VĂN VIỆT
Tốt nghiệp một ngành khoa học xã hội của
Trường Đại học Đà Lạt, cử nhân Trần Thị Mao quyết định trở lại những thửa vườn làm
thêm thời sinh viên để góp tay tiêu thụ rau, hoa rồi mở rộng kết nối thị trường
mật ong, nhộng ong, sữa ong chúa, phấn ong cho nhà nông xứ cao nguyên Lâm Đồng.
Nữ sinh viên gắn bó với rau, hoa
Một ngày mùa thu năm 2015, thương nhân trẻ Trần Thị
Mao (sinh năm 1987, ngụ tại đường Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt) nhắn tin với tôi
qua mạng xã hội: “Mấy ngày nay, giá thị trường mật ong, phấn ong, nhộng ong,
sữa ong chúa Lâm Đồng có chiều hướng tăng lên. Nông dân đang vui lắm !” Mao
đang vui cùng niềm vui của người nông dân như thời sinh viên vừa mới bán xong
mấy gánh hàng rau, hoa từ vườn đưa ra phố. Với người khác, khối lượng nông sản
này có thể đo đếm không đáng kể, nhưng với Mao điều này còn mang nhiều ý nghĩa
lớn hơn. Có lần trò chuyện, Mao chia sẻ: Hồi vừa học, vừa làm thêm các việc cắt
cành hoa, đóng gói ở Làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt, nhiều khi thấy những lứa hoa
thu hoạch được mùa mà giá chẳng bao nhiêu, nhưng nông dân phải đành lòng chấp
nhận. Phải mất nhiều thời gian cố gắng, Mao mới gom góp đủ năm, ba triệu đồng
đem xuống vườn của nhà nông mua hàng ngàn cành hoa hồng với giá cao hơn giá thị
trường từ 15- 20%, sau đó chở trên xe máy về bán lẻ trước khu vực ngã 5, Đại
học Đà Lạt. Với “lời ngỏ” giúp sức giải cứu nông sản Đà Lạt, chỉ trong vòng 2
ngày, Mao đã đưa những cành hoa hồng cuối cùng đến tận tay người mua, lợi nhuận
đạt mức ngoài dự kiến vì đã trả đủ lương cho người trực tiếp bán hoa.
Đáng nhớ nhất vào dịp Mao cung ứng mặt hàng trái tươi dâu
tây Đà Lạt đến huyện Di Linh tiêu thụ thì được một người quen tặng một chai nhỏ
mật ong nước vàng ươm đậm đặc. Theo hướng dẫn của người quen, Mao hòa tan mật
ong tươi nguyên với một lượng nước ấm rồi thoa rửa trên da mặt của mình trước
giờ làm việc và trước giờ đi ngủ. “Sử dụng mật ong sau vài tuần đã cảm nhận da
mặt bóng mịn hơn nhiều và đặc biệt không còn sót lại những hạt mụn li ti nữa.
Đến
nay qua gần 4 năm bổ sung thêm sản phẩm sữa ong chúa Lâm Đồng trong ngăn tủ của
mình, qua mạng xã hội đã kết nối với khá nhiều người phụ nữ trong và ngoài nước
cùng sử dụng làm đẹp và cùng phân phối trên thị trường…”- Mao cho biết. Theo đó
đến nay, Mao đã xây dựng thành công một mạng lưới trên toàn quốc với gần 40 đại
lý cấp tỉnh và 70 đại lý cấp huyện tiêu thụ sản phẩm mật ong, phấn ong, nhộng
ong, sữa ong chúa nguyên chất của nhà nông Lâm Đồng sản xuất với số lượng ngày
một phát triển nhiều hơn.
Con đường
mật ngọt
Tính riêng trong tháng 8/2015 vừa qua, Mao đã cung ứng
hàng trăm lít mật ong và hàng trăm ký sữa ong chúa cho hệ thống đại lý phân
phối đến khách hàng ở nhiều vùng miền trong nước. Tất cả sản phẩm từ ong nuôi
của nhà nông Lâm Đồng trước khi thu mua đưa đến tận tay người tiêu dùng, Mao
đều lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện
tại có khoảng 15 hộ nuôi ong ở các vùng trọng điểm cà phê trong tỉnh Lâm Đồng (hộ
nuôi ít nhất 100 thùng ong, hộ nuôi nhiều nhất lên đến 800 thùng ong) được Mao
bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch với giá cao hơn giá cùng thời điểm của thị
trường từ 15- 20%. Trong đó gồm nhiều hộ gia đình được Mao liên kết sản xuất ổn
định bằng hình thức ứng trước vốn đầu tư không lãi suất, đến khi thu mua trừ
dần vào giá trị từng sản phẩm mật ong, sữa ong, nhộng ong, phấn ong. Trung bình
mỗi hộ gia đình liên kết ở đây ( đang nuôi từ 80 thùng ong trở lên) được Mao đầu
tư khoảng 45- 50 triệu đồng để nhân rộng thêm từ 40- 50 thùng ong.
Dẫu chỉ ở giai đoạn mới trình làng, nhưng nhãn hiệu
sữa ong chúa, nhộng ong, mật ong, phấn ong Trần Mao, Đà Lạt đã cho thấy một
hướng đi nhiều triển vọng, góp một phần đáng ghi nhận giúp nông dân yên tâm
phát triển nghề nuôi ong mật có nhiều lợi thế so sánh của cao nguyên Lâm Đồng.
Hy vọng với mục tiêu : “ Tiêu thụ hết sản lượng liên kết với nông dân, giữ mức
giá tốt nhất cho khách hàng và đảm bảo mức lợi nhuận cho doanh nghiệp phát
triển”, thương hiệu sữa ong chúa, phấn ong, nhộng ong, mật ong nguyên chất của Trần
Mao trên vùng đất đỏ Lâm Đồng sẽ tiến xa hơn nữa trên thị trường cạnh tranh
trong nước và từng bước thâm nhập với thị trường nước ngoài ./. THÁNG 8/2015