Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp ở Lạc Dương

VĂN VIỆT
Nhiều hộ nông dân ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương đã nuôi thành công bước đầu giống bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp. Đây là con vật nuôi mới chuyển đổi với nguồn vốn đầu tư không nhiều, nhưng lợi nhuận có chiều hướng tăng cao.

Tôi được bác sĩ thú y trẻ Đỗ Thị Hải ( Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương) đưa đi tham quan mô hình nuôi bồ câu Pháp tiêu biểu của hộ gia đình Rơ Glê Kinh ở tổ dân phố Bnơ B, thị trấn Lạc Dương. Vào nhà ông Kinh, tôi đi qua một phòng khách khang trang và một gian bếp rộng rãi là đặt chân giữa một căn chuồng nuôi bồ câu Pháp khoảng 70 mét vuông. Chuồng có mái lợp tôn, chia thành 2 ngăn nuôi bồ câu trong lồng sắt và nuôi thả bay trong không gian nhỏ được thưng kín 4 vách tường. Ông Kinh giới thiệu: “ Hiện có tất cả 21 chiếc lồng nuôi nhốt 21 cặp bồ câu sinh sản. Và nuôi thả bay trong chuồng là 16 con bồ câu hậu bị dưới 5 tháng tuổi. Hàng tháng từng bồ câu trong chuồng đua nhau đẻ trứng và ấp nở ra bồ câu non còn gọi là bồ câu ra ràng…” Bác sĩ thú y Đỗ Thị Hải cho biết thêm: Mô hình nuôi bồ câu Pháp được xây dựng điểm ở hộ gia đình ông Kinh từ hơn một năm trước, ban đầu nuôi 12 cặp 5 tháng tuổi. Tổng số nguồn vốn mua con giống, lồng sắt, thuốc phòng bệnh, thức ăn...đều do ngân sách nhà nước hỗ trợ; phần kỹ thuật nuôi do Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc
Dương trực tiếp hướng dẫn, tổng kết và chuyển giao rộng rãi cho nông dân. Về phía hộ gia đình được chọn thực hiện mô hình chỉ đối ứng một phần tiền mua thức ăn cho bồ câu.
Sau 1- 2 tháng nuôi, đàn bồ câu Pháp của hộ gia đình ông Kinh bị chết 1 cặp. Nguyên nhân được xác định là việc đóng- mở cửa chuồng trại không đảm bảo những thời gian thích hợp trong ban ngày và ban đêm, còn để gió mưa tạt vào chuồng, gây nhiễm lạnh dẫn đến thiệt hại 1 cặp bồ câu này. Sau đó, hộ ông Kinh đã biết khắc phục những “lỗ hổng kỹ thuật” đã xảy ra, đồng thời tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp theo “cầm tay chỉ việc” của cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương. Kết quả 11 cặp bồ câu còn lại đều tăng trọng nhanh và lần lượt  sinh sản đạt yêu cầu với 1 cặp bồ câu bố mẹ đạt năng suất đẻ trứng và ấp nở khoảng gần 9 cặp bồ câu ra ràng mỗi năm. “ Tôi đem bồ câu ra ràng trước 28 ngày tuổi ra chợ thị trấn Lạc Dương bán rất nhanh với giá 100.000 đồng/cặp. Tính cộng lại doanh thu cũng đã vượt hơn những khoản tiền vốn đầu tư ban đầu do nhà nước hỗ trợ. Còn lại đàn bồ câu trong chuồng gồm 21 cặp sinh sản và 16 con hậu bị là nguồn vốn lợi nhuận mới của hộ gia đình chúng tôi…”- Rơ Glê Kinh nói.
Tương tự hộ ông Rơ Glê Kinh, 3 hộ mô hình còn lại nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp ở thị trấn Lạc Dương sau hơn 1 năm, mỗi hộ đã nhân giống sinh sản từ 12 cặp ban đầu đến nay đã tăng lên hơn 20 cặp và hàng chục con giống hậu bị khác, chưa kể số lượng bồ câu thịt bán ra. Bồ câu Pháp 5 tháng tuổi khi đưa vào nuôi 4 mô hình ở đây, tỷ lệ đẻ trứng tháng đầu tiên đạt 48%, đến tháng thứ 2 đạt 100%; số bồ câu nở và sinh trưởng tốt sau 1 tháng tuổi đạt gần 92,5%. Hạch toán sơ bộ ở thời điểm giá bồ câu vào tháng 8/2015, mỗi hộ nuôi 12 cặp bồ câu Pháp ở Lạc Dương đạt lợi nhuận hơn 9,2 triệu đồng/năm. “Đây là lợi nhuận nuôi thử nghiệm năm thứ nhất, tỷ lệ bồ câu Pháp đẻ trứng và ấp nở chưa đồng đều. Dự báo từ năm thứ 2 trở đi, đàn bồ câu Pháp các thế hệ tiếp theo ở mỗi hộ gia đình sẽ hoàn toàn thích nghi với điều kiện khí hậu ở Lạc Dương, sinh sản ổn định hơn, doanh thu và lợi nhuận theo đó sẽ tăng thêm đáng kể … ”- bác sĩ thú y Đỗ Thị Hải nhận định. 
Được biết từ đầu năm 2015 đến nay, đã có thêm 3 hộ dân trong huyện Lạc Dương tìm đến 4 mô hình điểm nuôi bồ câu Pháp đạt kết quả nói trên để tiếp cận kỹ thuật và mua con giống về nuôi. Hiện trung bình mỗi hộ này đã nhân đàn lên 15 cặp bồ câu sinh sản. Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương tiếp tục phối hợp cùng với chính quyền các địa phương trong huyện để vận động người dân chuyển đổi những con vật nuôi hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi bồ câu Pháp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng lại đầu tư ít vốn, ít tốn công chăm sóc./.
THÁNG 8/2015