các chính sách hỗ trợ…Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu, nên trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, Hội này rất cần sự hợp tác với nhiều hình thức, đặc biệt là hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê ổn định, lâu dài.

Tổ chức Hội đầu tiên của cả nước
Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn xây dựng mô hình  Hội Người sản xuất cà phê bền vững. Ngày 14/02/2014, Hội được chính thức được thành lập với 94 hội viên, mỗi hội viên đang sản xuất trung bình 3ha cà phê với năng suất đạt khoảng 3 tấn nhân/ha/năm. Đến nay, sau 2 năm hoạt động, Hội đã kết nạp mới gần 40 hội viên. Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng nói: “Hội Người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chịu sự quản lý nhà nước của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hội hoạt động nhằm tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vận động kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn…” Theo chức năng đó, Hội đã thành lập 2 chi hội tại huyện Di Linh và Lâm Hà. Đồng thời bước đầu phối hợp với Hội Nông dân và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cử 4 hội viên tiêu biểu tham gia khóa đào tạo TOT ở Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, tổ chức 4 lớp đào tạo kỹ thuật khác cho hội viên.
     Về sự cần thiết để ra đời tổ chức Hội Người sản xuất cà phê bền vững đầu tiên của cả nước tại Lâm Đồng, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhấn mạnh:
“ Mục tiêu thành lập và đi vào hoạt động của Hội là nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị cà phê của Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung. Hội sẽ thực hiện vai trò đối thoại thường xuyên với các ban, ngành chức năng và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng để tìm kiếm các giải pháp liên kết ổn định đầu vào, đầu ra cho sản xuất, kinh doanh cà phê bền vững… ”
Cần sự hợp tác từ nhiều phía
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, phân tích thêm: Lâm Đồng có diện tích cà phê (hơn 150.000ha) và sản lượng ( 400.000 tấn nhân/năm) đứng thứ 2 trong cả nước ( sau tỉnh ĐắkLắk). Những năm gần đây, diện tích cà phê Lâm Đồng sản xuất theo hướng bền vững ngày càng tăng. Nhiều mô hình liên kết thành từng tổ, nhóm, hợp tác xã đang từng bước phát huy hiệu quả. Tuy nhiên phần lớn diện tích cà phê vẫn sản xuất ở quy mô nhỏ, manh mún, nhưng lại dễ bị tổn thương trước biến động của thời tiết, thị trường. Người nông dân chưa có tiếng nói đủ mạnh trong các quan hệ cung- cầu, còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp, đại lý cung ứng vật tư sản xuất và thu mua sản phẩm. Trong khi đó, các chính sách tín dụng, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng …chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Hội Người sản xuất cà phê bền vững Lâm Đồng vừa thông qua 4 phương án trọng tâm là: Thảo luận với các doanh nghiệp, đại lý cung ứng phân bón có uy tín, chất lượng để mở rộng hợp tác mua phân bón trả chậm với lãi suất thấp hoặc lãi suất bằng không. Trước mắt trong năm 2016, Hội sẽ liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cho hội viên sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chứng nhận của quốc tế như: 4C, UTZ, Rain Forest, Fair Trade…nhằm nâng cao hơn nữa giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất sản xuất. Những năm tiếp theo, Hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt xây dựng các mô hình hợp tác mới, gắn sản xuất cà phê bền vững với tiêu thụ và chế biến xuất khẩu; tiếp cận các nguồn vốn lồng ghép, ưu đãi từ các chương trình, dự án của trung ương, tỉnh, của các tổ chức phi chính phủ, cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp hội viên thâm canh hiệu quả trên từng diện tích đất cà phê bền vững của mình./.        

*THÁNG 02/2016