Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Lời tâm huyết cho hoa

VĂN VIỆT
Sau hơn 20 năm, người trồng hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận đã chung tay làm nên một cuộc thay đổi lớn về nghề nông công nghệ cao. Theo mỗi lộ trình lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn nhất, những lời tâm huyết từ cơ quan nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp luôn luôn trợ giúp cho nhà nông vững bước với ngàn hoa.

Thềm nhà có hoa
Ngày cuối năm, tham quan dãy nhà kính của anh Bùi Phú Quốc (sinh năm 1974) ở Thái Phiên, Đà Lạt trông thật bắt mắt với thảm cây xanh nối liền với thảm hoa cúc vàng tít tắp. Quốc cho biết, trên 0,8 ha diện tích nhà kính của mình đã giành riêng 1.500 mét vuông trồng hoa cát tường và 1.500 mét vuông trồng hoa cúc đón tết Ất Mùi 2015. “Năm nay em dự định trồng khoảng 1.500 mét vuông hoa lily, nhưng thấy xung quanh bà con trồng nhiều hơn diện tích hơn năm trước đến hơn 10%, nên đến giờ chuẩn bị xuống giống hoa tết, em chuyển từ hoa lily sang trồng hoa cát tường…”- Quốc nói. Ở Làng hoa Thái Phiên nói riêng, vùng chuyên canh hoa Đà Lạt nói chung, Quốc được biết đến là một nhà nông trẻ đã tự nghiên cứu tái canh có kết quả giống hoa cúc 2 lần nở. Qua một năm thâm canh hoa cúc chủ lực, giá bán có thời điểm giảm xuống khá sâu, nhưng nhìn chung vẫn đạt lãi vài trăm triệu đồng trên mỗi hecta. “Hoa trồng gần nhà. Hàng ngày, toàn bộ công việc của em là…ở bên hoa… ”- Quốc chia sẻ.
Cạnh thềm hoa của anh Bùi Phú Quốc là nhà hoa của nông gia “U 60” Lê Văn Quý. Vỏn vẹn chỉ 1.800 mét vuông đất nhà kính, hộ ông Quý vẫn tập trung đầu tư “chuyên biệt” 1.000 mét vuông chuyên canh hoa cúc đón tết Ất Mùi 2015. Nhẩm tính lại vườn hoa cúc của mình trong cả năm 2014, những ngày được giá bù lại những ngày mất giá, trung bình đạt lãi từ 500 - 700 đồng/cành. Rồi nhân 1.000 mét vuông đất trồng với 50.000 cây thì cũng đạt thu nhập tương đối cao hơn trồng các loại rau xanh khác. “Tôi trồng hoa cúc theo cách cuốn chiếu, một năm thu hoạch thành 4 đợt, nối liền thu nhập 3 tháng mỗi lần, cơ bản không phải thiếu hụt chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày… ”- ông Quý thật tình.
Đó là hai nông dân với tuổi đời cách nhau một thế hệ 20 năm đều say mê với nghề hoa công nghệ cao Đà Lạt. Nếu còn có thêm diện tích đất ở Làng hoa Thái Phiên, cả hai nói sẽ duy nhất chọn cây trồng để “sống đời” với mình là hoa. Ước tính với mốc thời gian 10 năm qua, Làng hoa Thái Phiên đã đạt con số đột phá ấn tượng về sản lượng hoa cắt cành – mỗi năm từ 50 triệu cành tăng lên 450 triệu cành. Tất nhiên để đạt sản lượng này thì diện tích trồng hoa nhà kính Thái Phiên đã mở rộng từ khoảng 40 ha lên hơn 320ha.
Quanh quẩn nội tiêu
Thống kê năm 2014, sản lượng hoa trong toàn tỉnh Lâm Đồng hơn 2.350 triệu cành, tăng hơn 250 triệu cành so với năm 2013. Tương ứng với sản lượng hoa cắt cành tăng là diện tích canh tác cũng tăng từ 6.300ha năm 2013 lên gần 7.000ha vào năm 2014. Trong đó riêng thành phố Đà Lạt chiếm gần 70% diện tích và 74% sản lượng hoa cả tỉnh Lâm Đồng. Với trên 400 loài hoa gồm hàng ngàn giống hoa có nguồn gốc nhập về từ 5 châu lục trên toàn cầu, bên cạnh Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt đã hình thành và phát triển những làng hoa nổi tiếng trong và ngoài nước như Hà Đông, Vạn Thành, An Sơn…đạt doanh thu trên 01ha mỗi năm từ 500 triệu đồng đến 01 tỷ đồng trở lên…
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến sản lượng tiêu thụ trong năm 2014 thì hoa Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn cứ quanh quẩn ở “sân nhà” với tỷ lệ 85- 90% ( chiếm phần lớn thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội); còn lại tỷ lệ xuất khẩu mới đạt từ 10- 15%, thực tế vẫn chưa tương xứng với giá trị tiềm năng của vùng đất Nam Cao nguyên có khí hậu ôn đới và á nhiệt đới. Lý giải điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, do thiếu vốn đầu tư sản xuất hoa công nghệ cao ( khoảng 150 triệu đồng/0,1 ha nhà kính), trình độ sản xuất của nông dân chưa đồng đều, diện tích đất sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, bình quân mới đạt 0,1- 0,3 ha/hộ, không đủ thu hoạch sản lượng lớn hoa cắt cành để xuất khẩu theo đơn đặt hàng mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc bảo quản hoa sau thu hoạch của hộ gia đình vẫn còn sơ sài. Chủ yếu cắt gốc, tỉa lá rồi đóng thùng carton chở đến nơi tiêu thụ, dẫn đến cành hoa mất nước nhanh, tuổi thọ ngắn, không đáp ứng yêu cầu đưa ra thị trường nước ngoài. Còn đối với doanh nghiệp ngành hoa trong nước, đa số vẫn còn gặp nhiều hạn chế nhiều mặt khi tham gia xuất khẩu hoa. Cũng theo “lời” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thì những nguyên nhân “hạn chế nhiều mặt” ở đây là “thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu chuyên gia tư vấn sản xuất hoa chất lượng cao, thiếu hiểu biết về thị trường hoa quốc tế, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu chiến lược quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm, thiếu quy trình bảo quản hoa đạt chất lượng sau thu hoạch….”  
Và đây là lời của anh Võ Đức Trung (người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt), đại diện Công ty cổ phần Thái Sơn, một doanh nghiệp trồng và xuất khẩu hoa tươi Đà Lạt : “…Một số người trồng hoa ở địa phương chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất hoặc chưa nhận thức đúng về các yêu cầu kỹ thuật, chưa đầu tư đồng bộ về nguồn giống tốt, quy trình trồng phù hợp, nguồn nước sạch, nhà kính thông thoáng…nên sản phẩm làm ra không đạt các tiêu chuẩn chung về cành hoa xuất khẩu như độ dài, độ tươi lâu, sạch sâu bệnh…”     
Lợi thế hoa cao nguyên
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có những lời phân tích về những đặc trưng lợi thế của ngành hoa Đà Lat – Lâm Đồng. Đó là có thể trồng nhiều vụ hoa trong năm, trồng được hầu hết các loại hoa trên thế giới trong một vùng sinh thái mà các địa phương khác trong nước không trồng được. Bởi vậy, thời gian tới, chủ trương của tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục “khuyến khích và ban hành các chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các tổ chức và cá nhân tạo ra những giống hoa và cây cảnh mới có giá trị cao, độc đáo, mang tính độc quyền của Đà Lạt- Lâm Đồng”
Cụ thể hóa về những lợi thế đặc trưng của các loài hoa sản xuất trên cao nguyên Đà Lạt – Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ xuất khẩu hoa trên 30% tổng sản lượng. Giải pháp trọng tâm xuyên suốt là rà soát và điều chỉnh quy hoạch sản xuất hoa công nghệ cao phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và trình độ canh tác của nông dân ở từng khu vực trong tỉnh Lâm Đồng. Như Đà Lạt, Lạc Dương chuyên canh các loài hoa cao cấp gồm địa lan, phong lan, lily, hoa hồng, đồng tiền, sa lem, sao tím, cúc, cẩm chướng, hoa chậu…Đơn Dương, Đức Trọng ưu tiên phát triển hoa lay ơn, mở rộng diện tích hoa cúc, cẩm chướng, hồng môn. Lâm Hà tập trung sản xuất phong lan, địa lan, cúc, cẩm chướng. Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh trồng hoa phong lan. Triển khai các chương trình hợp tác quốc tế và các chính sách hỗ trợ khác để huy động nhiều nguồn lực hơn nữa cho ngành sản xuất hoa Lâm Đồng không ngừng phát triển.
Thay cho lời kết bài viết này, theo chúng tôi, để giúp người trồng hoa khai thác lợi thế so sánh trên từng khoảnh vườn đạt hiệu quả cao nhất, vai trò của các cơ quan nhà nước trong tỉnh Lâm Đồng cần luôn chủ động tư vấn về nguồn gốc giống, đặc điểm giống, dự báo thông tin về công nghệ, về thị trường, đồng thời kịp thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm thuế nhập khẩu các máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu tư…Tin rằng năm mới 2015, những lời tâm huyết cho hoa Đà lạt- Lâm Đồng nâng cao phẩm cấp, giá trị trên thương trường trong và ngoài nước sẽ dần trở thành hiện thực./.  
THÁNG 01/2015