Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Duy trì tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng

 VĂN VIỆT

Nhìn lại tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng hơn 3 năm qua đạt tốc độ cao hơn tăng trưởng chung trong cả nước, giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất trồng trọt tăng bình quân 10% mỗi năm. Qua đó các cây trồng chủ lực cơ cấu lại theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng; diện tích đất sản xuất kém hiệu quả giảm từ 16,5% xuống còn 10,8%...

Kết quả thực hiện 10 chỉ tiêu kế hoạch hơn 3 năm qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đều đạt tiến độ, trong đó 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cụ thể tăng trưởng GRDP toàn ngành từ tỷ lệ 4,79% (năm 2021) lên 5,47% (năm 2023) và ước đạt 5,1 - 5,2% (năm 2024). Giá trị sản xuất bình quân/ha trồng trọt tăng 28,3%.  Diện tích sản xuất kém hiệu quả giảm 18.373 ha. Bình quân mỗi năm tăng 17% diện tích liên kết. Thành lập mới 20 Hợp tác xã/năm. Tất cả 359 sản phẩm OCOP còn hạn chứng nhận. Diện tích cần tưới chiếm 68%.  Mỗi năm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại giảm trên 20% so với năm trước. 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt và vượt trong 10 chỉ tiêu vừa nêu, toàn ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã chuyển dịch sản xuất theo hướng tăng đầu tư chiều sâu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất các chủng loại giống cây trồng giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và hữu cơ. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 404.001 ha gồm cây hàng năm 126.585 ha; cây lâu năm 277.415,5  ha; nhân rộng 100.000 ha chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAHP, UTZ, 4C…, trong đó có khoảng 1.600 ha cấp chứng nhận hữu cơ, tăng 255 ha sau 3 năm. Tính chung toàn tỉnh có 66.873 ha nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao, chiếm 20,4% diện tích canh tác; công nhận 9 vùng sản xuất và 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh đã hình thành 93 chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 55.000ha với sản lượng 630.000 tấn, trong chăn nuôi đạt 1.300.000 con, sản lượng đạt 190.000 tấn. Sản lượng rau, hoa và trái cây qua sơ chế, chế biến trước khi xuất bán đạt 75%, trong đó sản lượng chế biến đạt khoảng 25%; tỷ lệ 100% nông sản qua hoạt động các chuỗi liên kết được kiểm soát chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nội địa và xuất khẩu... 

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm: “Thị trường trong nước với hoạt động xúc tiến thương mại kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị Big C, Vinmart... ; thương mại điện tử được nhiều doanh nghiệp tiếp cận và phát triển. Đến nay 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và trên 1.300 sản phẩm nông sản khác của trên 500 chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân sản xuất đã tham gia vào hệ thống phần mềm kết nối cung cầu của tỉnh, quảng bá và bán hàng trên các sàn  thương mại điện tử như: nongsandalatlamdong.vn, Tiki, Lazada, Shoppee, Postmart.vn, Voso.vn. Thị trường xuất khẩu đã phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng, chất lượng cao tham gia vào các chuỗi giá trị như cà phê, rau, hoa các loại, cây ăn quả, khẳng định vị trí thương hiệu nông sản Lâm Đồng...”

Trên cơ sở các chỉ tiêu đạt và vượt trong hơn 3 năm qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 duy trì tốc độ tăng trưởng 4,5-5%/năm; giá trị sản xuất bình quân 260 triệu đồng/ha/năm; diện tích có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha giảm còn khoảng 15.000 ha; có 265 chuỗi liên kết với trên 34.000 hộ tham gia;  thành lập mới thêm ít nhất 20 Hợp tác xã/năm; 250 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 20 sản phẩm OCOP quốc gia; 70% diện tích canh tác được tưới; tỷ lệ che phủ rừng trên 54%; tỷ lệ 98% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; Lâm Đồng được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng triển khai những nhóm giải pháp trọng tâm đến năm 2025 là: Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong canh tác, mở rộng diện tích canh tác rau, hoa tại các huyện có điều kiện phù hợp như: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm. Các huyện phía Nam phát triển vùng lúa đặc sản; chăm sóc cây màu, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng cao, tập trung các giống mới đã qua khảo nghiệm. Đối với cây chè, dâu tằm, cây ăn quả đầu tư thâm canh, xen canh hợp lý; hình thành nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Ngoài ra còn tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: giống, vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm; dự tính, dự báo, theo dõi cập nhật diễn biến dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời...

tháng 9/2024