VĂN VIỆT
Hơn 5 năm phát triển chuỗi liên kết giữa Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ môi trường Đà Lạt và Cơ sở Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Quốc Khánh Đức Trọng (Quốc Khánh Farm), đã cung cấp khối lượng lớn phôi nấm và chuyển giao kỹ thuật sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận.
Phiên chợ Rau- Hoa diễn ra trong
khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X- năm 2024, Quốc Khánh Farm được bố trí
2 gian hàng gần 20m2 trưng bày và bán các loại giống và sản phẩm nấm
ăn, nấm dược liệu, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo “kết tinh kỳ diệu từ đất
lành” Nam Tây Nguyên. Đây là nguồn vật tư đầu vào giá trị cao cho HTX Nông nghiệp
Dịch vụ môi trường Đà Lạt kết nối với nông dân mở rộng sản xuất và bao tiêu sản
phẩm.
Chị Nguyễn Thị Mới, Giám đốc HTX
này dẫn chứng điển hình liên kết giữa HTX với 42 nông hộ (chiếm 90% hộ dân tộc
thiểu số) ở huyện Lạc Dương sản xuất các giống nấm của Quốc Khánh Farm như tú
trân, sò xám, bào ngư xám, hoàng kim, thu lãi bình quân 9 triệu đồng/hộ/tháng. Kết
quả xuất phát từ nguồn vốn đầu tư ứng trước từ 50%- 100% của HTX đối với nông hộ
tham gia liên kết trồng nấm. Sau 4 tháng chăm sóc và thu hoạch bán sản phẩm nấm
các loại, hầu hết nông hộ đã thanh toán đầy đủ nguồn vốn ứng trước của HTX. “Chuỗi
liên kết duy trì khoảng 3 năm, quy mô sản xuất mỗi hộ từ 10.000 đến 40.000 phôi
nấm. Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn của HTX từ 15- 20 ngày, nông hộ
thu hoạch liên tục 3- 4 tháng sau đó bước vào vụ mới”, Giám đốc HTX Nguyễn Thị
Mới cho biết.
Ở khâu phân phối ngoài mạng lưới tiêu thụ trong tỉnh Lâm Đồng, HTX Nông nghiệp Dịch vụ môi trường Đà Lạt đã kết nối hai chiều với HTX các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua đó, các loại nấm sản xuất từ Đà Lạt và vùng phụ cận tiêu thụ các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngược lại các sản phẩm chè xanh, dược liệu sản xuất hữu cơ từ các tỉnh phía Bắc chuyển đến Lâm Đồng tiêu thụ. Cụ thể với Quốc Khánh Farm duy trì 200m2 tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng các loại nấm vừa sản xuất mô hình cho nông dân quanh vùng tham khảo, áp dụng, vừa làm sản phẩm hàng hóa tiêu thụ thông qua HTX Nông nghiệp Dịch vụ môi trường Đà Lạt. Trung bình một vụ sản xuất nấm kéo dài 5 tháng trên 5 trai nấm, mỗi trại diện tích 200m2, Quốc Khánh Farm trồng khoảng 80.000 phôi nấm, đạt sản lượng 20 tấn. Với hợp đồng tiêu thụ ổn định trong năm 2024, doanh thu Quốc Khánh Farm đạt hơn 500 triệu đồng.
“Chưa kể trên dưới 10 nông hộ các
xã Ninh Gia, Phú Hội, Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng); Tà Nung (TP Đà Lạt); Mê
Linh, Gia Lâm (huyện Lâm Hà), mỗi hộ sản xuất khoảng 10.000 phôi giống mỗi vụ
4- 5 tháng, được cung cấp từ Quốc Khánh Farm; phân phối sản phẩm từ HTX Nông
nghiệp Dịch vụ môi trường Đà Lạt…”, anh Trần Bảo Ngọc, chủ nhân Quốc Khánh Farm
thông tin. Được biết, Quốc Khánh Farm còn sản xuất thâm nhập thị trường thành
công bước đầu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi tươi và sấy thăng
hoa, hàm lượng dược chất khá cao. Điều này một lần nữa được Giám đốc HTX Nguyễn
Thị Mới khẳng định “Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận với khí hậu, thời tiết ôn
hòa, phù hợp trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại nấm tạo ra các thành phần dược
tính đặc trưng, tác dụng tăng cường sức khỏe cho người sử dụng. Tương tự nấm thực
phẩm nuôi trồng ở đây tích tụ dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngọt, đáp ứng nhu cầu
thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng… ”
Đến gần trung tuần tháng 12 năm 2024, Quốc Khánh Farm nhận đặt mua 150.000 phôi giống nấm tú trân từ một nông hộ ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Với năng lực sản xuất của mình, Quốc Khánh Farm sản xuất và cung cấp đủ số lượng phôi giống nấm tú trân trong vòng 2 tháng tới. Tiếp theo 5 tháng sản xuất và thu hoạch, HTX Nông nghiệp Dịch vụ môi trường Đà Lạt kết nối khách hàng tiêu thụ toàn bộ sản lượng nấm của nông hộ này. Qua đó lan tỏa mô hình sản xuất, tiêu thụ nấm tú trân nói riêng, nấm ăn và nấm dược liệu nói chung quy mô lớn hơn nữa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận.
THÁNG 12/2024