Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Để đạt tốc độ tăng trưởng trồng trọt 5,5%/năm

VĂN VIỆT

 Để đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 5-5,5%/năm đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung các giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với chuỗi liên kết giải quyết sản phẩm đầu ra trên thị trường.

Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cả nước

Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, toàn tỉnh sản xuất đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% diện tích canh tác, đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 5 - 5,5%/năm nêu trên. Riêng tỷ lệ diện tích cây trồng được tưới đạt trên 75%, trong đó hơn 50% diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm. Sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia về an toàn thực phẩm hơn 50% diện tích; trên 60% giá trị sản phẩm thông qua các hình thức hợp tác, liên kết; tổn thất sau thu hoạch dưới 10%. Giá trị trồng trọt bình quân 300 triệu đồng/ha; diện tích dưới 50 triệu đồng/ha/năm giảm xuống dưới 2%. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chính đạt trên 800 triệu USD. Trên nền tảng này, tầm nhìn của ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2050 là: Phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Qua đó đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đứng đầu cả nước.

Giải pháp trước hết đến năm 2030 với cây rau, toàn tỉnh tiếp tục mở rộng lên 30.000 ha diện tích canh tác trên cơ sở chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả, diện tích đất lúa 1 vụ, trong đó diện tích canh tác rau an toàn khoảng 24.000 ha. Tương ứng tổng diện tích gieo trồng 95.500 ha, tổng sản lượng 3,8 - 4 triệu tấn/năm, giá trị sản xuất rau đạt bình quân trên 900 triệu đồng/ha/năm. Cùng thời gian này, cây hoa canh tác đến năm 2030 khoảng 4.000 ha, diện tích gieo trồng đạt 14.500 ha; sản lượng khoảng 5,4 tỷ cành và 500 triệu chậu hoa. Qua đó xây dựng và phát triển 5 vùng sản xuất hoa công nghệ cao với quy mô trên 2.500 ha gắn với thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; từng bước chuyển sang sử dụng giống có bản quyền để phát triển thị trường xuất khẩu; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 3,7 tỷ đồng/ha/năm.

Tiếp theo giải pháp với cây công nghiệp dài ngày như cà phê toàn tỉnh ổn định khoảng 165.000 ha, sản lượng đạt 576.000 tấn/năm. Trong đó tăng diện tích cà phê chè lên 15.000 ha; diện tích cà phê vối 150.000 ha. Cụ thể chuyển đổi sang các loại cà phê chè chất lượng cao, kết hợp tái canh, ghép cải tạo với diện tích 42.000-45.000 ha; trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích đạt tỷ lệ cây che bóng 50% diện tích cà phê; công nhận 5 vùng sản xuất cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hơn 1.370 ha; giá trị sản xuất cà phê bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm. Cây chè khoảng 8.000 ha, trong đó tập trung chuyển đổi chè hạt, chè già cỗi tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc sang chè cành (1.500 ha) và chè Oolong (500 ha); nâng tỷ lệ diện tích chè chất lượng cao lên 50% diện tích toàn tỉnh, sản lượng 121.300 tấn/năm. Diện tích áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP) đạt 2.400 ha; chè hữu cơ 500 ha; chè ứng dụng công nghệ cao 7.600 ha và công nhận 2 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trên 600 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định chất lượng cung cấp cho công nghiệp chế biến.

3 tiểu vùng sản xuất nguyên liệu an toàn

Ngoài ra đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển cây ăn quả chủ lực phù hợp từng tiểu vùng sinh thái; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, đạt 51.000 ha. Trong đó trồng xen 30.600 ha và trồng thuần 20.400 ha; tổng sản lượng 633.500 tấn; phát triển 12.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 10.000 ha được cấp mã số vùng trồng; sản lượng trái cây tiêu thụ qua chuỗi đạt ít nhất 60%; giá trị sản xuất trên 300 triệu đồng/ha/năm. Cây mắc ca nâng tổng diện tích 26.000 ha, trong đó trồng trên đất nông nghiệp 16.600 ha và 9.400 ha trên đất lâm nghiệp lấn chiếm sản xuất nông nghiệp lâu năm, tổng sản lượng 34.000 tấn... 

Qua những giải pháp chuyển đổi các loại cây trồng chủ lực nói trên đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ xây dựng 3 tiểu vùng nguyên liệu tập trung sản xuất an toàn, công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Tiểu vùng I: Thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, huyện Lạc Dương, huyện Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà phát triển rau, hoa, cà phê chè, chanh dây; dâu tây, hồng ăn trái, actiso, dược liệu. Tiểu vùng II với 3 huyện Di Linh, huyện Lâm Hà, Đam Rông phát triển cà phê, dâu tằm, sầu riêng, bơ, chuối laba, chanh dây và cây dược liệu. Và tiểu vùng III: Thành phố Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên phát triển sầu riêng, măng cụt, mít, dâu tằm, điều, lúa chất lượng cao, cà phê, chè kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cạnh tranh trên thị trường...

tháng 9/2024