VĂN VIỆT
Người sản xuất sinh vật cảnh ở Đà Lạt,
Di Linh đã và đang tiếp cận các quy trình kỹ thuật “thuần dưỡng” mới hơn 50
loài lan rừng đặc hữu của Lâm Đồng, hy vọng có thêm một nguồn thu nhập quan
trọng cho kinh tế hộ gia đình.
Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Ứng dụng Nông
nghiệp công nghệ cao Đà Lạt: Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên với
hệ thực vật đa dạng và phong phú, trong đó bao gồm khá nhiều loài lan rừng đặc
hữu quý hiếm, phân bổ trên hầu khắp các khu rừng trong tỉnh. Từ năm 2006 đến
năm 2008, Viện Sinh học Tây Nguyên (đứng chân tại Đà Lạt) đã thu thập khoảng
210 loài lan rừng Lâm Đồng thì có đến 110 loài đặc hữu quý hiếm được xác định
tên khoa học. Những năm gần đây, nhiều loài lan rừng đã được “thuần dưỡng” từ
nước ngoài “nhập cư” về với số lượng đáng kể, nhưng theo thời gian, lan rừng
Lâm Đồng vẫn luôn chiếm ưu thế cạnh tranh nhờ tính đặc hữu về sắc màu, độ bền
của hoa, nên thường đạt giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên trước tình trạng xâm
phạm những cánh rừng vẫn chưa hết xảy ra ở Lâm Đồng, không ít loài lan rừng đặc
hữu ( trong đó có loài quý hiếm ghi trong Sách Đỏ) thường xuyên suy giảm nghiêm
trọng vì bị thu hẹp không gian sinh tồn.
Để bảo tồn và từng bước nhân rộng nguồn gene lan rừng
đặc hữu có giá trị hàng hóa ngày càng tăng ở Lâm Đồng, Ban Quản lý Khu Công
nghệ sinh học và Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt đã xây dựng 03 mô
hình ở thành phố Đà Lạt và 01 mô hình ở huyện Di Linh để đưa khoa học kỹ thuật
mới vào nghiên cứu “thuần dưỡng”, từ đó hoàn chỉnh quy trình trước khi chuyển
giao rộng rãi cho người sản xuất trên từng khu vườn nhà. Tất cả 04 mô hình mẫu
“thuần dưỡng” lan rừng Lâm Đồng đều đã đáp ứng các điều kiện: diện tích nhà
kính, nhà lưới tối thiểu từ 100 - 300m2/mô hình; có lắp đặt giàn treo, hệ thống tưới nước và
thoát nước trong điều kiện bán tự nhiên…Mỗi mô hình được vốn nhà nước hỗ trợ 200
chậu lan rừng trên 02 năm tuổi (từ 07- 20 đơn vị/chậu), được chọn chăm sóc từ 51/110
loài lan đặc hữu quý hiếm ở Lâm Đồng do Viện Sinh học Tây Nguyên thu thập nói
trên.
Sau từ 6- 9 tháng vừa thực hành vừa bổ sung kỹ
thuật mới, với 51 loài lan rừng sưu tập cho mỗi mô hình đã mang lại những tín
hiệu khả quan. Ở mô hình thứ nhất với diện tích 150m2 khung gỗ, nhà lưới 2 tầng che sáng 50%, tọa lạc bên
hồ nước, đảm bảo những thông số cơ bản về độ ẩm, độ thông thoáng cho lan rừng
sinh trưởng đạt yêu cầu mỗi ngày. Tùy theo mỗi loại lan rừng, mô hình ở đây đã
phối trộn các loại giá thể dớn sợi, dớn bảng chặt nhỏ với than đen rồi “đong”
vào từng chậu sành sứ, chậu gỗ và chậu nhựa - tỷ lệ giữa 1 phần than trộn chung
từ 3 đến 5 phần dớn - để phát triển bộ
rễ khỏe mạnh, có khả năng hút đủ chất dinh dưỡng lên nuôi thân, lá và hoa. Đồng
thời tiến hành bó chặt từng giò lan rừng trên đoạn thân cây dẻ và cây vú sữa
treo trên giàn hoặc cắm sâu vào chậu giá thể.
Sau nhiều tháng theo dõi, nhiều
tên hoa ở mô hình đầu tiên đã chứng tỏ hiệu quả đề kháng các loại sâu bệnh và
tăng trưởng với tốc độ nhanh như: Huyết nhung trơn, Long tu, Kim điệp, Lan
hương, Thủy tiên vàng, Hải vàng, Hỏa hoàng, Gấm Thượng Hải…Ở mô hình thứ hai nằm
trên diện tích rộng đến 1.000m2, môi trường bên trong nhà lưới với những hàng cây
cảnh bố trí bao quanh hồ nước, trên đó ở từng phần gốc, cành cây, các bảng dớn
giá thể được “đặt” lên cho lan rừng đeo bám và đã phát triển tươi tốt không
thua kém khi sinh trưởng tự nhiên trong rừng. Ở 2 mô hình còn lại, 51 loài lan
rừng được “canh tác” trên giá thể và giàn treo tương tự như mô hình 1 và 2, nhà
lưới che 50% ánh sáng mặt trời, kết hợp tưới phun tự động và tưới phun trực tiếp,
cũng được thu về những “chỉ số” mới về phát triển rễ, chồi, thân lá…
Kết quả 4 mô hình “thuần dưỡng” lan rừng đều cho hoa
đồng loạt trên vườn nhà với nhiều kích thước từ dạng nhỏ đến trung bình và lớn.
Bên cạnh loài lan nở ra đơn độc từng đóa hoa một như Lan hài vân, còn có những
loài lan nở ra từng chùm hoa như Kim điệp, Hải Yến, Hoàng thảo hạc vĩ, Dáng
hương thơm…Rồi rực rỡ nhiều sắc màu với Thanh đạm tuyết ngọc ( trắng tuyền), Hỏa
hoàng ( màu cam), Huyết nhung ( màu đỏ), Hoàng thỏa giả hạc ( tím hồng)…Và xuất
hiện các tên hoa nở lâu tàn là Huyết nhung trơn, Vân đa dạ hương, Tóc tiên
trung…Đến nay, toàn bộ quy trình mẫu về “thuần dưỡng” lan rừng vừa nêu, đã được
chuyển giao trực tiếp đến 40 hộ gia đình ở Đà Lạt và Di Linh và đang tiếp tục
nhân rộng trên các địa bàn lân cận./.
THÁNG 10/2014