VĂN
VIỆT
Gần 3 năm xếp hạng OCOP 3 sao đối với sản phẩm mắc ca, Công ty TNHH Dalahuf (An Sơn, phường 4, TP Đà Lạt) với giải pháp xây dựng chuỗi giá trị liên kết, đã từng bước tối đa hóa lợi nhuận cho người sản xuất, đồng thời tối ưu hóa giá thành cạnh tranh bán ra cho người tiêu dùng.
Kỹ sư nông học Phạm Việt
Hùng (sinh năm 1995) khởi nghiệp xây dựng thương hiệu mắc ca Dalahuf từ năm
2018 với mô hình liên kết một vài nông hộ sản xuất ở thôn Liêng Trung, xã Tân Hà,
huyện Lâm Hà. Mặc dù quy mô nhỏ ban đầu, nhưng hoạt động theo chuỗi giá trị ổn định
“3 trong 1” từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên thị trường. Theo Hùng, vùng đất
huyện Lâm Hà tập trung nguyên liệu mắc ca dồi dào, chất lượng đặc trưng sản xuất
trên độ cao 900m so với mặt biển, trở thành lợi thế so sánh đối với các vùng miền
khác trong và ngoài nước. Để phát huy tiềm năng, Hùng chọn kênh phân phối thương
mại điện tử làm chủ lực để mở rộng thị trường đầu ra trong kế hoạch trước mắt cũng
như chiến lược lâu dài.
Hùng chia sẻ: “Ngay từ lúc
sản xuất khởi động san xuất vài chục ký thành phẩm mắc ca mỗi ngày, việc khởi
nghiệp vẫn theo hướng chuỗi giá trị từ sản xuất đi thẳng đến chế biến và tiêu thụ,
giảm tối đa khâu trung gian thu mua sản phẩm thu hoạch. Ở khâu đầu vào trước đó
cũng tiết kiệm tối đa giá thành cung ứng vật tư phân bón cho người sản xuất mắc
ca nguyên liệu…”
Đến năm 2021, Công ty TNHH Dalahuf định hình chuỗi liên kết quy mô 35 hộ sản xuất hơn 35 ha mắc ca thương phẩm ở thôn Liên Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, chế biến trung bình mỗi tháng 1.000 kg mắc ca thành phẩm. Với hợp đồng liên kết ký kết thời hạn 3 năm, thỏa thuận phía công ty hỗ trợ 30% giá trị đầu tư phân bón, đồng thời thu mua mắc ca nguyên liệu tươi với giá cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg. Phía nông dân phải tuân thủ theo quy trình canh tác kỹ thuật tiên tiến, thu hoạch nguyên liệu mắc ca đạt yêu cầu chất lượng đưa vào chế biến. Khi sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài đã cập nhật nguồn gốc, xuất xứ, thời vụ sản xuất. Riêng các cửa hàng, đại lý trong nước phân phối sản phẩm mắc ca Dalahuf đều gắn mã vạch trên bao bì, khách hàng quét mã vạch hiển thị đầy đủ thông tin như trên nền tảng thương mại điện tử vừa nêu.
Cụ thể trong năm 2023, Công
ty TNHH Dalahuf đã hỗ trợ 110 triệu đồng mua phân bón cho 35 nông hộ liên kết sản
xuất 35 ha mắc ca trên địa bàn thôn Liêng Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tương
ứng với tỷ lệ giảm 30% chi phí đầu tư. Trong đó vào thu hoạch vụ chính từ tháng
7 đến tháng 9 và vụ phụ từ tháng 2 đến tháng 4, công ty thu mua nguyên liệu đưa
vào chế biến đạt tỷ lệ trung bình 10 kg tươi thành 7 kg khô thành phẩm. Với dây
chuyền máy móc thiết bị chế biến khép kín, công ty vận hành cho ra sản phẩm thương
mại trong ngày. Tính chung trong năm 2023, công ty đạt công suất chế biến 1.000
kg mắc ca thành phẩm nói trên.
Theo đó, mắc ca tươi thu hoạch đưa vào máy tách vỏ, phân loại tại vườn trong ngày. Tiếp theo đưa về khu chế biến của công ty qua hệ thống rửa sạch bằng nguồn nước an toàn, trải đều trên nhièu tầng giàn hong khô trong nhà kính thông thoáng gió kết hợp với lưu trữ đảm bảo chất lượng trong thời gian nhiều tháng. Cuối cùng lần lượt chọn những giàn mắc ca hong gió đạt độ khô chuẩn nhất, chuyển qua hệ thống máy sấy từ 60-80 độ C liên tục trong 8 giờ để ra thành phẩm, đóng gói, gắn mã vạch trước khi phân phối đến người tiêu dùng. Trong đó sản phẩm mắc ca Dalahuf tiêu thụ trong năm 2023 chiếm tỷ lệ 60% thông qua các kênh thương mại điện tử, 40% tại các cửa hàng, đại lý phân phối trong nước.
“Trong năm 2024, Công ty TNHH Dalahuf tập trung các giải pháp tăng tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ trên hệ thống thương mại điện tử, kết hợp giảm chi phí đầu tư, mở rộng diện tích ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác để tối đa hóa lợi nhuận cho từng nông hộ liên kết sản xuất mắc ca theo chuỗi giá trị ổn định, lâu dài trên địa bàn huyện Lâm Hà… ”, Kỹ sư nông học Phạm Việt Hùng, đại diện Công ty TNHH Dalahuf cho biết.
THÁNG 12/2023