Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Quy trình sản xuất sạch bệnh cho cây dâu tây Đà Lạt


VĂN VIỆT
Theo số liệu của một Đề tài khoa học cấp tỉnh Lâm Đồng đã được nghiệm thu, diện tích cây dâu tây của nông hộ Đà Lạt hiện chỉ còn khoảng 40ha, giảm hơn 2,5 lần diện tích so với khoảng 10 năm trước đây. Những nông hộ “tạm biệt” dâu tây vì các lý do chưa chọn được nguồn giống thực sự sạch bệnh, chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại tổng hợp theo hướng an toàn.


Nông hộ tự nhân giống dâu tây ngoài đồng
Đề tài khoa học mang tên “Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp về trồng trọt và quản lý dịch hại trong canh tác cây dâu tây theo hướng công nghệ cao tại Đà Lạt” đã điều tra 100 nông hộ sản xuất gần 20 ha dâu tây trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận, trong đó chiếm hơn 92% diện tích trồng dâu tây ngoài trời. Kết quả cho thấy trên tổng diện tích này có tỷ lệ khoảng 65% xuống giống cây cấy mô, nhưng chỉ là nguồn “giống gốc” ban đầu vì những mùa mưa sau đó, nhiều nông hộ lại tự nhân giống trên đồng bằng cách cắt gom những đoạn thân cây bò lan trên mặt luống rồi vùi sâu xuống đất, tương tự như nhân giống cây khoai lang thông thường. Đây là phương pháp nhân giống khá đơn giản và tiện lợi, nhưng vẫn mang theo những mầm bệnh cũ còn “ủ lại” trong cây, nên trong quá trình sinh trưởng, khả năng đề kháng của cây sẽ gặp nhiều hạn chế trước các loài dịch hại phát sinh.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc dâu tây giữa nông hộ với nông hộ vẫn chưa tuân thủ theo một quy trình đồng nhất, nhất là việc tưới nước, bón phân mất cân đối, đã tạo thường xuyên ra môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của nhiều loài sâu bệnh, côn trùng trong mùa mưa rất khó kiểm soát, có thể dẫn đến hậu quả chết cây hàng loạt nếu không áp dụng đúng, đủ và kịp thời các biện pháp phòng trừ. Đó là những loài dịch hại được nhận dạng trên đồng dâu gồm: sâu ăn tạp, sâu xanh da láng, nhện đỏ, bọ trĩ, rầy xanh, các loại bọ cánh cứng trong đất; các loại nấm gây các bệnh phấn trắng, rụng lá, đốm lá đỏ, thối rễ…Cụ thể mức độ gây hại của sâu bệnh, côn trùng trên đồng dâu từ cao đến thấp là: nhện ( 57,5%), bọ trĩ (31,25%) và côn trùng khác ( 11,25%).  
Quy trình mới cho giống dâu tây sạch bệnh
Mỗi khi mùa mưa đến, nỗi lo nhất của người nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận là nguy cơ tái diễn tình trạng dâu tây chết hàng loạt như đã từng xảy ra. Nguyên nhân đã được xác định trong Đề tài nói trên là do các loại nấm bệnh tấn công làm thối bộ rễ của cây dâu tây. Để phòng trừ hiệu quả trước sự xâm nhập của “con bệnh” nguy hiểm này, Đề tài khuyến cáo nông dân trước hết phải sử dụng cây giống cấy mô đạt tiêu chuẩn sạch bệnh, trước khi xuống giống trồng phải vệ sinh đồng ruộng đúng cách như thu gom cỏ dại và rác thải của cây dâu mùa trước để chuyển ra xa khu vực sản xuất, sau đó đốt dọn sạch sẽ. Cày đất từ 3- 4 lần cho thật tơi xốp. Phun lên bề mặt đất các loại thuốc theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất như: Rovral (prodion), Aliette (hoạt chất Fosetyl aluminum), Metalaxyl 500WP Phosphonate, Phytocide 50WP ( hoạt chất dimethomorph), Tachicaren 30SL (hoạt chất Hymexazol), copper hydroxyt…Trong một vụ sản xuất dâu tây khoảng 3 tháng, trên diện tích 1.000 mét vuông cần bón bổ sung từ 4-5 khối phân chuồng, 1.500- 2.000kg phân vi sinh. Giai đoạn dâu tây trước và trong khi ra hoa nên thực hiện bón các tỷ lệ phân NPK phù hợp theo từng khu vực canh tác khác nhau.

Áp dụng chế độ dinh dưỡng phân bón và phòng trừ dịch bệnh vừa nêu, Đề tài đã triển khai trồng dâu tây theo các mô hình phủ bạt trên luống đất ngoài trời, trồng trên đất phủ bạt trong nhà kính và trồng trên giá thể trong nhà kính, đạt năng suất từ 25 – 30 tấn/ha/năm, chất lượng trái thu hoạch đạt chuẩn an toàn, sạch bệnh. Đặc biệt trong các mô hình này đã gần như khắc phục hoàn toàn bệnh cháy lá và bệnh thối rễ, thối thân làm cây dâu tây chết hàng loạt. Kết quả từ những mô hình này đã được giới thiệu qua 4 cuộc hội thảo ở Đà Lạt, thu hút 160 lượt nông dân tham gia./.        
THANG 5/2015