Phóng sự VĂN VIỆT
Rau xanh sản xuất trong môi trường sinh
trưởng tự nhiên ở Đà Lạt và các vùng phụ cận đang xuất hiện rải rác nhiều nơi. Rau
không chỉ gieo trồng trên chậu giá thể sắp đặt ở ban công, sân thượng, hiên nhà;
mà còn luân canh, xen canh theo từng luống đất lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi
biệt lập; giữa những vườn nối vườn cây trái, cỏ hoa chen chúc đón lấy ánh sáng
mặt trời. Dẫu mỗi điều kiện sinh thái khác nhau, song tất cả các loại “rau
thiên nhiên” đều cho tôi cảm nhận một hương vị nồng đượm chất đất đỏ bazan của
cao nguyên Lâm Đồng.
HẠT NIÊM TRỪ SÂU BỌ - BÀI HỌC “ĐẦU
Vượt đường xa ướt mưa, tôi đặt chân đến trang trại “rau
thiên nhiên” rộng 7ha, tọa lạc giữa một triền đồi sản xuất đa canh cây ngắn
ngày với cây dài ngày thuộc địa bàn xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Chủ trang trại
7X, Nguyễn Quốc Thắng đưa cho tôi một đôi ủng cao, thay thế đôi giày nhuộm đầy
bùn đất đường xa. Thấy tôi e ngại, Thắng giải thích: “ Đây là những đôi ủng
giành riêng người đi làm vườn và khách tham quan. Hàng ngày, trước khi sử dụng,
từng đôi ủng đã được rửa sạch sẽ bằng nước giếng khoan và “vô trùng” bằng thuốc
trừ sâu sinh học để bảo vệ môi trường trong lành ở vườn rau… ” Bên cạnh nơi
treo những “đôi ủng sinh học” là hệ thống đường ống nước ngầm bơm lên hòa tan
với nước hạt niêm (các tài liệu khoa học thường viết là hạt neem) và một tỷ lệ
rượu gạo để phân phối tưới phun đều đến từng luống rau. Dừng lại bên một chiếc
thùng lớn “trung chuyển” nước hạt niêm đậm đặc một màu xám nhạt, tỏa lên mùi
hăng hắc, Thắng cho biết, mỗi diện tích rau được bơm phun nước hạt niêm ít nhất
mỗi tuần một lần. Cứ theo tỷ lệ 1kg hạt niêm đưa vào máy xay nhuyễn rồi “phối
trộn” với 500 lít nước và một ít rượu gạo là tạo thành những liều thuốc phòng
trừ các loại bệnh hại trên rau, củ, quả với tác dụng khá cao. “Cây niêm phân bổ
trồng ở các vùng xứ cát nóng thuộc tỉnh Ninh Thuận. Giá mua về trong năm 2015 khoảng
35.000đồng/kg hạt.
Khi bơm phun dung dịch chứa hoạt chất hạt niêm theo cách khuấy
đều với nước và rượu, không chỉ diệt trừ tương đối nhanh các loài sâu bệnh, nấm
bệnh trên mặt đất, tuyến trùng dưới mặt đất; mà còn phát tán mùi ngai ngái để
xua đuổi các loại côn trùng gây hại, đồng thời ức chế và giảm khả năng đẻ trứng
của các loài sâu bệnh khác trên vườn rau…”- Thắng khẳng định công hiệu của hạt
niêm trên thực địa đồng rau canh tác của mình qua những mùa mưa- nắng.
Với mong muốn được tự cung, tự cấp thuốc sinh học, những
ngày đầu thực hành trồng “rau thiên nhiên”, nông gia Nguyễn Quốc Thắng đã trồng
thử nghiệm cây niêm trên vùng đất Đơn Dương nhưng không có kết quả. Do mưa
nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, khiến cho cây niêm đang thời kỳ đâm chồi nảy
lộc bỗng “đứng yên” một thời gian dài rồi héo rũ. Có thể vì bộ rễ cây niêm thường
xuyên “bội thực” khi hấp thu dinh dưỡng trong đất đỏ bazan Lâm Đồng. Nhưng
thiệt hại đắt giá nhất ở thời điểm này (vào năm 2010) không phải những hàng cây
niêm chết non, mà chính chính là không thể cân đối được liều lượng nước hạt
niêm tương ứng với mức độ hoành hành của sâu bọ trên cây trồng, chưa tạo ra
được môi trường tự nhiên đối kháng giữa sinh vật có lợi và sinh vật có hại, lượng
tồn dư phân bón, thuốc hóa học trong đất vẫn còn nhiều… dẫn đến hàng ngàn mét
vuông cà chua, ớt ngọt và nhiều loại rau xanh khác đều phát hiện trơ cành trụi
lá chỉ sau một vài buổi sáng thăm vườn. “Nhìn mọi luống rau gần như thiệt hại trắng
khi mới qua khoảng từ 1- 2 tuần sinh trưởng, coi như bao nhiêu công sức, vốn
liếng đầu tư trang trại rau hữu cơ năm đầu tiên đã tiêu tan hết vào đất…”- Thắng
nhắc nhớ một bài học “mất tiền, được kinh nghiệm !”
“Hộ gia đình tôi
có cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương. Chỉ cần mở
tủ lấy ra đôi, ba chai nhỏ chứa thuốc hóa học, đưa ra khuấy vào nước tưới sẽ
diệt trừ ngay tức khắc các loài sâu bọ độc hại nhất đối với cây trồng. Nhưng nếu
làm như vậy thì đồng nghĩa với việc phá sản đường hướng xây dựng trang trại
“rau thiên nhiên” mà gia đình tôi đã ấp ủ bao năm…”- Thắng không quên những
trăn trở bấy giờ.
Là chủ nhân một vườn ươm lớn hàng đầu ở huyện Đơn
Dương, Thắng chợt nhớ đến những bạn hàng người nước ngoài cung cấp các hạt
giống rau cho mình cũng là những chuyên gia đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam,
nên đã tức tốc hẹn gặp trực tiếp để “thọ giáo” kỹ thuật về trồng rau hữu cơ.
Hóa ra toàn bộ quy trình sản xuất rau hữu cơ đều đơn giản mà Thắng chưa thực
hành đầy đủ là: bố trí hài hòa giữa sản xuất luân canh, xen canh rau với rau và
rau với các loài thực vật đối kháng nhằm thu hút hoặc xua đuổi côn trùng. Trong
đó biện pháp quyết định trước tiên phải tăng cường trồng cây luân canh với mục
đích cải tạo đất trong nhiều năm liền, sau đó mới tính đến thời vụ gieo trồng
và thu hoạch.
LUÂN CANH,
XEN CANH VÀ CÁCH LY
Dẫn tôi đến những hàng cây muồng vàng, những trảng cỏ
sữa… trồng đệm theo ranh giới đất trang trại rau hữu cơ với đất trồng cây cà
phê, chuối, các loại cây đậu, đỗ ngắn ngày theo biện pháp canh tác thông thường
của những hộ dân liền kề, Thắng liên tưởng đến một hình thức dùng thiên nhiên bên
trong để thu hút và cách ly sự xâm nhập của sâu bệnh từ thiên nhiên bên ngoài. Rồi
trở lại ngồi gần luống cây cà rốt trồng xen dưới chân cây bắp và liên canh với
cây cà tím, khoai lang, củ cải, Thắng nhổ lên rất nhẹ tay một bụi củ cà rốt đeo
bám dày đặc: “ Đất tơi xốp là có nhờ sự phát triển của cây đậu phộng hoang
dại…” Nhìn qua thân dây, lá, bông.. của cây đậu phộng hoang dại không khác gì
cây đậu phộng thương phẩm được chăm sóc quanh những triền sông xứ đồng bằng,
nhưng dưới bộ rễ của nó - thay vì kết trái cho hoa lợi trực tiếp cho người
trồng, đã ngày đêm tỏa ra từng nhánh nhỏ, miệt mài khoan thủng những đường rãnh
nhỏ dưới mặt đất, tạo môi trường thuận lợi cho “rồng đất” và các sinh vật có lợi
khác đua nhau sinh sôi, nhân đàn, giúp bộ rễ các cây rau, củ, quả phát triển
khỏe mạnh, loại bỏ những mầm mống của bệnh hại tiềm ẩn. Tôi chụm lại 5 ngón tay
lật lên một vốc đất dưới gốc một loại cây trồng ngay dưới chân mình, được nhận
lại một cảm giác mềm, mịn và tơi xốp như đang tiếp xúc với luống đất mới vừa
hoàn tất những đường cày, đường bừa.
Bước sang đám khoai lang ngoài trời, Thắng bất ngờ lôi
lên từ dưới lớp lá xanh thẫm một chiếc chai nhựa khoét chiếc lỗ hổng bên phía hông.
Đưa mắt lại gần thấy rõ từng con bọ đen chết nổi lềnh bềnh trong chai nước.
“Con sùng đó. Là đối tượng dịch hại đục phá củ khoai lang làm rỗng phần ruột,
thu hoạch bao nhiêu cũng phải bỏ đi !”- Thắng nói và cho biết thêm rằng, cứ
trên 1 ha đất trồng khoai lang thì đặt 120 chiếc chai nước, bỏ vào trong một
miếng mồi làm bẫy con sùng. Miếng mồi này bằng đầu ngón tay út, một dạng của
chế phẩm sinh học sản xuất từ một viện nông nghiệp ở miền Tây Nam Bộ, khi đặt
vào chiếc bẫy chai nhựa sẽ phát tán một mùi hương mời gọi, lôi cuốn từng con
sùng cách xa cả trăm mét cũng “xăm xăm băng lối” đến nơi rồi…chìm vào nước chết
ngạt. Hôm tôi đến, Thắng đang gửi mua về 120 miếng mồi bẫy con sùng với tổng số
tiền 2,4 triệu đồng, đủ sử dụng trong thời hạn 6 tháng để bảo vệ gần như sạch
bệnh tuyệt đối ở các phần lá, thân dây, gốc cây và củ khoai lang từ lúc xuống
giống đến lúc chăm sóc, thu hoạch. Tương tự ở bên trong nhà kính xen canh và
luân canh của trang trại, Thắng treo phất phơ những miếng bẫy bằng vải nhựa
vàng đậm hình chữ nhật, trên mặt vải quét một lớp keo dính sinh học với nhiều mùi
hương hấp dẫn nhiều loại côn trùng khác nhau. Đi giáp một vòng 5.000m² nhà kính, tôi được tùy thích ngắt hái thưởng thức
các loại cây trái tươi xen canh và luân canh như: cà chua các loại, đậu cove, đậu
nành, đậu rồng…cùng nhiều giống rau ăn lá khác. Và có lẽ bất kỳ ai cũng tương
đồng như tôi sẽ rất thích thú khi được tản bước bên những thửa rau từ trong nhà
kính ra đến ngoài trời với ngập đầy hoa cỏ, dập dềnh đàn bướm bay, đàn ong lượn
lờ trên mặt đất, nghe tiếng rả rích của ve sầu mùa hè, tiếng ếch nhái rộn ràng
sau những ngày mưa…
NHỮNG TRIỀN
ĐỒI “RAU THIÊN NHIÊN”
Ngồi nghỉ chân bên hiên nhà quản lý trang trại, Thắng
lại nhổ lên một củ cà rốt vừa rửa sạch đất bazan đưa tôi ăn sống. Củ cà rốt có
kích thước tương đương bằng ngón chân cái, vỏ ngoài thô nhám, gân guốc, nhưng
có vị giòn giòn, ngọt đậm đặc chất nhựa tươi như đang còn lưu dẫn, chuyển hóa
dinh dưỡng hữu cơ trong đất. “Hiện mỗi ngày, trang trại thu hoạch, rửa sạch rồi
vận chuyển đến nơi người tiêu dùng trong nước khoảng 200kg rau, củ, quả tươi sản
xuất theo phương pháp hữu cơ, số lượng chia đều các chủng loại gồm cà rốt, cà chua,
cà tím, bắp ngọt, đậu nành…
Trong đó người Nhật sinh sống tại Việt Nam chiếm tỷ
lệ 80% số người tiêu dùng; 20% còn lại là thực khách của các nhà hàng lớn ở Sài
Gòn. Phần lớn hệ thống siêu thị và chợ đầu mối rau trong nước chưa nhận làm
kênh phân phối rau hữu cơ vì giá bán ra khá cao - gấp từ 5- 10 lần giá các loại
rau thông thường… ”- Thắng thống kê và nói thêm về năng suất “rau thiên nhiên” của
trang trại đang dần ổn định ở tuổi năm thứ 5, nhưng mới đạt mức thu hoạch bằng 50%
so với năng suất rau có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Ước tính đến nay, Thắng 7X đầu tư cả chục tỷ đồng để
trả thiên nhiên về cho rau, củ, quả trên diện tích 7 ha trang trại nơi vùng xa
xã Ka Đơn, Đơn Dương, lợi nhuận bắt đầu gặt hái trong những năm tới dự kiến đạt
từ 800 triệu- 1 tỷ đồng/ha/năm. Tôi nêu những con số này, anh Nguyễn Trúc Bồng
Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá: “Trên vùng rau Lâm Đồng vài
năm gần đây, Trung tâm đã triển khai thành công các mô hình sản xuất rau hữu cơ
theo kỹ thuật quãng canh truyền thống và theo hướng ứng dụng nông nghiệp công
nghệ cao. Với hộ gia đình anh Nguyễn Quốc Thắng ở Ka Đơn, Đơn Dương đã tự tìm
tòi, học hỏi xây dựng mô hình trang trại rau hữu cơ là rất đáng khích lệ. Trước
xu hướng phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ rau hữu cơ trong tương lai, Lâm
Đồng cần xác định những vùng chuyên canh diện tích lớn để định hướng sản xuất,
bố trí các nguồn vốn ưu đãi, vận động nông dân mở rộng liên kết tạo ra một
chuỗi giá trị sản phẩm đa dạng, tuyệt đối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho
người tiêu dùng…”
Lúc trò chuyện ở trang trại, Thắng còn kể tôi nghe gần
nửa tháng trời tiếp cận với kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ ở vùng ven Tokyo , Nhật Bản mới hay: “
Chất đất bên Nhật pha trộn rất nhiều cát. Nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm khá
cao. Nhưng những cánh đồng rau hữu cơ của họ đã hình thành và phát triển tươi
tốt hàng chục năm qua, mang lại lợi nhuận vượt trội cho người nông dân... ” Tôi
liên tưởng: “Nếu so sánh về lợi thế tự nhiên với vùng sản xuất ở Nhật Bản mà
Thắng đã đến thì thổ nhưỡng, khí hậu của Đà Lạt và các vùng phụ cận rất may mắn
được “lộc trời” hào phóng ban tặng sự phì nhiêu, trong lành để có thể cho ra
đời những triền đồi “rau thiên nhiên” ngút ngàn tầm mắt…”./.
THÁNG 8/2015