VĂN VIỆT
Mới đây, thăm cơ sở sản xuất nấm Đông
trùng hạ thảo nằm trên đường Yersin, Đà Lạt, tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá cao về kết quả nuôi cấy thành công một loài dược thảo
đỉnh cao này, đồng thời gợi mở hướng phát triển mới loại hình du lịch sinh thái
công nghệ cao của Đà Lạt
Cử nhân công nghệ sinh học, anh Lê Tuấn Anh hướng dẫn
chúng tôi tham quan khuôn viên sản xuất Đông trùng hạ thảo rộng 1.600mét vuông,
tọa lạc trong khu dân cư mới thuộc đường Yersin, Đà Lạt. Đây là Chi nhánh của
Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc (trụ sở chính tại Hà Nội) đi vào hoạt động
hơn 6 tháng qua, bước đầu cơ sở đã xuất bán ra thị trường hàng tháng khoảng 20
ngàn lọ thành phẩm, gồm 2 dòng sản phẩm chính là cơ chất ( giai đoạn nấm vừa
nhú mầm) và hệ sợi ( nấm phát triển thành từng sợi dài trên dưới 05cm). Để tạo
ra một đơn vị thành phẩm này, cơ sở phải vận hành quy trình trong suốt 90 ngày,
từ công đoạn ủ nguyên liệu đến hấp bằng lửa than đá 100 độ C rồi chuyển qua khu
vực chờ nguội, cuối cùng là phòng nuôi cấy trong nhà lưới với các thiết bị tạo
ẩm độ, tưới nước tinh khiết tự động…Tất cả khu vực sản xuất đều qua các hệ
thống khử trùng tuyệt đối, trong đó có hệ thống đèn cực tím với công suất được
điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm, khối lượng thành phẩm khác nhau.
Toàn bộ nguyên liệu để sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo
ở Đà Lạt gồm 98% là gạo và các chất ngũ cốc khác trồng cấy trên đất Lâm Đồng;
02% còn lại là các chất bổ sung thuộc bản quyền nghiên cứu, chế biến của Công
ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc. Nói về đặc trưng của nấm Đông trùng hạ thảo
sản xuất tại Đà Lạt so với nấm Đông trùng hạ thảo trong tự nhiên, anh Lê Tuấn
Anh phân tích: Nấm Đông trùng hạ thảo được phát hiện ở vùng cao nguyên Tây
Tạng, Tứ Xuyên của Trung Quốc từ rất lâu, được miêu tả khoa học vào giữa thế kỷ
19. Đây là một loài nấm ký sinh trên các loài sâu trong tự nhiên trong suốt mùa
đông lạnh lẽo. Đến cuối xuân và đầu hè nóng ấm, nấm ăn hết chất dinh dưỡng
trong cơ thể con sâu, làm con sâu chết, rồi mọc lên thành các sợi thực vật trên
mặt đất. Là một loài đông dược quý hiếm, Đông trùng hạ thảo có tác dụng bồi bổ
sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch cho con người…
Công ty cổ phần Dược thảo Thiên
Phúc sản xuất thành công nấm Đông trùng hạ thảo từ năm 2011, thay thế dưỡng
chất trong con sâu bằng cơ chất tổng hợp (tinh bột) để đạt hàm lượng dược chất
cao hơn nhiều so với dược chất phát triển trong tự nhiên. Đặc biệt ở Đà Lạt có
độ ẩm cao, nhiệt độ ôn hòa và biên độ dao động thấp, nguồn ánh sáng tự nhiên không
nóng bức…là những điều kiện lý tưởng để nuôi cấy Đông trùng hạ thảo, nên đã giảm
đáng kể các chi phí làm lạnh, can thiệp độ ẩm…như sản xuất trong môi trường xứ
nóng.
Ngày 24/11/2014, Cục An toàn thực phẩm ( Bộ Y tế) xác
nhận sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc sản
xuất phù hợp với quy định an toàn thực phẩm ( thời hạn 3 năm công bố một lần). Riêng
nhãn hiệu Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc Đà Lạt được sản xuất tại 3 khu vực- bên
cạnh khu vực đường Yersin là khu vực gần thác Cam Ly và gần thác Prenn. Hiện
tại với năng suất nuôi cấy 20.000 lọ Đông trùng hạ thảo mỗi tháng mang nhãn
hiệu Thiên Phúc, Đà Lạt, chiếm tỷ lệ 50% bán cho các đơn vị chế biến dược liệu
trong nước, 30% xuất khẩu sang Đức và Thái Lan, 20% tiêu thụ trong nước. Riêng
trong tháng 12/2014 vừa qua, hàng chục đoàn khách du lịch trong nước đã đến tận
nơi tham quan và mua về hơn 1.000 lọ Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc Đà Lạt.
“Với chất lượng dược tính tương đương với nhau, nhưng Đông
trùng hạ thảo Thiên Phúc, Đà Lạt luôn bán ra giá thấp hơn từ 50% trở lên so với
Đông trùng hạ thảo cùng loại nhập nhập về các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật
Bản, Hàn Quốc…”- phụ trách cơ sở Thiên Phúc Đà Lạt, anh Lê Tuấn Anh khẳng định.
Mục tiêu mở rộng sản xuất Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc Đà Lạt vừa thông qua
là: 6 tháng đầu năm 2015 đạt 100.000 lọ/tháng; cuối năm 2015 đạt 1 triệu
lọ/tháng. Đã có một bộ phận người lao động có mức thu nhập phổ thông trong nước
tìm mua Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc Đà Lạt về sử dụng pha trà, ngâm rượu, nấu
cháo, hấp cơm…với dòng sản phẩm tươi, giá 600.000 đồng/lọ./.
THÁNG 01/2015