VĂN VIỆT
Thông qua các hình thức hỗ trợ của nhà
nước về vốn, giống, kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng chục hecta đất
bậc thang ở vùng Lộc Quý, Xuân Thọ ( Đà Lạt) đã được nông dân tích cực cải tạo,
chuyển đổi từ canh tác ngoài trời sang canh tác trong nhà kính công nghệ cao, tạo
bước tăng trưởng nhanh cho thu nhập kinh tế hộ gia đình.
Tích lũy đến đâu, chuyển đổi đến đó
Đầu tháng 10/2015, đến cánh đồng rau, hoa bậc thang
thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ ( Đà Lạt) dễ thấy nhiều hộ gia đình đang cải tạo đất,
chuyển đổi nhiều giống mới trồng trong nhà kính. Gặp nhà nông Đặng Cư (55 tuổi)
đang bón lót phân chuồng trên một băng đất rộng lớn bên đỉnh đồi Lộc Quý, mới
hay đây là một trong khá nhiều lần chuyển đổi xây mới nhà kính kể từ 8 năm qua
của hộ gia đình ông. Đưa tay bao quát 4 góc khuôn viên của thửa đất còn tươi
màu nâu đỏ, ông Cư cho biết: “ Diện tích đất này khoảng 2.000m² đã lắp đặt nhà kính trồng các loại hoa cúc,
ngàn sao, cẩm chướng…khoảng 8 năm qua. Nhưng so với các khu nhà kính xung quanh
thì khu nhà kính của gia đình tôi đạt năng suất và chất lượng hoa thấp hơn vì
nằm trên địa hình đình đồi cao trống trải, thường xuyên ảnh hưởng thời tiết
ngoài trời, nên cần phải thay thế để chủ động hơn với các quy trình canh tác…” Theo
đó, sau vài vụ thu hoạch rau, hoa từ những luống đất ở cạnh bên đủ tích lũy một
khoản tiền dự toán, ông Cư quyết định tháo dỡ toàn bộ căn nhà kính cũ, tận dụng
lại vật liệu khung sắt để xây dựng thành một nhà kính mới. Phần nền cũ, ông Cư
thuê cơ giới vào đào múc lấy đất “hạ thấp” xuống 3m rồi vận chuyển đổ đắp lên
những luống rau, hoa bậc thang ở dưới thung lũng sâu. Dự kiến đến đầu tháng
11/2015, ông Cư hoàn thành các hạng mục kiến thiết cơ bản nhà kính khoảng hơn
200triệu đồng, sau đó xuống giống trồng hoa cúc và hoa cẩm chướng cung cấp cho
thị trường năm mới 2016.
Cộng chung với 2.000m²
nhà kính đang nâng cấp nêu trên, hộ gia đình ông Cư hiện đã nâng diện tích thâm
canh trong nhà kính lên tổng số 6.000m². Trong
đó, phân bổ từng luống đất trồng từng loại cây, hoa thích hợp theo thời điểm,
đảm bảo hàng tuần đều có sản phẩm thu hoạch bán ra. Hôm tôi bước vào trong nhà
kính rộng 800m², gia đình ông Cư đang thu hoạch trên 400m² hoa cẩm chướng, đồng
thời chăm sóc trên 400m² hoa cúc chùm để tiếp tục cắt cành trong vòng 10- 15
ngày tới. Những diện tích nhà kính còn lại, gia đình ông Cư đang sản xuất liên
canh giữa rau bắp cải, súp lơ xanh, ớt ngọt với hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa ngàn
sao...Trên từng luống rau, hoa bậc thang, qua mỗi lứa “gặt hái” xong, ông Cư đưa
máy cày đất tơi xốp lần đầu rồi bón lót một lớp phân chuồng, vôi.
Tiếp theo là
giành khoảng thời gian hơn 1 tháng cho đất “nghỉ ngơi” mới cày đảo trộn lớp đất
bề mặt thêm lần nữa trước khi xuống giống trồng vụ mới. Với các biện pháp sinh học
như vậy, ông Cư đã góp phần phòng trừ nhiều loại mầm bệnh phát sinh trong đất. Hiệu
quả sản xuất chuyển đổi trong nhà kính công nghệ cao trong vài năm trở lại đây,
ông Cư đạt lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng/ 1.000m²/năm.
Hướng tiêu thụ theo hợp đồng
Có được nghề sản xuất rau, hoa nhà kính giá trị cao
như bây giờ, hộ gia đình ông Cư thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật
của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt tổ chức. Đồng thời trên
đồng rau, hoa bậc thang sản xuất chuyển đổi theo hướng nông nghiệp công nghệ
cao ở vùng nông nghiệp Lộc Quý, từng hộ nông dân chia sẻ, bổ sung, cập nhật với
nhau những biện pháp canh tác mới nhất hàng ngày. Thống kê được biết, Chi hội
Nông dân thôn Lộc Quý với 140 hội viên đang gần 80ha đồng đất bậc thang thì có
35ha chuyển đổi sản xuất nhà kính trong vòng 4 năm qua. Nếu tính đến đầu tháng
10/2015, so với cùng kỳ năm ngoái, diện tích rau, hoa nhà kính Lộc Quý tăng
thêm 8ha. Việc chuyển đổi bắt đầu từ những mô hình như hộ gia đình ông Đặng Cư,
từ đó đúc kết nhân rộng trên những luống đất bậc thang trong vùng. Bên cạnh
việc hỗ trợ kỹ thuật bằng cách trực tiếp hướng dẫn hoặc thông qua các lớp tập
huấn, hội thảo, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai nhiều nguồn vốn hỗ trợ
bằng việc mua cây giống chất lượng cao, vật liệu nhà kính, hệ thống tưới nước,
bón phân tự động, xây dựng các kho lạnh bảo quản rau, hoa sau thu hoạch…với các
tỷ lệ 30% đến 40% và 60%, còn lại nông dân đối ứng kinh phí đầu tư tỷ lệ từ 40%
đến 60% và 70%.
Mới đây, thông qua Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, nhiều
hộ nông dân Lộc Quý, Xuân Thọ đã thỏa thuận liên kết với một đơn vị kinh tế hợp
tác trong thành phố, sản xuất các loại rau xà lách và ớt ngọt theo hướng
VietGAP để tiêu thụ về các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo giá thu mua
được ấn định trước, nông dân sẽ đạt lãi từ 50- 60 triệu đồng/1.000m²/năm. Hy vọng liên kết mới sớm thành công như
mục tiêu đặt ra, mở ra triển vọng đột phá chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công
nghệ cao trên vùng địa hình bậc thang nơi này./.
THÁNG 10/2015