Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Hiện thực hóa Nghị quyết 05 trên cây rau và hoa

VĂN VIỆT
Gần 5 năm hiện thực hóa Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều cánh đồng rau và hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận đã “thay da đổi thịt” nhờ chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang phương thức canh tác hiện đại, đạt giá trị sản xuất tăng gấp nhiều lần trên từng đơn vị diện tích.

Giàu có từ vùng gần đến vùng xa
Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành với 4 nhiệm vụ chính để phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2011- 2015 gồm: tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng các quy trình canh tác đạt quy chuẩn công nghệ cao; chọn, tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao; xây dựng mô hình điểm về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện thực hóa theo 4 nhiệm vụ này, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã phối hợp với các cấp ngành liên quan và đoàn thể chính trị trong tỉnh để triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện từng vùng sản xuất theo hướng công nghệ cao, vì vậy luôn nhận được sự đồng thuận tham gia của người dân qua gần 5 năm thực hiện. Đáng kể trong đó với những chính sách ưu đãi hợp tác đầu tư, hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật và xúc tiến mở rộng thị trường đầu ra, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng thành công ngày càng nhiều mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao, mang lại thu nhập vượt trội để làm “điểm hẹn” hội thảo, tập huấn, chuyển giao từ hộ nông dân này đến hộ nông dân khác.     
Đến các vùng rau, hoa Đà Lạt cùng các huyện phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, không còn hiếm thấy những điển hình nhà nông từ khó khăn, vất vả đã vươn lên giàu có từ thu nhập trồng rau, hoa công nghệ cao. Như ở khu vực Lộc Quý thuộc xã Xuân Thọ, Đà Lạt với 140 hộ dân, trong thời gian chưa tới 5 năm qua, diện tích trồng rau, hoa nhà kính đã phát triển lên 35 ha/77ha. Xuất phát điểm ở đây chỉ những luống rau bậc thang ngoài trời hiệu quả thấp, thông qua các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến nay đã làm thay đổi lớn diện mạo và thu nhập của người nông dân. Đó là các dự án nhà nước hỗ trợ đầu tư, nông dân đối ứng nguồn vốn xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, mua cây giống chất lượng cao và các vật tư nông nghiệp khác, tiếp cận và thực hành kỹ thuật canh tác công nghệ cao dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. 
Một trong những kết quả dễ thấy nhất là tính đến cuối tháng 9/2015, tiếp cận với nông dân Lộc Quý, Xuân Thọ được biết lợi nhuận từ sản xuất mỗi hecta đất đang đạt khoảng 400- 500 triệu đồng, một mức giá trị thu nhập mà bao năm canh tác theo kinh nghiệm truyền thống chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ đặt ra mục tiêu để hướng đến. Hoặc như ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, nói về tấm gương vượt nghèo để làm giàu thì hầu như ai cũng biết hộ gia đình ông Kran Jan Son với 3 năm liền đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Kran Jan Son tâm sự: “Để vượt ra nghèo khó, tôi luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ bà con địa phương, đồng thời thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt cây dâu tây do tổ chức Hội Nông dân các cấp và các ngành chuyên môn tổ chức. Rồi nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình tôi quyết định chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi sang trồng cây dâu tây công nghệ cao….” Theo đó, sau 6 năm với 3 lần chuyển đổi tổng cộng từ 0,6ha cà phê sang trồng cây dâu tây, gia đình Kran Jan Son đã hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật canh tác dâu tây chất lượng cao, thu lãi hàng năm từ 300- 400 triệu đồng.
Giá trị rau, hoa tăng thêm 2 đến 3 lần
   Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng, thống kê giai đoạn từ năm 2011- 2014, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chương trình nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng là 335,6 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp 25,2 tỷ đồng và vốn đầu tư lồng ghép 310,4 tỷ đồng. Qua từng hạng mục nghiệm thu và quyết toán, Lâm Đồng đã hình thành và phát triển nhiều vùng tập trung chuyên canh cây trồng công nghệ cao với quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng giá trị thu nhập cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. 
Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển hoạt động 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, hàng năm sản xuất trên 30 triệu cây giống gốc invitro; trên 200 vườn ươm sản xuất khoảng 2 tỷ cây giống thương phẩm/năm. Đặc biệt, trên địa bàn Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận thương hiệu cho 11 sản phẩm nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 4 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. 
Tính riêng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đang mở rộng hơn 43.000ha, chiếm gần 16% tổng diện tích đất canh tác. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng. Doanh thu trung bình trên đơn vị diện tích sản xuất công nghệ cao là  450 - 500triệu đồng/ha/năm đối với cây rau và 800 – 1.200 triệu đồng/ha/năm đối với cây hoa. Đã có nhiều mô hình với các mức doanh thu đột phá trên mỗi hecta hàng năm gồm 3 tỷ đồng, 8 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
“Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng bắt đầu triển khai thực hiện trên diện rộng từ năm 2004, kết quả đến năm 2010 đã thể hiện chủ trương đúng đắn về mặt lý luận và thực tiễn. Tiếp tục tạo sự đột phá đi lên, ngày 11/5/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó làm cơ sở cho các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, giá trị các nông sản chủ lực, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển du lịch tham quan, thu hút nguồn vốn FDI, góp phần giải quyết thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương…”- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng khẳng định./.
THÁNG 10/2015