Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Phố lo mùa không mưa

Phóng sự VĂN VIỆT
Khi mùa đông lạnh lẽo ùa về thì cùng lúc Đà Lạt đón chào mùa khô cao điểm kéo dài đến nhiều tháng tới. Đây là mùa lễ hội mong chờ trong năm, mùa của các loài hoa mai anh đào, phượng tím, hoa ban…đua nhau nở rộ khắp phố Đà Lạt. Nhưng ở Tổ Dân phố Hòn Bồ thuộc phường 12 của thành phố du lịch này lại rơi vào mùa bức bối nhất vì thiếu trầm trọng nước ăn, nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày. 


Chắt chiu từng gáo nước mưa
Đã một tuần cuối cùng của năm cũ 2014 trôi qua mà trời chỉ cho vài làn mưa sương buổi chiều ở Tổ Dân phố Hòn Bồ ( phường 12, Đà Lạt), khiến cụ bà tuổi gần thất thập cứ hết nhìn lên mây cao rồi lại nhìn xuống vùng trũng thấp, lo lắng, bồn chồn không yên. Cụ kể lể: “ Chừng 3 ngày nữa mà trời không mưa thì phải xách can nhựa xin nước máy của nhà người ta ở dưới chân dốc Hòn Bồ. Thật rõ khổ, không biết còn làm phiền người có nước máy đến khi nào đây…” Ở giữa 2 bể nước của nhà cụ bà có một chiếc thùng to đựng chén bát, xoong nồi, rổ rá…dùng nấu nướng, chế biến thức ăn ngày hôm trước vẫn phải chờ thêm một bữa cơm tối ngày hôm nay nữa mới gom hết, rửa sạch một lần. Vì lượng nước mưa còn trữ lại nằm sát đáy bể, nên kể cả việc tắm giặt cho hơn mười thành viên trong nhà cụ bà cũng đành phải chắt chiu, phân phối năm, bảy ngày một lần.
Cụ bà đứng tên trong sổ hộ khẩu gia đình ở Tổ Dân phố Hòn Bồ là Nguyễn Thị Huệ, hiện cư trú qua lại 2 căn nhà gỗ xây liên kế đã gần 25 năm. Quây quần bên cụ bà gồm 3 cặp vợ chồng con dâu, con rể với 7 cháu nội, ngoại ( từ 3 tuổi đến 15 tuổi), ngày ngày ăn uống, sinh hoạt với 1 bể nước xi măng và 1 bể nước nhựa. Bể xi măng xây dựng khoảng 2 năm (cao 1,5m, rộng 2m, dài 2,5m), bơm nhờ nước từ giếng khoan của một hộ gia đình nằm dưới thung lũng sâu, cách nhà già nửa cây số. 
Bể nhựa 1.000 lít mua về hơn 5 năm chứa nước mưa trên 2 mái tôn hoen rỉ chảy xuống những đường ống treo lủng lẳng trước hiên nhà. Cụ Huệ ca cẩm: “Hộ tôi và 3 hộ ở gần sát đây, góp mỗi hộ hơn 6 triệu đồng mua mô tơ, kéo đường ống nối bể chứa nước giếng khoan dẫn lên nhà với chiều dài năm, sáu trăm mét. Hàng tháng mỗi hộ gia đình gửi cho người chủ giếng khoan 150 ngàn đồng tiền điện bơm nước. Nhưng khi trời không mưa đến 10 ngày thì các mạch nước chảy ngầm trong giếng khoan đều cạn khô, không còn đường nào khác, các hộ gia đình chúng tôi phải múc hết những gáo nước mưa dự trữ cuối cùng trong bể ra dùng…. ”
Mạch nước Hòn Bồ - quá khó!
Cách nhà cụ bà Huệ mấy chục bước chân là nhà cụ bà Sễ có chiếc giếng đào lâu lắm rồi mà vẫn trong cảnh đủ nước…trong mùa mưa. Hỏi độ sâu bao nhiêu, bà Sễ ước chừng 15, 16 bọng giếng xếp chồng lên nhau (mỗi bọng giếng cao khoảng 01 mét). Bà nói, hình như cái giếng nhà bà chỉ đón lấy nước “mạch ngang”, nên mùa khô bơm lên rất khó khăn mới kiếm được vài xô đem vo gạo nấu cơm. Phần lớn việc ăn uống, tắm giặt trong gia đình bà đều dựa vào nguồn nước mưa hứng ngoài trời và dẫn qua đường ống đặt ngầm dưới mặt đất ba, bốn mươi phân. Tương tự, hộ gia đình ông Bùi Văn Sế ( ở con dốc chạy song song với nhà bà Sễ) sở hữu cái giếng đào sâu hoắm hơn mười lăm mét mà thường bơm được nước lên bể chứa khi…mùa mưa đến. 
Mùa khô thì mãi đến hai, ba ngày mới bật công tắt mô tơ điện tiền triệu để “vắt ra” chưa tới “đôi mươi” gầu nước. Hộ ông Sế cũng không “ngoại lệ” giữa tình cảnh “khát nước” sạch của người phố Hòn Bồ, khi 10 ngày trời không mưa thì 5 nhân khẩu trong nhà phải “ăn nhờ” nguồn nước giếng khoan của “người phố” giáp ranh - qua chiếc bể “trung chuyển” cách nhà non trăm mét. Bể này đào sâu dưới lòng đất, bọc lót sơ sài bằng tấm ni lông giữ nước, nhưng bề mặt lại để trống trơn giữa một thửa vườn trồng rau ngoài trời, phó mặc cho gió bụi, sương sa.
Mơ ước một ngày sẽ không lệ thuộc vào nước mưa và “nước nhờ”, trong năm 2013, có 8 hộ dân ở Hòn Bồ gom tiền được 45 triệu đồng thuê dịch vụ giếng khoan về thăm dò và thi công. Nhà hộ ông Dương Văn Danh tự nguyện hiến gần 10 mét vuông đất làm khu vực khoan giếng, bố trí máy bơm, xây dựng hệ thống đường ống, lợp mái che…Sau hơn một tháng với kinh nghiệm của đội giếng khoan nhà nghề vận hành các thiết bị chuyên dùng, những tia nước ngầm độ sâu 80m đầu tiên phun lên mặt đất như mưa rào. Tuy nhiên, lúc “niềm vui ngắn chẳng tày gang” thì đường nước bơm bỗng dưng yếu dần đến vài ngày sau tắc nghẽn hẳn. Người Hòn Bồ buồn xo vì tiền mất, nước không có; còn đội khoan giếng ra về với các câu hồi đáp gọn lỏn: “bất lực, vô phương”! “ Nghĩ cho cùng thật tội nghiệp đội giếng khoan đã chịu lỗ chẳng hề nhỏ. Bởi khoan giếng không thành công thì không được thanh toán đủ khoản tiền hợp đồng ban đầu !  ”- ông Danh chia sẻ rồi bước sang một bên góc vườn, cầm lên cho tôi xem những ống đá tròn vo màu tro nhạt - bằng chứng để lại của đội khoan giếng cho thấy, mặc dù đã khoan khá sâu dưới lòng đất Hòn Bồ mà vẫn quá khó gặp đúng đường mạch chính nước ngầm.  
Mơ 500m đường ống nước máy
Bí thư Chi bộ Tổ Dân phố Hòn Bồ, ông Nguyễn Cho vừa chấm dứt dự định khoan cái giếng mới trước sân nhà mình. Nguyên nhân là “sợ” cộng thêm một cái giếng khoan không có mạch nước ở đất Hòn Bồ. Bởi trước đây gần 4 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lặn lội về khảo sát, triển khai khoan một trong hai cái giếng rồi cũng…để đó không nước. “ Tổ Dân phố Hòn Bồ họp dân thống nhất chọn 2 địa điểm tập trung dân cư đông nhất để Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thi công khoan 2 cái giếng sử dụng chung. 
Chẳng ngờ khoan xong, đặt máy bơm hút mãi vẫn không thấy dòng nước nào… ”- Bí thư Hòn Bồ, Nguyễn Cho nói và cho biết thêm, từ khi hình thành khu dân cư Hòn Bồ đến nay xấp xỉ 30 năm, người dân đã thuê nhiều đội thợ tay nghề cao ở các nơi về gặp may khoan được 7 cái giếng có nước. Nhưng đến giờ do tốc độ nước bơm lên thường xuyên chậm chạp, nhất là trong mùa khô, trong một gia đình bốn, năm nhân khẩu với 1 cái giếng khoan bắt buộc phải tiết kiệm tối đa nhất mới không bị gián đoạn thời gian…“sinh hoạt nước”. Chờ đến những ngày mùa mưa lớn, nước mạch dâng cao hơn, mỗi cái giếng khoan bơm hết công suất thì cấp nước tương đối đủ dùng cho ba, bốn hộ gia đình ở lân cận xung quanh. Tuy nhiên cách đây chưa xa, cơ quan y tế của thành phố Đà Lạt xuống kiểm tra, phát hiện các mẫu nước của 2/7 giếng khoan này không đảm bảo ở ngưỡng an toàn thực phẩm.

Tôi không muốn hình dung hơn 100 hộ gia đình (hơn 500 nhân khẩu) còn lại ở Tổ Dân phố Hòn Bồ sẽ tự bảo vệ sức khỏe của mình như thế nào khi không có giếng khoan riêng mà vẫn quanh năm, suốt tháng sinh sống với “giếng nước mưa”. Nhưng tôi rất muốn giấc mơ 500 mét đường ống nước máy đấu nối từ dưới “tổ dân phố láng giềng” lên Tổ Dân phố Hòn Bồ sẽ sớm và rất sớm thành hiện thực. Có thể rất nhiều lý do đã và đang viện dẫn ra đây, nhưng thiết nghĩ sẽ không bao giờ nêu được một lý do nào thuyết phục - nếu còn một ngày, người dân “phố Hòn Bồ”, Đà Lạt vẫn ngong ngóng “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…”./.    
THÁNG 12/2014