Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Chương trình Mục tiêu Quốc gia- những bước chuyển quan trọng

VĂN VIỆT

Triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tạo ra những bước chuyển quan trọng về nâng cấp cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Thống kê tổng nguồn vốn bố trí trực tiếp thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2023 hơn 770 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương hơn 513,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 256,7 tỷ đồng. Theo đó, phân bổ nguồn vốn triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (hơn 370,8 tỷ đồng); Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (hơn 334 tỷ đồng); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (gần 65,2 tỷ đồng). Đồng thời toàn tỉnh Lâm Đồng còn triển khai 3 Chương trình MTQG từ các nguồn vốn khác như: huy động doanh nghiệp, cộng đồng dân cư (gần 95 tỷ đồng); tín dụng (gần 11.670 tỷ đồng); lồng ghép chương trình, dự án khác (gần 1.298 tỷ đồng); vốn khác (gần 14,5 tỷ đồng).

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng với 64/11 xã được phê duyệt quy hoạch chung. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới có 5 đơn vị Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh và Cát Tiên; 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Những công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất xã nông thôn mới tiếp tục đầu tư phát triển, đạt tỷ lệ 100% các tiêu chí cơ sở vật chất trường học, nhà ở dân cư, hạ tầng thương mại nông thôn, hệ thống điện, hệ thống giao thông, thông tin và truyền thông…

“Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới đến nay đưa vào hoạt động 4 mô hình tại các xã nông thôn mới Trạm Hành, Xuân Thọ, Xuân Trường, thành phố Đà Lạt; Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ chủ thể đăng ký thông tin, bán hàng trên hệ thống kênh thương mại điện tử Sendo của FPT” Vos của Viettel Post; Postmart của VnPOst; Tiki; Shopee; Lazada…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết.

Với Chương trình MTQG phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần gồm: Giải quyết nhà ở cho 340 hộ; xây dựng 19 công trình nước sinh hoạt tập trung, nước sinh hoạt phân tán cho 1.77 hộ sử dụng; ổn định dân cư cho 402 hộ; hoàn thành 17,6 km đường giao thông nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường dân tộc nội trú; đào tạo nghề cho 700 người; đào tạo nâng cao năng lực cho khoảng 1.000 công chức, cộng đồng tham gia thực hiện, giám sát Chương trình; bảo tồn 2 làng bản văn hoá truyền thống; xây dựng 24 thiết chế văn hoá và đầu tư trang thiết bị cho 24 thôn; tôn vinh khoảng 200 người uy tín. Tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09% tương đương 4.149 hộ. Thu nhập bình quân gần 45 triệu đồng/hộ, tăng 20% so với năm 2022.

Đáng kể Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh Lâm Đồng đã cấp 327.802 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ nghèo; hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; người đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Bên cạnh đó, toàn tỉnh triển khai cho vay tín dụng gần 64,9 tỷ đồng (965 hộ nghèo); hơn 243,5 tỷ đồng (3.711 hộ cận nghèo); hơn 194,6 tỷ đồng (2.681 hộ mới thoát nghèo); hơn 291 tỷ đồng (4.392 hộ giải quyết việc làm); 277 triệu đồng (4 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài). Ngoài ra toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã trợ giúp pháp lý cho 82 người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ dân tộc thiểu số và 14 người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

Việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng. Các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt, GRDP bình quân đầu người đạt 85,2 triệu đồng, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%.

 Toàn tỉnh Lâm Đồng có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo cảnh quan nông thôn thay đổi, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...”, theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng.  

tháng 12/2023