Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Xây dựng nông thôn mới - nhìn từ sản xuất nông nghiệp

VĂN VIỆT

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh trong vài năm gần đây đã tạo những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận từ năm 2021 đến nay đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. Theo đó, từng huyện, thành trong tỉnh phát huy hiệu quả cơ chế đầu tư trong các Đề án phát triển đường giao thông nông thôn; phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo nhóm hộ; xã hội hóa, khuyến khích đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn…Tính chung toàn tỉnh đã khởi công xây dựng mới, nâng cấp 284 công trình với 209 km đường giao thông, 166 m cầu, cống và nhiều công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn xã nông thôn mới.

Kết quả hạ tầng nông thôn mới được nâng cấp đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể trong gần 3 năm qua, toàn tỉnh trồng mới 12.123 ha các loại cây trồng, tái canh cải tạo 5.349 ha cà phê, 1.368 ha điều; chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 752 ha; chuyển đổi cây trồng khác 3.624 ha. Thống kê đến giữa năm 2023, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt trên 63.896 ha, tăng 788 ha so với cùng kỳ năm 2021. Bao gồm: rau (26.180 ha); cà phê (21.706 ha); lúa (5.045ha); chè (4.954 ha); cây ăn quả (3.463 ha); hoa (2.161 ha); vườn ươm, dâu tây, phúc bồn tử (233 ha); cây dược liệu (134 ha); nấm (20 ha). Đặc biệt có trên 377 ha diện tích áp dụng công nghệ số trong quản lý chăm sóc cây trồng. Hiện tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 378.150 ha, tăng 3,15% so cùng kỳ, trong đó cây hàng năm 111.108 ha (tăng 8,06%); cây lâu năm 267.042 ha (tăng 1,24%); sản lượng rau các loại hơn 2,2 triệu tấn (tăng 28,2%); hoa các loại hơn 3 tỷ cành (tăng 25,9%).   

Mô hình kinh tế tập thể đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 4 Liên hiệp hợp tác xã (HTX) với 25 HTX thành viên; 392 HTX nông nghiệp với 8.479 thành viên, tăng 25 HTX so với năm 2021. Trong đó có 212 HTX trồng trọt; 161 HTX tổng hợp; 12 HTX chăn nuôi; 6 HTX nuôi thuỷ sản; 1 HTX nước sạch nông thôn; 381 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp với 8.478 tổ viên. “Hiện nay Liên hiệp HTX, HTX đang phát huy vai trò kết nối, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Các THT hoạt động theo phương thức cùng nhau sản xuất một chủng loại sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản; hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi”, Sở Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá. Qua đó, toàn tỉnh phát triển 190 chuỗi liên kết với 16.178 hộ trồng trọt và 2.453 hộ chăn nuôi. Quy mô liên kết trong trồng trọt 30.527,6 ha với sản lượng 437.226 tấn; chăn nuôi 461.400 con gà, 153.000 con chim cút; 204.050 con heo, 23.760 con bò sữa, 1.200 con bò thịt, 264 ha trồng dâu nuôi tằm…, tổng sản lượng hơn 126.560 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn Lâm Đồng, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập ở các xã nông thôn mới trong tỉnh luôn gắn với phát triển công nghiệp, ngành nghề và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên cơ sở huy động sức dân, phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân quản lý, sử dụng công trình”. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho hạ tầng nông thôn phải theo quy hoạch, lựa chọn các công trình thiết yếu để đầu tư trước, các công trình còn lại phân kỳ nguồn vốn triển khai theo lộ trình.

Ngoài ra để hỗ trợ các hộ thoát nghèo bền vững cần có giải pháp đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới như: tuyên truyền, vận động, đào tạo dạy nghề, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học. 

Với những chính sách qua thực hiện bất hợp lý phải khẩn trương sửa đổi, thay thế phù hợp từng nhóm đối tượng. Riêng việc đầu tư cần triển khai trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và có cơ chế thuận lợi đối với từng vùng nông thôn mới trên địa bàn…

·      THÁNG 9/2023