Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Hợp tác trồng rau VietGAP

VĂN VIỆT
Nhiều nhà nông canh tác rau theo hướng VietGAP ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt đã và đang cùng với các nông hộ sản xuất liền kề tham gia thành lập Tổ Hợp tác để nâng cao kiến thức và thực hành sản xuất an toàn, từng bước gắn với thị trường tiêu thụ.

Đón thị trường bằng GAP
Đến nay, sau 6 năm hình thành và phát triển, vườn dâu tây nhà kính sản xuất theo quy trình VietGAP của anh Nguyễn Hữu Minh ở thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ (Đà Lạt) đã tăng diện tích từ 1.000m² lên 4.000m². Tọa lạc trên địa hình tương đối cao so với những thửa vườn xung quanh, vườn dâu anh Minh đã tự động hóa nhiều công đoạn bón phân hữu cơ, bơm thuốc sinh học, tưới nước sạch nhỏ giọt dưới đất và tưới phun mưa trên giàn, nên luôn giữ không khí trong nhà kính khá trong lành. Dẫn tôi tham quan giữa những luống dâu ngay hàng thẳng lối với nhiều lứa cây xuống giống vào các thời điểm khác nhau, anh Minh kể: “ Do nguồn vốn tự có hạn hẹp, năm đầu tiên thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), gia đình chúng tôi mới đủ khả năng chuyển đổi 1.000m² diện tích trồng nhiều loại giống rau ngoài trời đã thoái hóa sang trồng dâu tây nhà kính giống mới nhập khẩu. Nhờ những cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh, thành phố và các hộ gia đình có kinh nghiệm sản xuất VietGAP hướng dẫn, tư vấn, hộ gia đình chúng tôi mới tường bước thiết kế lắp đặt các trụ sắt, vách, mái lợp ni lông nhà kính đến bố trí đường ống dẫn nước tưới; rồi lên luống đất, phủ màng ni lông, xuống giống trồng, chăm sóc từ 4- 5 tháng sau mới vào vụ thu hái…”
Và anh Minh kể thêm rằng, lúc thu hoạch dâu tây “đầu tay”, chưa có một thương lái nào đến hỏi mua, anh Minh phải chia ra từng ký đem lên chợ lớn Đà Lạt gửi từng quày hàng trái cây nhờ bán hết hàng mới lấy tiền. Dù chỉ thu lãi ở mức trung bình trong năm thứ nhất sản xuất dâu tây, nhưng bước qua năm thứ hai, thông qua các quày hàng bán trái cây nhỏ lẻ ở đây, một công ty thu mua rau GAP ở Đà Lạt đã tìm đến vườn nhà anh Minh và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Triển khai cơ hội hợp tác mới, anh Minh được đối tác chuyển giao thêm nhiều kỹ thuật canh tác dâu tây đạt tiêu chuẩn VietGAP với năng suất cao hơn, giá thu mua cũng được ấn định trước khi gieo trồng với tỷ lệ lợi nhuận tương đối khá. Yên tâm ở khâu đầu ra, anh Minh tích lũy nguồn vốn hàng năm để xây mới lần lượt phủ kín diện tích nhà kính 4.000m² đến ngày nay, mỗi ngày thu hoạch bán cho đối tác từ 15-20kg dâu tây VietGAP. “ Nếu tính theo giá thu mua dâu tây thời điểm hiện tại với 170-180.000 đồng/kg thì vốn đầu tư nhà kính sản xuất sau 1 năm sẽ thu hồi đủ. Doanh thu năm thứ 2 trở đi thì trừ công lao động, tiền điện, tiền nước, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học…chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại chiếm phần lớn là khoản lợi nhuận….”- anh Minh hạch toán.
Vài năm gần đây, nhà nông Nguyễn Hữu Minh tự nghiên cứu, trồng thử nghiệm đạt hiệu quả nhiều loại rau sú lơ, cải bắp cùng nhiều loại hoa cát tường, cẩm chướng…xen canh và luân canh với cây dâu tây trong nhà kính. Cụ thể, cứ trồng, thu hoạch cây dâu tây sau 3 năm rồi đến trồng hoa, cát tường, cẩm chướng luân canh từ 1,5- 2 năm tiếp theo mới trở lại xuống giống cây con dâu tây; riêng rau cải bắp, sú lơ được trồng xen canh bên dưới giàn giá thể trồng cây dâu tây. Những luống cây xen canh và luân canh đều chăm sóc chung với cây dâu tây qua chế độ dinh dưỡng, phòng trừ bệnh hại bằng các chất sinh học, đạt chất lượng an toàn VietGAP, nên hầu hết sản phẩm đều được đối tác thu mua, đưa về hệ thống siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh phân phối cho người tiêu dùng.
Sản xuất riêng, kỹ thuật chung
Chưa dừng lại ở VietGAP nhà kính, nhà nông Nguyễn Hữu Minh còn thực hành hiệu quả 1ha rau VietGAP ngoài trời. Tính trong tháng 10/2015, anh Minh cung ứng “rau GAP” ngoài trời đến siêu thị và các chợ rau đầu mối ở Sài Gòn gồm: 40- 50kg đọt rau su su/ngày; 300- 400kg lơ xanh hoặc bắp cải/3 ngày. Từ các quy trình kỹ thuật VietGAP đạt giá trị cao vừa nêu, trong năm 2014, anh Minh đã chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp cho 12 hộ nông dân ở cùng thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ ( Đà Lạt), sau đó cùng đồng thuận thành lập Tổ Hợp tác với 8ha sản xuất rau VietGAP và được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Từ đó đến giờ, Tổ trưởng Minh không chỉ thường xuyên tiếp cận kỹ thuật mới, phổ biến cho từng hộ thành viên chủ động lên lịch thời vụ sản xuất trên diện tích đất riêng của mình, mà còn tích cực làm chiếc cầu nối để tiêu thụ sản phẩm chung cho cả Tổ Hợp tác.
“Tổ Hợp tác Nguyễn Hữu Minh là 1 trong 22 Tổ Hợp tác thành lập từ năm 2010 đến nay ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Trung bình mỗi Tổ Hợp tác tập hợp 10 thành viên, mỗi thành sản xuất trên đất chủ quyền riêng khoảng 1ha theo quy trình VietGAP chung. Ở giai đoạn 5 năm đầu tiên vừa qua, mô hình Tổ Hợp tác đã tạo môi trường nâng cao trình độ canh tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc chọn lọc giống mới để sản xuất, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau các loại chất lượng cao, năm đạt lãi ít nhất là 300 triệu đồng/ha, năm đạt lãi cao nhất là 500 triệu đồng/ha. Giai đoạn 5 năm tới, từng Tổ Hợp tác với mục tiêu cố gắng tiêu thụ phần lớn sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết ổn định với nhiều đối tác khác nhau…”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt, anh Nguyễn Đức Bình đánh giá./. THÁNG 10/2015