Ghi chép: VĂN VIỆT
Thưởng thức ly cà phê sóng sánh cánh hoa
và ngọn thông Đà Lạt, “thượng đế” được cảm nhận tròn vị mặn thanh của biển hòa
quyện với hương đắng thơm của rừng. Và khi lắng đọng tâm hồn dõi theo câu
chuyện tình cà phê muối, một phần ký ức riêng mình bất chợt quay về…
Tinh khiết cà
phê muối
Nghe kể nhiều giai thoại về quán cà phê muối ( salt
coffee) ở đường Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt mà mãi sau một năm hoạt động, tôi mới đặt
chân đến làm khách– dù chỉ cách nhà ở không quá năm phút xe máy. Nếu hỏi vì sao
vậy thì viện đủ lý lẽ trả lời, nhưng trong đó có lý do về lứa tuổi “tri thiên
mệnh” đã không không thuyết phục chính tôi khi được mời ngồi trên chiếc ghế gỗ
mô phỏng hình chiếc ghế đá công viên. Cả không gian 60 mét vuông bố trí gần 10 bộ
bàn ghế với 10 chiếc guitar thùng. Màu trắng của cát, màu xanh của sóng biển
dập dờn, màu vàng lung linh của những ánh đèn lồng đan bằng cây lồ ô xứ núi. Người
phục vụ đưa cho khách tôi một trang giấy trắng A4 ép nhựa trong suốt, xuất hiện
lên trên những dòng chữ in đậm về chuyện tình cà phê muối: “Dạ, có 4 loại cà
phê arabica Đà Lạt pha chế với muối biển tinh khiết, xin được mời dùng…” Tôi
nhìn thực đơn mỗi ly cà phê đen và ly cà phê sữa có giá từ 18.000 đồng đến 42.000
đồng. “Cho một ly cà phe đen pha phin…”- Tôi gọi. Nhân viên quán cười tươi: “Dạ,
ở đây cà phê bột arabica xay hạt nhân và hòa tan tại chỗ với vị muối mặn. Quý
khách không phải chờ nhỏ xuống từng giọt cà phê như những quán khác… ”
Tôi đọc chưa hết đoạn mở bài câu chuyện tình của cà
phê muối, người phục vụ đã mang đến một ly cà phê đen ấm nóng. Nhâm nhi từ vài
ngụm đầu tiên cho đến những giọt cuối cùng, dù cố giữ lại thật lâu nơi chót
lưỡi, tôi thật khó phân tách trong cảm nhận của mình đâu là vị mặn thuần của
muối và đâu là vị đắng thuần của cà phê, bởi đã trung hòa thành một mùi hương
khác biệt – mùi hương tinh khiết cà phê muối Đà Lạt…
Cộng sự tật
nguyền
Khi tôi ngỏ lời được tiếp xúc với người chủ quán cà
phê muối Đà Lạt, nhân viên đứng quày tiếp tân cung cấp số điện thoại của nam
thanh niên Đặng Đình Quý ( sinh năm 1984), một người tật nguyền bại não lúc
tuổi mới lên ba. Sau 3 hồi chuông đổ, Quý nhấc máy. Tôi nghe cả tiếng gió biển
ùa vào từng cơn. Thì ra, Quý đang đàm phán liên kết xây dựng một cửa hàng cà
phê muối Đà Lạt tại Khu Du lịch Cảng Kê Gà của thành phố Phan Thiết. Hôm sau
trước khi về Đà Lạt hẹn gặp tôi, Quý ghé lại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh
cũng với việc thỏa thuận mở thêm quán cà phê muối Đà Lạt thứ 3 nữa. “Em và các
bạn cùng cố gắng mở rộng hợp tác để cho ra đời thêm các cửa hàng chi nhánh cà
phê muối ( salt coffee) Đà Lạt – thương hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp
Chứng nhận bảo hộ độc quyền…”- Quý chia sẻ với âm giọng không tròn trịa của
người khuyết tật.
Buổi sáng chủ nhật cuối năm, tại quán cà phê muối Đà
Lạt, tôi bắt tay “chào ông chủ” thì bất ngờ nhìn thấy Quý không vui. “Quán có 3
người cùng góp vốn kinh doanh. Gọi em là người cộng sự của quán, em thấy thích
hợp vai trò của em hơn…”- Quý chân thành. Nhưng thật tình thì Quý đang đứng tên
chủ quán và “chủ ý tưởng” “salt coffee” này. Chuyện bắt đầu từ tháng 12 năm
ngoái, một nữ cộng sự quyết định rời bỏ công việc lương cao ở một công ty nước
ngoài để lên Đà Lạt cùng kể một câu chuyện tình ngọt ngào của…cà phê muối. Câu
chuyện cuốn hút từ giới trẻ đến giới trung niên và cao niên. Rằng cô gái xinh
đẹp đã nhận lời tỏ tình của một chàng trai rất đỗi bình thường từ “nguyên cớ”
ly cà phê muối. Và họ đã thành vợ chồng chung sống bên nhau trọn đời với ly cà
phê muối mỗi sáng. Vị mặn của muối với vị đắng của cà phê xúc tác với nhau
thành một chất men tình yêu hòa hợp không thể rời xa.
Vậy là 250 triệu đồng vốn đầu tư từ 3 thanh niên gồm
Quý, cộng với một cộng sự nữ và một cộng sự nam đã huy động từ nhiều nguồn khác
nhau, tiến hành thuê một mặt bằng 60 mét vuông trên đường Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt để
khởi nghiệp bán cà phê muối. Trước đó, Quý đã đưa 3 nhân viên (bạn thời sinh
viên) đi học nghề 3 tháng pha chế cà phê muối ở Sài Gòn. Quán khai trương tương
đối nhiều khách trong những tháng đầu và đáng mừng đã duy trì ở mức ổn định doanh
thu cho đến ngày nay. Tuy nhiên, so với yêu cầu kinh doanh của cả nhóm đặt ra
thì tỷ lệ thành công mới đạt khoảng 65%, hợp thành từ các yếu tố chính như:
thương hiệu cà phê muối duy nhất của Việt Nam kể một câu chuyện tình; cà phê
xay hạt nhân trực tiếp tại quán là nguyên hạt cà phê arabica Cầu Đất, Đà Lạt
với chất lượng thơm ngon hàng đầu thế giới; một không gian cà phê thưởng ngoạn
ấn tượng bởi thiết kế của nhóm sinh viên Đại học Yersin Đà Lạt vô địch toàn
quốc SV 2012…Còn lại tỷ lệ 35% chưa đạt về hạch toán lợi nhuận, về chiến lược
thị trường trước mắt và lâu dài, về nguồn vốn đầu tư chiều sâu…
Tôi đọc đâu đó về chiến lược kinh doanh phải giành ra
một khoản tiền đầu tư năm năm, mười năm không lãi để đưa thương hiệu của mình thân
thuộc với khách hàng. Với thương hiệu cà phê muối Đà Lạt tròn vị mặn- đắng chỉ
sau một năm hình thành và phát triển đang được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn
mạng xã hội trong và ngoài nước, nhưng chưa nhiều người biết rằng, người tạo
dựng là một chàng trai khuyết tật với tuổi “tam thập” cân nặng chưa tới 40kg,
tay chân run rẩy không tự lái xe máy được, đã trải qua một quãng đời vượt lên
bao nghịch cảnh chính mình để “chen vai, thích cánh” lấy tấm bằng cử nhân du
lịch. Và xin được cảm phục nhắc lại tên một lần nữa, đó là chàng trai Đặng Đình
Quý có hộ khẩu thường trú tại xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng./.
THÁNG 12/2014