Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Bội thu từ những mầm chồi

Phóng sự VĂN VIỆT
Tôi phát hiện trong bản thành tích những điển hình tiên tiến ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong 5 năm qua, có vườn ươm giống cà phê Huỳnh Điểu (tọa lạc trong thôn 14, xã Hòa Ninh, Di Linh) được công nhận đạt chất lượng bội thu toàn quốc. Vườn ươm Huỳnh Điểu cách Đà Lạt gần cả trăm cây số, nên tôi giành riêng một khoảng thời gian đáng kể để hòa mình giữa muôn ngàn chồi non, lộc biếc đã và đang sinh sôi, nảy nở từ bao khó khăn, thiếu thốn trăm bề…

Mắt ghép xa, gốc mẹ gần
Cách đây chưa lâu, vào vùng nông thôn mới xã Gung Ré, Di Linh tình cờ gặp một cô gái trẻ bán giống cây cà phê thực sinh ( ươm hạt) và cà phê ghép cao sản mang thương hiệu Huỳnh Điểu, đã níu giữ tôi dừng chân để ghi ảnh tư liệu. Đó là những tấm ảnh không chỉ lưu lại nhiều góc độ, bố cục những hàng cây giống cà phê non tơ đang chuẩn bị xuất vườn cung cấp theo đặt hàng, mà còn phản ánh toàn cảnh với một khu đồi cà phê đang thời kỳ kinh doanh, trái đeo dày kín trên cành tán phủ rộng, trải dài một không gian xanh trước nhà cô gái. “ Nông dân quanh đây mua cà phê giống Huỳnh Điểu phần nhiều sử dụng cho việc tái canh trồng mới; phần ít hơn thì mua mầm chồi đầu dòng về ghép cải tạo với gốc cây cà phê mẹ sinh trưởng từ 15- 20 năm. Vì vườn ươm chính cách đây hơn 20 cây số, nếu mua mắt ghép phải đặt trước một ngày để tuyển lựa các loại tươi tốt nhất, thu cắt vào buổi sáng sớm mới kịp chuyển đến khu vực này…”- cô gái vui vẻ tiếp chuyện. Rồi chưa muốn “cám ơn, tạm biệt”, cô gái dẫn tôi qua bên kia đường nhựa đối diện, bước thoăn thoắt lên đoạn dốc trơn ướt mưa phùn rồi nói như đoán trước những câu hỏi mà tôi sắp đưa ra: “ Đây là diện tích vườn cà phê cải tạo hơn cả hecta từ giống cà phê ghép mầm chồi Huỳnh Điểu, năng suất thu hoạch năm sau tăng hơn năm trước nhiều lắm, nên đại lý phân phối tại chỗ đã cạnh tranh và phát triển đi lên cùng với không ít cơ sở ươm, ghép giống cà phê ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng…”
Tôi ghi nhớ “sơ đồ” hướng dẫn của cô gái rồi xuôi theo hướng Nam tìm đến thôn 14, xã Hòa Ninh, Di Linh để bước vào vườn ươm Huỳnh Điểu. Con đường nhựa thênh thang từ trung tâm xã Hòa Ninh uốn lượn vòng quanh triền đồi cà phê ngút ngàn khiến cho cái nắng trưa như dịu lại. Chủ vườn ươm Huỳnh Điểu ( nói theo tên giao dịch thương mại là Chủ Doanh nghiệp Huỳnh Điểu), anh Đoàn Văn Điểu, người đàn ông “7X” với phong thái nhiệt thành từ cái bắt tay xã giao đến việc mở cửa vườn ươm mời tôi vào trong tham quan. 
Đang ở thời điểm cuối tháng 10 chạm cửa mùa khô, 3.000m² vườn ươm Huỳnh Điểu đang chăm sóc không chỉ có hàng vạn cây giống cà phê thực sinh và cà phê giống ghép cao sản, mà còn có chục ngàn cây giống bơ ghép để cung cấp cho nông dân trồng thuần và trồng xen vào mùa mưa năm tới. Cầm nhắc lên hai cây cà phê thực sinh “chọn lựa ngẫu nhiên” trong vườn, Điểu chia sẻ: “ Nếu cứ đặt từng hạt cà phê xuống dưới lớp đất mặt để nảy mầm chồi thành cây con thì bất cứ ai cũng làm được. Vấn đề khác biệt là tác động kỹ thuật ươm tạo ra cây giống cà phê có bộ rễ cọc thẳng dài, hút nhiều chất hữu cơ trong đất lưu chuyển lên nuôi thân, cành và các cặp lá đủ khả năng quang hợp, thu nhận năng lượng ánh sáng mặt trời vừa tăng sức đề kháng trước các loài bệnh hại, vừa thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau trong năm; quá trình xuống cây giống canh tác đến khi thu hoạch chính vụ phải rút ngắn thời gian so với biện pháp sản xuất theo kinh nghiệm cũ, đạt năng suất vượt trội và sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao…” Theo đó, trong vườn cà phê đầu dòng của mình, vào tháng 11 và tháng chạp âm lịch là mùa vụ thu rộ hàng năm, Điểu “bình tuyển” hái xuống từng hạt cà phê chín mọng, chuyển sang màu đỏ tím, đưa vào ngâm độ một tuần lễ với nước hòa tan chế phẩm sinh học. Kế tiếp dùng tay bóc tách hết vỏ lụa bỏ ra ngoài, đem hạt nhân phơi vài ba nắng để sàng lọc thêm lần nữa những hạt nhân cứng cáp nhất đem vùi ươm dưới lớp đất cát sâu chừng vài phân. Cuối cùng chờ hạt nhân nẩy mầm thành một cặp lá nhô lên khỏi mặt cát, thân cây vươn lên thẳng bằng chiếc que diêm thì dùng 2 ngón tay nhổ lên nhè nhẹ từng cây sao cho vẫn còn giữ nguyên vẹn bộ rễ cọc, sau đó lấp đất trồng trong bọc ni lông đã xử lý sạch mầm bệnh, phối trộn cân đối với phân hữu cơ.           
Giữa vườn cây giống cà phê thực sinh phủ dày một màu xanh thẫm dưới mái nhà lưới đen che nắng, ngăn mưa, chiều cao trung bình mỗi cây hơn 3 gang tay- tính mặt đất trong bầu, Điểu nói phải chăm sóc với chế độ riêng biệt nhằm giữ cây không tăng thêm chiều cao, ngược lại phải tăng chiều ngang cho các bộ phận gốc, thân, cành được chắc khỏe hơn, đảm bảo đến tháng 4, tháng 5 bắt đầu mùa mưa tới, nông dân tiếp nhận cây giống trồng mới tái canh sẽ sinh trưởng nhanh hơn, đạt kế hoạch một năm sau thu lứa trái bói. Tương tự, với cây cà phê ghép cao sản, Điểu đang “khoanh nuôi” hàng vạn sản phẩm đạt các yêu cầu chất lượng để xuất bán cho nông dân Lâm Đồng trồng mới. Về kỹ thuật ghép cây cà phê giống cao sản, Điểu vẫn tuân thủ theo quy trình thông thường mà phần lớn người sản xuất cà phê Lâm Đồng đều thực hiện được, đó là: chọn hạt giống cây đầu dòng mang “hệ gene” rễ nhiều, gốc khỏe để gieo ươm dưới lớp cát, sau đó chăm trồng trong bịch ni lông ( loại lớn) từ 8- 9 tháng tuổi mới tiến hành cắt ngang thân cây, ghép với mầm chồi giống cà phê cao sản đầu dòng, được cắt xuống từ vườn nhà cách xa vườn ươm vài trăm mét; nuôi dưỡng từ 2,5- 3 tháng đến khi “lành vết thương” ghép và sinh trưởng khỏe mạnh các cặp lá, cặp cành mới đưa ra ngoài đồng đặt sâu dưới hố trồng tái canh…   
Hai thập niên, một vòng lộc biếc
Nhưng để đạt tỷ lệ cây cà phê ghép giá trị thương phẩm cao trên thị trường, Điểu phải trải qua một khoảng thời gian dài nâng cao kiến thức, tay nghề từ mọi nguồn tài liệu khác nhau và từ những kinh nghiệm thất bại này đến thất bại khác. Như những ngày tháng cách đây hơn 10 năm, Điểu thực hành ghép 100 cây giống gốc mẹ cà phê mít với mắt ghép cà phê giống cao sản mua về từ tỉnh ĐắkLắk, sau 3 tháng chăm sóc chỉ còn…sống yếu ớt 30 cây. “ Mãi sau này mới nhận ra những lỗi kỹ thuật cắt, ghép cà phê không thành công gồm: mặt cắt của mầm chồi không thẳng đều, đường chẻ dọc phần nhánh của gốc cây lúc thì quá ngắn, lúc thì quá dài; khi quấn cột dây quanh chỗ ghép còn lỏng lẻo…” Điểu kể lại và cho biết thêm cách ghép hiện tại đang áp dụng hiệu quả cao trong vườn ươm của mình: “Nên chọn vị trí ghép chồi ở những phần thân cách gốc cây từ 20- 30cm, chừa lại 2 nách chồi lá trở lên; mặt cưa thân cây ghép phải theo chiều nghiêng hướng về phía mặt trời mọc và quay lưng về phía mặt trời lặn để hạn chế tình trạng nứt thân; tuyệt đối không nên cưa bằng phẳng hay lõm xuống mặt thân cây trước khi ghép chồi…”
Kiểm chứng hiệu quả cây giống cà phê ghép với thực tế sản xuất trên đồng qua mắt thường, tôi lội bộ non nửa cây số thì đặt chân vào không gian 0,5ha vườn cà phê tái canh trồng mới của Điểu xuống giống hơn một năm, đang đậu trái bói to bằng đầu đũa trên cành. Trước khi trồng mới với mật độ 1.100 cây/ha, Điểu nói rằng phải huy động một giàn cơ giới gồm máy đào múc, máy cưa, máy cày…vận hành suốt 2 ngày mới đốn hạ, đào hết gốc rễ, thu gom, đốt dọn sạch sẽ hơn 500 cây cà phê đã qua 20 năm tuổi với tổng thu hoa lợi sản phẩm chưa năm nào vượt quá 1.000kg hạt nhân. Phần diện tích cà phê liên canh 2,5ha còn lại, Điểu bắt đầu ghép thực nghiệm mầm chồi cao sản thành công từ hơn 8 năm trước, sau đó lần lượt nhân rộng đến luống cây cuối cùng. Tính riêng mấy năm gần đây, năng suất đều đặn thu về trên dưới 7 tấn nhân/ha, cao hơn gấp 3,5 lần so với thời điểm cây cà phê trước khi ghép. Cùng tôi đứng bên cây cà phê chen chúc trái tròn căng trên khắp thân cành, Điểu dự đoán: “Vụ mùa cà phê năm nay gặp vài ngày thời tiết bất lợi, nhất là sương muối, nhưng nhờ những hàng cây ăn trái xen canh che bóng, nên gần như không xảy ra thiệt hại, năng suất cà phê nắm chắc tương đương so với năm ngoái…”
Thì ra, mấy năm nay, Điểu mở rộng quy mô sản xuất các loại giống cây ăn trái ghép thu hoạch cả chính vụ và nghịch vụ như bơ, sầu riêng, thanh long…Bơ thì đã sang năm tuổi thứ 4, thứ 5, cây cho trái cao nhất ước khoảng 2 tạ mỗi năm; sầu riêng bước qua hơn 10 năm tuổi, thu trung bình 5 tấn trái/25 cây/năm; còn thanh long đang bò leo những chồi non, lộc biếc trên lưới hàng rào B40 dài hơn một cây số bao quanh một vòng khuôn viên 3 ha cà phê ghép thương hiệu Huỳnh Điểu. Nếu chưa cộng khoản doanh thu không nhỏ từ sầu riêng và bơ ghép, thì doanh nghiệp Hùynh Điểu đã hội đủ các tiêu chí về chất lượng, lợi nhuận sản xuất cây giống cà phê ghép được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam trao tặng danh hiệu “Sản phẩm chất lượng cho mùa bội thu” trong năm 2013.
 Sau một vòng đưa tôi tiếp xúc vườn ươm và vườn sản xuất, chủ nhân Đoàn Văn Điểu trở lại căn phòng làm việc mở máy vi tính in ra bản báo cáo thành tích sản xuất mầm chồi và giống cây cà phê ghép trong giai đoạn năm 2010- 2015: “ Doanh nghiệp chúng tôi vừa gửi báo cáo thành tích lên văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định hình thức khen thưởng trong năm 2015 này…” Tôi rút ra “phần lõi” của báo cáo ghi vào sổ tay của mình với những con số khá sinh động: Hàng năm sản xuất cây giống cà phê thực sinh và cà phê ghép trung bình 500.000 – 600.000 cây, lợi nhuận 400 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương tăng từ 10- 20%...
Trước khi chia tay, tôi nhắc lại chuyện cô gái bán giống cây cà phê Huỳnh Điểu ở xã Gung Ré như đã kể ở trên, chủ doanh nghiệp Đoàn Văn Điểu “xác nhận” đó là 1 trong 14 đại lý vườn ươm của mình phân bổ trên 3 huyện của tỉnh Lâm Đồng là Di Linh, Đức Trọng và Lâm Hà. “Định cư trên đất Hòa Ninh, Di Linh đã hơn 2 thập niên, khởi nghiệp nhờ những chồi cây cà phê ghép tự học, tự thực hành, rồi may mắn gặp nhiều cơ hội thuận lợi trên thị trường cạnh tranh khi khách hàng nông dân tin dùng ngày càng nhiều, đã giúp hộ gia đình chúng tôi từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh theo quy mô doanh nghiệp đến bây giờ…”- Điểu tâm sự chân tình với tôi thay lời chào và hẹn gặp lại./.     
THÁNG 10/2015