Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Nghề trồng hoa ở huyện tìm hướng phát triển bền vững

Bài 2/ Khi hoa hồng “bắc cầu” hoa Thanh Tước

VĂN VIỆT

Vùng “phát tích” hoa hồng thị trấn Lạc Dương nói riêng, huyện Lạc Dương nói chung trong một thập niên vừa qua luôn hấp dẫn không chỉ với nông hộ đầu tư thâm canh, mà còn trở thành cơ hội cho các thương nhân trong nước tìm đến cạnh tranh thu mua sản phẩm kết hợp xây dựng mối liên kết nhân rộng nguồn giống, kỹ thuật mới để đa dạng hóa nhu cầu thị trường, phát triển theo hướng bền vững. Thương nhân Trần Trọng An cùng nhóm cộng sự 9X từ Hà Nội vào Lạc Dương “bắc cầu” từ sản xuất, tiêu thụ hoa hồng đến thử nghiệm có kết quả nhiều loại hoa, cây lá kiểng mới mang thương hiệu Thanh Tước là một điển hình.

“Nhân bản” 20 giống hoa lá, cây kiểng nhập khẩu

Chủ thương hiệu hoa Thanh Tước, nam thanh niên sinh năm 1991 Trần Trọng An chuẩn bị tổ chức thu mua và thu hoạch hoa Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn các xã trong huyện Lạc Dương và khu vực giáp ranh Phước Thành, thành phố Đà Lạt, nên thời gian điều hành canh tác hoa, cây lá kiểng thương phẩm trong trại phải bố trí thời gian phân bổ trong ngày. Trò chuyện với phóng viên, An cho biết từ năm 2018 là thành viên với nhóm 5 người vào Lạc Dương hợp đồng kết nối với nhà nông hợp đồng  bao tiêu đầu ra cho sản phẩm hoa hồng và các loại hoa đặc trưng khác. Tất cả 5 người tốt nghiệp cử nhân trong và ngoài nước với nhiều lĩnh vực khác nhau, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1989, người ít tuổi nhất sinh năm 1991, đều gốc gác đất Hà Thành, tìm đến huyện Lạc Dương chọn cây hoa hồng làm điểm xuất phát để “bắc cầu” sản xuất, kinh doanh các giống hoa lá cao cấp nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hà Lan và các nước khác ở châu Âu. 

Trong hành trang nhóm của An với “mong muốn thực hiện Giấc mơ hoa Việt, ứng dụng công nghệ mới nhất trên thế giới để nuôi trồng, chăm sóc, thuần hóa đa dạng các giống loài hoa trên vùng đất “phát tích” hoa hồng Lạc Dương và một vài khu vực lân cận của phố hoa Đà Lạt, vùng sinh thái ưu đãi về nhiệt độ, khí hậu độ cao trung bình 1.500m đến 1.600m so với mặt biển. Từ đó tạo nghề nghiệp việc làm cho người nông dân, hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua hệ thống phân phối hoa tươi ở thị trường trong nước và các nước trên thế giới...”

Cũng theo lời kể của chủ nhân Trần Trọng An, để hiện thực hóa lộ trình “Giấc mơ hoa Việt”, thương hiệu hoa Thanh Tước đã vượt qua khá nhiều thử thách thời gian đầu thực nghiệm nhiều giống hoa, cây lá kiểng cao cấp trên thế giới không thành công tại vùng đất “phát tích” hoa hồng Lạc Dương. Tuy nhiên đây cũng được xem như “học phí” để tìm ra nguyên nhân thất bại, đó là cây giống mới xuống trồng chưa đúng thời điểm thích nghi đất mới, việc bón phân, tưới nước, đón nắng, thông gió không đảm bảo nhu cầu sinh trưởng của cây. Sau đó cả nhóm của An khắc phục bằng cách tập trung đầu tư nghiên cứu kiến thức khoa học soi chiếu với kinh nghiệm sản xuất trên đồng đất Lạc Dương, tổng hợp thành quy trình kỹ thuật riêng biệt, từ đó đã “nhân bản” hiệu quả 20/150 giống hoa lá, cây kiểng chất lượng cao từ các nước sản xuất hoa hàng đầu trên thế giới - tính đến đầu tháng 1/2024.  

Từ hướng dẫn của chủ nhân Trần Trọng An, phóng viên đến Thanh Tước Farm ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương thời điểm đón Tết Dương lịch năm 2024 với nhiều sắc hoa, lá mới lạ, độc đáo. Như hoa sao xanh nở từng chuỗi dài, các cánh hoa xòe ra chỉ bằng bằng đầu ngón tay, nhưng giá bán tại vườn thời điểm này đạt 6.000- 7.000 đồng/cành. Trước đó- trong tháng 9 và tháng 10/2023, giá bán hoa sao xanh ở đây đạt mức 8.000- 9.000 đồng/cành và 14.000 đồng/cây do nguồn cung bên Trung Quốc khan hiếm. Thị trường hoa sao xanh Thanh Tước chiếm 70- 80% khu vực các tỉnh, thành phương Nam. Tỷ lệ 20- 30% còn lại tiêu thụ ở các tỉnh, thành phía Bắc. An cho hay “ Thanh Tước Farm cũng đã mất khá nhiều thời gian để thuần hóa cây sao xanh sinh trưởng như cây bản địa ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Thời gian vụ mùa ổn định trong 3 tháng, mật độ 6.000 cây/1.000m2, năng suất đạt 2- 3 cành hoa/cây. Trên tổng diện tích trồng hoa sao xanh trong nhà kính của Thanh Tước Farm đang bố trí 3.000 m2 nhà kính, thu hoạch liên tục đến hơn 2 năm mới xuống giống trồng mới… ”  

Tăng thêm thu nhập gấp 10 lần trở lên

Bước sang khu vực kế tiếp của hoa sao xanh là hoa thanh liễu trắng, hồng của mùa đông xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Các mùa khác trong năm 2023, Thanh Tước Farm sản xuất và cung cấp theo thị hiếu thị trường trong nước các màu thanh liễu kép hồng, xanh lam, tím, vàng, đỏ…với giá bán trung bình 180.000 đồng/kg. Hiện Thanh Tước Farm trồng cây thanh liễu với hình thức cuốn chiếu trong diện tích 7.000m2 nhà kính ở đây, ổn định thời gian xuống giống đến khi kinh doanh 8- 9 tháng. Nếu tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chăm sóc mới, thanh liễu cho “”hoa lợi” đến 10 năm sau. Năng suất trên 1.000m2 thu hoạch năm đầu tiên khoảng 600 kg, năm thứ 2 trở đi tăng lên gấp 2,5- 3 lần.

Ở khu vực canh tác cây kiểng, hoa lá ngoài trời nhập nội của Thanh Tước Farm về vùng “phát tích” hoa hồng Lạc Dương, phóng viên tham quan với những khu vườn phủ tán lá dày đặc, hoa nở muôn hồng nghìn tía hiếm thấy, quy đổi ra thành những khoản tiền không nhỏ mỗi ngày. Như vườn hoa tuyết mai trắng, trải dài hơn 10.000 m2 lưng đồi, mỗi tháng thu bán 1.000 kg lá và 1.000 kg hoa, giá lần lượt mỗi ký 50.000 đồng và 120.000 đồng. Cây tràm lá đỏ trên 3.000m2, mật độ 3.000 cây/1.000m2, trồng 1 năm thu lá đến 10 năm. Giá tràm đỏ Lạc Dương bán tại vườn 70.000 đồng/kg vào đầu tháng 1/2024. Hay nam thiên trúc trồng 4.000 cây trên diên tích 4.000m2, cành lá màu nâu đỏ, giá bán 250.000 đồng/cây nhỏ; 500.000 đồng/cây lớn…


Tính đến tháng tháng 1/2024, với nguồn gốc hoa lá, cây kiểng nhập khẩu từ các nước sản xuất hoa hàng đầu thế giới nói trên, thương hiệu hoa Thanh Tước đã phủ đều trên diện tích 2 ha kính và 3 ha ngoài trời với 12 giống khác nhau. Bên cạnh đó tại khu vực Đa Thành, Đà Lạt giáp ranh với huyện Lạc Dương, Thanh Tước Farm bước vào thời kỳ sản xuất, kinh doanh 3 ha nhà kính, 0,2 ha ngoài trời cũng với gần 10 giống hoa, cây lá kiểng. Tất cả đều đạt giá trị thu nhập gấp 10 lần trở lên so với các loại cây rau, màu ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày trên cùng diện tích đất ở huyện Lạc Dương…

tháng 1/2024