Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Khuyến nông cơ sở - hiệu quả cần phát huy

VĂN VIỆT
Lực lượng khuyến nông cơ sở ở Lâm Đồng đang khẳng định vị trí, vai trò góp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi đến từng hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Để phát huy hiệu quả hoạt động khuyến nông cơ sở trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục quan tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn.   

          200 khuyến nông viên với 7.500 điểm mô hình
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng vừa kết thúc 5 năm thực hiện Đề án “Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng khuyến nông cơ sở giai đoạn 2011- 2015” với những kết quả khả quan. Nếu như năm 2011, lực lượng khuyến nông toàn tỉnh Lâm Đồng mới có hơn 190 người thì đến tháng 8/2015 đã tăng lên hơn 205 người. Trong đó trình độ trung cấp đến đại học tăng từ 50 người lên 160 người. Chưa kể trong gần 1.000 cộng tác viên khuyến nông ở thôn được ký hợp đồng làm việc thì hiện có hơn 340 người trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông và trung cấp nghề trở lên. Việc tuyển chọn khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông đều tiến hành theo một quy trình phối hợp từ cơ sở. Theo đó, hàng năm Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã để tiếp nhận ưu tiên những khuyến nông viên vừa có trình độ chuyên môn vừa có kinh nghiệm thực tế sản xuất nông nghiệp, thay thế những khuyến nông viên cũ còn hạn chế về năng lực, không hoàn thành công việc được giao. Riêng cộng tác viên khuyến nông cấp thôn được “xét tuyển” từ các trưởng thôn và đội ngũ cốt cán của các Chi hội Nông dân, Phụ nữ...
Qua 5 năm, lực lượng khuyến nông cơ sở Lâm Đồng được tổ chức tập trung lên huyện, lên tỉnh tham gia hơn 25 lớp tập huấn chuyên môn về kỹ năng, nghiệp vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến người nông dân. Nội dung tập huấn được chia thành các nhóm lĩnh vực gồm: Nhóm kỹ năng, phương pháp khuyến nông hiện trường, tiếp cận thông tin thị trường, thành lập và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ khuyến nông; nhóm kỹ thuật công nghệ về sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất rau, hoa, chè, cà phê…theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất lúa theo phương pháp 3 giảm và 3 tăng, tái canh và thâm canh cà phê theo hướng bền vững; nhóm chức năng, nhiệm vụ của khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông còn được tham quan các mô hình khuyến nông hiệu quả của các vùng miền trong và ngoài tỉnh; nhóm cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững…
Vận dụng kiến thức tập huấn vào thực tế sản xuất ở địa phương, từ năm 2011 đến nay, lực lượng khuyến nông cơ sở ở Lâm Đồng đã phối hợp với nhiều cơ quan chuyên trách nông nghiệp của cấp huyện và cấp tỉnh để xây dựng 7.500 điểm mô hình sản xuất, chăn nuôi điển hình, đồng thời tổ chức 3.100 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, tham quan đầu bờ, thu hút hơn 123.000 lượt nông dân tham gia. Đáng kể thêm, lực lượng khuyến nông cơ sở đã tham gia tích cực các chương trình, dự án lớn của tỉnh Lâm Đồng như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ( chiếm 15% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh); chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh ( rau, hoa, chè, cà phê, bò sữa, cá nước lạnh…); tái canh và ghép cải tạo cà phê ( hơn 13.700 ha cà phê trong năm 2013 và 2014); hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ( cuối năm 2014 chỉ còn 2,75% hộ nghèo)…        
Chính quyền quan tâm, khuyến nông hiệu quả
Về kinh nghiệm đạt được những kết quả khuyến nông cơ sở đáng ghi nhận 5 năm qua, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá: “ Ở đâu có sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, thì ở đó mạng lưới khuyến nông cơ sở không ngừng phát huy hiệu quả hoạt động của mình…”  Sự quan tâm rõ nét nhất của chính quyền các cấp ở đây là thực hiện tốt quy chế phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc phân công nhiệm vụ, duy trì chế độ giao ban hàng tháng, tổng kết hàng năm để thống nhất các biện pháp nâng cao hơn nữa hoạt động khuyến nông cơ sở trên địa bàn sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng.
Từ nay đến năm 2020, Lâm Đồng tập trung thực hiện hoàn thành nhiều chương trình trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp. Những chương trình này khi triển khai xuống từng vùng nông nghiệp địa phương đều rất cần thiết sự tham gia làm chiếc cầu nối của lực lượng khuyến nông cơ sở. “ Để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế đến từng hộ nông dân trong 5 năm tới, lực lượng khuyến nông cơ sở ở Lâm Đồng cần phát huy hiệu quả hoạt động, đảm bảo ổn định cơ cấu ít nhất 1 khuyến nông viên (trên mỗi xã, phường, thị trấn sản xuất nông nghiệp) và 1 cộng tác viên ở thôn hội đủ các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm công việc, tích cực tham gia học tập nâng cao kỹ năng nghiệp vụ…”-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Nguyễn Trúc Bồng Sơn nói./.
THANG 8/2015