Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Phát triển 22.025 ha mắc ca- những bước đi thích hợp

VĂN VIỆT
Với mục tiêu phát triển 22.025 ha cây mắc ca từ nay đến năm 2020, đạt năng suất bình quân 4- 5 tấn quả khô/năm, Lâm Đồng vừa thống nhất các giải pháp kỹ thuật và các giải pháp khuyến khích phát triển thích hợp theo từng giai đoạn triển khai, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nhằm từng bước ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu đạt chỉ số cạnh tranh cao trong thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Trong 22.025ha dự kiến quy hoạch sản xuất mắc ca đến năm 2020, Lâm Đồng giành riêng 25 ha để xây dựng hệ thống vườn ươm sản xuất giống đầu dòng. Đồng thời bố trí 1.470ha diện tích trồng thuần mắc ca thuộc các dự án đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Phần lớn diện tích mắc ca quy hoạch còn lại sẽ tiến hành trồng xen trên diện tích cây cà phê, chè và các diện tích vườn tạp hiện có trên địa bàn, chiếm  nhiều nhất là các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà ( mỗi huyện từ 4.000 -4.500ha); kế tiếp là các huyện, thành Đam Rông ( 3.000ha), Bảo Lộc ( 1.610ha), Đức Trọng (1.500ha) Lạc Dương (890ha) Đơn Dương ( 800ha), Đà Lạt (700ha) và các huyện khác khoảng 500ha. Mắc ca được trồng xen ở đây không chỉ là cây công nghiệp lâu năm, mà còn thực hiện chức năng là một cây che bóng, chắn gió, ngăn sương…cho các loại cây cà phê, chè phát triển an toàn. Và việc trồng thuần chủ yếu tiến hành trên diện tích đất trống, đồi trọc, đất rừng chuyển mục đích sử dụng…Để chủ động nguồn giống mắc ca đạt chất lượng, phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, Lâm Đồng tạo mọi điều kiện về cơ chế cho các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, nhập khẩu và sản xuất các giống mắc ca thu hoạch sản phẩm với nhiều khả năng cạnh tranh, mang về thu nhập một cách bền vững cho nông dân. Riêng ở mỗi địa phương trồng cây mắc ca ( mỗi huyện, thành), tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng mới từ 01- 03 vườn ươm sản xuất mầm chồi đầu dòng ( 01- 1,5ha/vườn) để thực hành việc nhân giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kịp thời đáp ứng nhu cầu trồng mới mắc ca hàng năm trên địa bàn.
  
Dự toán tổng kính phí trồng mới mắc ca ở Lâm Đồng đến năm 2020 là gần 417,6 tỷ đồng. Trong đó chiếm 61,73% nguồn vốn đối ứng của nông dân, 31,8% nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và 6,47% nguồn vốn ngân sách hỗ trợ. Trên tổng nguồn vốn này, sẽ trích chi hỗ trợ ngàn nông nghiệp tổ chức mỗi năm từ 20- 30 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cùng nhiều hội nghị, hội thảo đánh giá các biện pháp chăm sóc chuyên sâu mắc ca theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, giai đoạn 2015- 2018, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ các doanh nghiệp sẽ cùng liên kết hỗ trợ khoảng 50% kinh phí thực hiện 245ha mô hình mẫu về sản xuất mắc ca giống ( 15- 20 mô hình), cùng hao2n chỉnh quy trình mẫu về thâm canh mắc ca trồng xen và trồng thuần ( khoảng 100 mô hình). Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn tiến hành lồng ghép với các chương trình, dự án khác để phát triển cây mắc ca giai đoạn 2015- 2020 như: Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Dự án Phát triển cơ sở sản xuất giống cây công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các chương trình khuyến nông, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Ông Lê Văn Liền, Giám đốc Dự án Mắc ca Lâm Đồng cho biết thêm, Tập đoàn Him Lam đang triển khai dự án xây dựng 10 ha vườn ươm giống mắc ca chất lượng cao tại phường Lộc Tiến, Bảo Lộc; riêng ở huyện Đức Trọng, Tập đoàn Him Lam còn xây dựng mới 2 khu vực làm vườn ươm và nhà máy chế biến mắc ca với dây chuyền máy móc hiện đại ( diện tích mỗi khu vực từ 5- 10ha), đạt tổng sản lượng nguồn giống thực sinh xuất vườn trong 5 năm tới khoảng 6 triệu cây, tương đương với diện tích trồng mới trên 200.000ha. Và Him Lam cũng cam kết giải ngân kịp thời, đầy đủ và bảo hiểm nguồn vốn của nông dân vay LienVietPostbank dài hạn để trồng, thu hoạch mắc ca và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch.  
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, với quy mô diện tích đất nông nghiệp hiện có của Lâm Đồng khoảng trên 300.000 ha thì việc quy hoạch 22.025ha mắc ca trong 5 năm tới là hướng đến sự phát triển vững chắc hơn, đặc biệt chú trọng tạo lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và giá thành. Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ khảo sát lại toàn bộ nguồn giống mắc ca đang sinh trưởng, từ đó chọn ra những loại giống chất lượng và hiệu quả nhất để triển khai trồng đại trà, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên từng địa bàn. 
Và cũng qua khảo sát sẽ tiến hành “nâng cấp” các vườn mắc ca mẫu đã đạt năng suất, chất lượng cao, làm cơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh, nhân rộng các quy trình kỹ thuật chăm sóc để chuyển giao rộng rãi thích hợp trên mỗi vùng sản xuất khác nhau./.
THÁNG 4/2015