Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Giải pháp chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn

VĂN VIỆT

Để phát huy tiềm năng phát triển ngành nghề nông thôn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai nhiều giải pháp chiến lược đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng ngành nghề khoảng 7 - 10%/năm, thu nhập bình quân lao động cao gấp 2 - 4 lần so với sản xuất thuần nông.

Qua khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc cùng các đơn vị liên quan, toàn tỉnh tính đến tháng 10 năm 2023 có 30  làng nghề, trong đó 21 làng nghề truyền thống và 9 làng nghề. 

Cụ thể gồm 12 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 7 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 6 làng nghề chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp; 5 làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh. Tổng số 10 doanh nghiệp, 12 Hợp tác xã và 3 Tổ Hợp tác hoạt động trong làng nghề. Tương ứng 4.707 hộ với 18.553 lao động. Trong đó lao động thường xuyên gần 13.000 lao động  (gồm 6.000 lao động người đồng bào dân tộc thiểu số). Có 5 làng nghề đăng ký nhãn hiệu Hoa Đà Lạt và 1 làng nghề nấm đăng ký thương hiệu tập thể. Phân bố làng nghề truyền thống tập trung các địa bàn thành phố Đà Lạt (5 làng nghề); các huyện Cát Tiên, Di Linh (4 làng nghề); Lâm Hà, Lạc Dương, Đạ Tẻh (3 làng nghề); Đam Rông, Đức Trọng, Bảo Lâm (2 làng nghề); Đơn Dương, thành phố Bảo Lộc (1 làng nghề).

Trong các năm 2017, 2018 và 2023 với vốn ngân sách hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng, vốn đối ứng của hộ dân gần 1,3 tỷ đồng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã triển khai lắp đặt 660m2 mái che nhà nuôi tằm cho 2 làng nghề dâu tằm tơ Hùng Vương Đông Anh 3 và Đông Anh 5, huyện Lâm Hà; cung cấp 3.600 kg bao bì bảo quản và sơ chế hoa cắt cành cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Lạt; 13.836 bao bì bảo quản và sơ chế nếp quýt tại Hợp tác xã Quyết Tâm, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh; mua nguyên vật liệu cho làng nghề dệt thổ cẩm thôn B Nớr C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương…

Bên cạnh đó, triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong các năm 2021, 2022, 2023, toàn tỉnh đầu tư máy móc, thiết bị phát triển làng nghề tre tầm vông Tố Lan, huyện Đạ Tẻh (gần 190 triệu đồng); khôi phục, công nhận và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm buôn Ka Tung gắn với điểm du lịch suối nước nóng xã Đạ Long, huyện Đam Rông và làng nghề đan lát thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh; nâng cấp dây chuyền sản xuất ngành nghề nông thôn tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao vàng Macca, thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà; tổ chức 3 tập huấn về chuyển giao kỹ thuật cây trồng với 150 người tham dự…

Lâm Đồng có nguồn tài nguyên và nguyên liệu phong phú cho phát triển làng nghề, nổi bật tài nguyên rừng, nông sản, khoáng sản...Qua đó chế biến đa dạng sản phẩm mây tre đan, gỗ gia dụng; rau, hoa, cà phê, dâu tằm...cung cấp phần lớn cho nhu cầu thị trường tiêu dùng khá lớn ở vùng kinh tế Nam Trung Bộ...”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định. Trên cơ sở đó, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lao động đào tạo nghề nông thôn tăng lên từ 10% đến 20%; mỗi năm tăng thêm khoảng 4.000 lao động; phát triển mới 6 làng nghề, nâng tổng số làng nghề được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận lên 25 làng nghề; tăng số lượng các nghệ nhân ngành nghề nông thôn từ 10 người lên 20 người; quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng 80% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.

Để đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030 đã thông qua, giải pháp chiến lược của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tiếp cận thị trường, nguồn vốn áp dụng công nghệ để tăng quy mô sản xuất.

Đồng thời xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề; xây dựng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ngành nghề nông thôn; lựa chọn xây dựng và phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm đặc trưng vùng, miền.

Ngoài ra tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp ổn định cho làng nghề, cơ sở ngành nghề mũi nhọn trồng hoa, dâu tằm tơ, mây tre đan xuất khẩu, đồ gỗ dân dụng, đồ thủ công mỹ nghệ. Mặt khác chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống rèn thủ công, cơ khí nhỏ, dệt thổ cẩm; khuyến khích mở rộng các ngành nghề mới như sinh vật cảnh, thêu ren móc sợi, đan sợi ở địa phương.  

THÁNG 12/2023