Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Bài toán chất lượng cao cho cây chè Lâm Đồng

Bài 2, Cân đối nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu
VĂN VIỆT
Cây chè được xem là cây trồng chủ lực vừa xóa đói giảm nghèo vừa phát triển làm giàu cho nông dân Lâm Đồng. Tuy nhiên do nhiều nơi sản xuất vẫn còn tự phát, không theo quy hoạch, chưa tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với người sản xuất, nên hiện giá trị sản phẩm chè Lâm Đồng trên thương trường cạnh tranh trong và ngoài nước vẫn còn ở mức “khiêm tốn”

Thống kê trong 5 năm qua, Lâm Đồng đã chuyển đổi, trồng mới hơn 2.600ha diện tích các giống chè cành cao sản, chất lượng cao ( TB14, LD97, Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc…) thay thế các giống chè cũ trồng bằng hạt già cỗi, nâng năng suất thu hoạch bình quân mỗi năm từ 7 tấn/ha lên khoảng 10 tấn/ha. Đến nay diện tích chè cao sản và chè chất lượng cao chiếm 33% tổng diện tích chè toàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mới đạt hơn 363ha, tập trung ở 11 tổ hợp tác, 6 doanh nghiệp và 7 hộ nông dân. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 60 doanh nghiệp và 150 cơ sở, hộ kinh doanh chế biến chè đạt tổng công suất lên đến khoảng 52.000tấn thành phẩm/năm. Tuy nhiên do phân bổ không cân đối với vùng nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến chè không có điều kiện phát huy hết công suất hoạt động. 
Như vùng nguyên liệu chè Bảo Lâm chiếm đến 50% diện tích và sản lượng chè toàn tỉnh Lâm Đồng, nhưng nhà máy chế biến tại địa phương chỉ mới đạt 22- 25% so với năng lực sản xuất nguyên liệu. Trong khi đó, ở địa bàn Bảo Lộc có nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần chè Bảo Lộc chỉ đủ nguyên liệu chế biến hàng năm từ 6.000 – 7.500 tấn chè thành phẩm (tương ứng với 30.000- 35.000 tấn chè búp tươi), mới đạt 75% công suất thiết kế.
Sở Công thương Lâm Đồng đã phân tích: “Ngoài 22 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp với các sản phẩm chè oloong, chè đen, chè xanh ướp hương…có công nghệ dây chuyền sản xuất, chế biến tương đối chất lượng và hiệu quả, còn lại hầu hết các doanh nghiệp và cơ sở chế biến chè ở Lâm Đồng đều có quy mô vừa và nhỏ, hệ thống máy móc thiết bị còn lạc hậu nên chất lượng chè thành phẩm chưa cao …” 
Cụ thể, tỷ lệ máy móc trong các nhà máy sản xuất, chế biến chè ở Lâm Đồng chiếm nhiều nhất là công nghệ lạc hậu với 58,6%; kế tiếp là công nghệ khá với 21% và công nghệ trung bình với 15,7%; công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ cuối cùng với 4,7%. Hơn nữa, ở khâu thu hoạch chè nguyên liệu hiện vẫn thực hiện chủ yếu bằng các phương pháp thủ công, chất lượng búp chè chưa đồng đều. Một số hộ nông dân thu hái búp chè tươi nén chặt trong những chiếc bao trên 70 kg ( quy định chứa trong bao lưới dưới 20kg) thường hay bị gãy, dập khi chất lên xe công nông, xe máy…vận chuyển đến nơi tập kết của các nhà máy chế biến. Hoặc vào mùa khô hàng năm, sản lượng chè thu hoạch giảm xuống thấp, nhiều nhà máy chỉ tranh nhau thu mua cho đủ số lượng mà không phân loại trước khi chế biến, dẫn đến hàng loạt lô chè thành phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, phải để tồn kho nhiều thời gian. 
Trong 10 năm qua, chương trình khuyến công Lâm Đồng đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 5,7 tỷ đồng, đã thực hiện 30 đề án chuyển đổi dây chuyền công nghệ, lắp đặt máy móc thiết bị hiện đại đi vào sản xuất, chế biến chè. Mặc dù đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng so với tiềm năng, thế mạnh của ngành chè Lâm Đồng thì mức khuyến công đầu tư hỗ trợ này vẫn chưa tương xứng, chưa tạo sự chuyển biến thực sự trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè chế biến ngang tầm với các nước trong khu vực.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành chè Lâm Đồng phát triển cần đối, bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, theo Sở Công thương Lâm Đồng cần thực hiện đồng bộ 6 giải pháp trọng tâm gồm: Thứ nhất, phải gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, đảm bảo theo hướng “chỉ mua chè búp tươi chất lượng cao, thu hái đạt yêu cầu”. Thứ hai, điều tra, đánh giá thực trạng thiết bị công nghệ chế biến trà để xây dựng kế hoạch đầu tư, đổi mới. Thứ ba, khuyến khích loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu, hướng đến việc đăng ký sản phẩm chè chế biến đạt các tiêu chuẩn ISO 9000, HACCP. 
Thứ tư, tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ. Thứ năm, triển khai những chính sách ưu đãi đào tạo dạy nghề chế biến chè trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thứ sáu, xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật khép kín từ sản xuất, phát triển nguồn nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ chè thành phẩm, từ đó thường xuyên nhân rộng trên vùng nguyên liệu chè toàn tỉnh Lâm Đồng./.
THÁNG 8/2015