VĂN VIỆT
Nhà nông trẻ Nguyễn Văn Nam ( sinh năm
1986) đã mạnh dạn chuyển đổi cả ngàn mét vuông diện tích đất trồng mía để xây
dựng chuồng trại chăn nuôi “thuần hóa” giống gà Đông Tảo tại thôn 3, xã Mê
Linh, Lâm Hà, đạt thu nhập tăng cao mỗi tháng.
Từ 15 con gà giống Đông Tảo nuôi thử
nghiệm
Theo kỹ thuật hướng dẫn của người bán từ tỉnh Hưng Yên,
Nam đưa gà con giống Đông Tảo ra vườn nhà ở thôn 3, xã Mê Linh, Lâm Hà, Lâm
Đồng nuôi nhốt trong lồng lưới sắt nhỏ, kê cách 30- 40cm trên mặt nền chuồng rải
đều một lớp trấu. Gà con hàng ngày ăn các loại thức ăn bổ sung các lượng
vitamin; được ủ điện ( thắp bóng đèn điện) từ chiều tối đến sáng sớm hôm sau để
giữ nhiệt độ ấm. Từ tháng tuổi thứ 2 đến hết tháng tuổi thứ 3, Nam
thả đàn gà con trong một không gian sân vườn thích hợp vào ban ngày, đến chiều
tối thì nuôi nhốt lại trong chuồng. Bất ngờ trong thời điểm này, Nam
phát hiện liên tục 5 con gà con trong đàn bị nhiễm bệnh nặng dần rồi ngã lăn ra
chết. Nam
kể : “Mỗi con gà giống Đông Tảo trước khi chết đều có các biểu hiện khác thường
như: kêu tiếng ho hen khèn khẹt; thải ra phân màu xanh đục; đầu và cổ nổi mụn
sưng tấy đỏ; bỏ ăn….” Nam tự giải tỏa nỗi lo lúc này bằng cách mang đến bác sĩ
thú y ở thị trấn Nam Ban, Lâm Hà một trong những con gà con giống Đông Tảo bị
bệnh chết để tìm nguyên nhân. Thì ra, gà con Đông Tảo mẫn cảm với khí hậu, thổ
nhưỡng nơi xứ lạ Lâm Đồng với lượng mưa nhiều và độ ẩm cao hơn so với khí hậu,
thổ nhưỡng ở Hưng Yên.
Đến quy
trình nuôi gà Đông Tảo mới ở Lâm Hà
“Giải pháp bức bách lúc đó là phải cứu sống 10 con gà
giống Đông Tảo còn lại ! ”- Nam
nói tiếp. Theo đó, Nam
nâng cấp, xây mới tất cả 5 ô chuồng ( mỗi ô chuồng rộng gần 10 mét vuông- trước
đây sử dụng nuôi gà ta) đạt các yêu cầu thoáng mát, nhưng phải che chắn được
mưa để giữ ấm nhiệt độ bên trong. Ngoài sân vườn, Nam bố trí các tấm bạt và chăm sóc
tốt các bụi cây tỏa tán che bóng mát cho gà thả ra. Bên cạnh đó, Nam cân đối
lại lượng thức ăn, thuốc uống, bơm thuốc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh cho gà
hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng; đồng thời đảm bảo gần như tuyệt đối vệ sinh
môi trường, vệ sinh chuồng trại… Đặc biệt Nam giữ liên lạc 24/24 giờ với bác sĩ
thú y ở thị trấn Nam Ban, kịp thời điều chỉnh các chế độ chăm sóc cho gà giống
Đông Tảo phát triển khỏe mạnh, thích nghi tốt nhất trong điều kiện môi trường
mới. Kết quả 9 tháng sau, có khoảng 8 con gà mái giống Đông Tảo lần lượt đẻ
trứng trong 10 ngày, thu được 80 trứng chuyển đi thuê lò ấp ở thị trấn Nam Ban.
Sau 21 ngày ấp, đạt 50% số trứng nở gà con. Nam cho rằng đã “quá thành công
rồi” nên cẩn thận đưa hết số gà con về nuôi theo quy trình “thuần hóa” riêng
biệt tại vườn nhà ở thôn 3, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.
Đầu tháng 8/2015, chuyền tay cho tôi ôm một con gà
trống Đông Tảo nặng khoảng 4 kg, Nam cho biết: “ Gà Đông Tảo “thuần
hóa” trên đất Lâm Đồng có trọng lượng phát triển không thua kém khi nuôi ở đất
Hưng Yên. Cụ thể, con gà trống Đông Tảo trong vườn nhà ở đây đã cân nặng từ 4kg
đến 6 kg…” Trong 3 tháng vừa qua, Nam đã tăng đàn gà mái đẻ Đông Tảo của
vườn nhà lên đến 20 con. Trung bình mỗi tháng ấp nở từ 70- 80 gà con, xuất bán giá
mỗi con từ 250- 300.000 đồng. Còn gà thịt thì lượng đặt hàng rất nhiều, nhưng Nam
chỉ bán với số lượng hạn chế.
Đáng quan tâm với người tìm đến mua gà giống Đông Tảo phần
lớn gồm nông dân trong và ngoài huyện Lâm Hà, được Nam nhiệt tình chia sẻ những
quy trình chăn nuôi mới đúc kết từ kinh nghiệm thực tế. Thời gian tới, Nam
nói sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất gà giống, gà thịt Đông Tảo tại Lâm Hà với
những bước đi ổn định và bền vững nhất./.
THÁNG 8/2015.