Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Khi “người ngoài” tạo ra sản phẩm bản quyền

VĂN VIỆT
Là những “người ngoài” của các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học, họ vừa sản xuất vừa mày mò nghiên cứu tạo ra những sản phẩm bản quyền của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Lâm Đồng.

Cách đây mấy năm, Cơ sở Cơ khí Thanh Trị ( nay là Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thanh Trị) ở Liên Nghĩa, Đức Trọng chính thức đưa ra thị trường chiếc máy gieo hạt tự động thế hệ mới, nông dân vùng rau phía Bắc Lâm Đồng được thêm cơ hội lựa chọn những sản phẩm thay thế cho lao động chân tay lâu năm của mình. Theo thời gian đến nay, bản quyền máy gieo hạt tự động mang thương hiệu “Thanh Trị” đã thường xuyên cải tiến, giành nhiều giải thưởng quốc gia, giải thưởng khu vực, đồng thời được người nông dân tin dùng ngày càng nhiều hơn. Trước đó, anh nông dân Nguyễn Hồng Chương ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương sáng chế thành công hàng loạt máy sản xuất nông nghiệp khác nhau, đã trở thành một điển hình lao động sáng tạo toàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng, toàn quốc nói chung. Rồi các sản phẩm sáng chế đa dạng của nhiều nhà nông trong tỉnh Lâm Đồng, hiện vẫn đang sử dụng khá phổ biến trên từng cánh đồng lúa, bắp, cà phê…trên địa bàn như: chiếc máy cắt cỏ của ông Nguyễn Văn Tâm ( Cát Tiên); máy xạc cỏ cà phê của ông Nguyễn Thành Công và máy tách vỏ cà phê của ông Đặng Văn Bảy ( cùng ở Di Linh)…   
Bên cạnh những sáng chế các loại máy nông nghiệp đáng khích lệ của từng cá nhân, trong vòng 20 năm qua, Lâm Đồng đã phát triển gần 60 phòng nuôi cấy mô thực vật, trong đó chiếm trên 80% thuộc sở hữu của doanh nghiệp và hộ gia đình, đạt tổng nguồn vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, hoạt động cấy mô thực vật là một trong những “bộ phận đóng góp chủ lực cho sản xuất, nhân nhanh giống cây trồng sạch bệnh, chất lượng cao, phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ( sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, theo tiêu chuẩn VietGAP…)” Đặc biệt đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp nuôi cấy mô thực vật ở Lâm Đồng, về sau này thường tập trung vào những giống quý hiếm, đặc hữu của cả vùng đất của Tây Nguyên để nhân thành cây giống bản quyền ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Như Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quan do Thượng tọa Thích Huệ Đăng sáng lập từ những năm 80 của thế kỷ trước, nay đang tạo ra bước đột phá về công nghệ cấy mô thực vật. Đặc biệt trong đó, công ty đã nuôi cấy mô có kết quả giống Sâm Ngọc Linh Panax Vietnamensis, đồng thời hoàn chỉnh công thức phối trộn giá thể, đưa ra trồng ngoài vườn ươm đạt tỷ lệ cây khỏe, cây hình thành củ non lên đến hơn 75%, được Cục Sở hữu Trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền sáng chế. Nhiều giáo sư thuộc các trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc đã đến thăm và đánh giá cao về dây chuyền khoa học công nghệ khép kín của Phòng nuôi cấy mô, thuộc Công ty TNHH Hoa Thanh Quan.  
 Đáng kể thêm, với nguồn vốn hỗ trợ khoa học công nghệ của ngân sách nhà nước ( từ các đề tài, dự án khoảng 700 – 800 triệu đồng) cộng với nguồn vốn đối ứng của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ở Lâm Đồng, đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng nhiều quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo ra những dòng sản phẩm mang lợi thế so sánh đặc trưng của miền núi Lâm Đồng.
 Như vùng nguyên liệu nấm mang nhãn hiệu Đà Lạt, Lạc Dương đang thể hiện năng lực cạnh tranh ngày một nâng cao trên thương trường như: nấm đùi gà, nấm hương, nấm ngọc thạch, nấm mỡ, nấm hầu thủ…Hoặc ở vùng nông nghiệp Đức Trọng, Di Linh với sản phẩm chuối Laba đặc sản ( nhân giống cấy mô), không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, mà còn thâm nhập thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản. Và đó là trang trại phúc bồn tử hàng chục ngàn mét vuông của nông dân Huỳnh Trung Quân ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, đã tách lập các cây đột biến không gai để nhân nuôi cấy mô thành giống quý hiếm, đồng thời đưa ra vườn sản xuất đại trà với các quy trình riêng biệt, đạt hiệu quả kinh tế rất cao…
Việc xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ ở Lâm Đồng được các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia ngày càng nhiều, thực tế đã góp phần “ làm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao” như đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng./.
THÁNG 10/2014