Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

Cơ hội phát triển cây dược liệu Lâm Đồng (bài 1)

VĂN VIỆT

Sản xuất cây dược liệu ở Lâm Đồng có nhiều lợi thế so với các địa phương khác trong nước do có đặc điểm về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn đa dạng, đặc biệt về hệ thực vật phong phú. Hiện trạng sản xuất trong những năm gần đây đã khẳng định cây dược liệu là một trong những cây trồng thế mạnh của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, được trồng trên nhiều loại đất khác nhau, đạt năng suất, chất lượng cao; bước đầu đã xây dựng được vùng nguyên liệu và thương hiệu vùng trồng, tạo cơ hội tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Bài 1. Từ vườn đương quy đến một vùng dược liệu

Từ mười năm trước, tiếp cận các mô hình trồng cây đương quy phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng nông nghiệp xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, nông hộ Đinh Thị Thi ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương không bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi 5.000m2 diện tích chuyên canh cây dược liệu này. Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại sau mười năm, nông hộ Đinh Thị Thi đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Như Ý và chủ trì xây dựng chuỗi liên kết xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu ổn định hàng năm trung bình 15- 20 ha.

Dược liệu Như Ý xếp hạng OCOP 3- 4 sao

Một vài năm gần đây, phóng viên hẹn gặp Giám đốc HTX Dược liệu Như Ý, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương Đinh Thị Thi thường “trùng lắp” với thời gian tham gia xúc tiến thương mại các sản phẩm trà đương quy túi lọc, rượu đương quy, trà atiso túi lọc, sâm đương quy tươi, sâm đương quy khô, cao hoa atiso, cao hà thủ ô đỏ..tại các hội chợ, lễ hội quy mô trong nước và quốc tế tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh thành trong cả nước.Trong đó nổi bật thu hút khách hàng với sản phẩm trà đương quy túi lọc và rượu đương quy lần lượt xếp hạng OCOP 4 sao và 3 sao. Sau kết quả tham gia một chương trình xúc tiến thương mại mới nhất từ khu vực các tỉnh, thành phía Nam về Lâm Đồng, Giám đốc Đinh Thị Thi cho biết, mỗi năm tham gia trung bình 6 hội chợ bán các sản phẩm dược liệu Như Ý, nghĩa là cứ 2 tháng một lần đưa sản phẩm dược liệu Như Ý cho khách hàng tham quan hội chợ trong nước được trực tiếp thưởng thức, đánh giá và ghi nhớ để đặt hàng tiêu thụ cho thời gian tiếp theo. “Mỗi hội chợ trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng thường tổ chức trong thời gian 7- 10 ngày, tỷ lệ các sản phẩm dược liệu Như Ý tiêu thụ đạt tỷ lệ khoảng 95%; tỷ lệ 5% còn lại khuyến mãi cho khách hàng tiềm năng hoặc tiếp thị giới thiệu cho khách hàng mới. Sau mỗi hội chợ, HTX Dược liệu Như Ý thường được kết nối những khách hàng mới..”, bà Thi thông tin. 

Theo Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng, để có thương hiệu dược liệu Như Ý ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với sản phẩm OCOP 4 sao, 3 sao và các sản phẩm cùng đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP và chế biến an toàn theo quy trình HACCP, nông hộ Đinh Thị Thi bắt đầu khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu với 5.000m2 diện tích trồng cây đương quy chuyển đổi từ cây cỏ voi làm thức ăn cho bò sữa từ năm 2013. Bấy giờ cây đương quy còn khá xa lạ với nông dân xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương nói chung và nông hộ Đinh Thị Thi nói riêng, nên đã gặp những khó khăn trong các công đoạn trồng và chăm sóc. Dẫn đến lứa cây đương quy trồng đầu tiên ở đây, nông hộ Đinh Thị Thi gần như mất trắng. Không nản chí và nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ nơi cung cấp cây giống và các nông hộ trồng thành công trước đó tại vùng thổ nhưỡng, khí hậu giống nhau xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, người phụ nữ này tiếp tục đầu tư sản xuất cây đương quy lứa thứ hai. Lần này, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây đương quy của gia đình bà Thi phát triển khá nhanh, hầu như không bị sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên khi được thu hoạch, bà Thi lại phải đối mặt với khó khăn lớn khác là đầu ra của sản phẩm. Do là cây đương quy trồng đầu tiên ở địa phương, chưa có thương lái nào biết đến để thu mua, hộ gia đình bà Thi phải phơi khô đem ra chợ bán và giới thiệu mọi người công dụng sản phẩm. Bên cạnh bán lẻ ở chợ, bà Thi tiếp tục lên TP Đà Lạt tìm tới các hiệu thuốc đông y để giới thiệu, tiêu  thụ sản phẩm…

Vùng nguyên liệu dược liệu 25 ha

Đến năm 2017, một bước ngoặt lớn trong phát triển cây dược liệu đương quy của hộ bà Thi khi được thỏa thuận ký kết cung cấp sản phẩm số lượng lớn cho doanh nghiệp chuyên sản xuất thuốc trong nước. Cũng từ đây, diện tích trồng đương quy mở rộng từ 5ha đến 7 ha. Trước nhu cầu của thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, bà Đinh Thị Thi thành lập HTX Dược liệu Như Ý tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với  7 thành viên, đồng thời liên kết sản xuất với 9 nông hộ ngoài thành viên. Tháng 6 năm 2018 HTX Dược liệu Như Ý cho ra thị trường sản phẩm trà túi lọc đương quy thay vì chỉ xuất bán sản phẩm thô như trước đây. Trà túi lọc đương quy của HTX Như Ý là sự kết hợp của 4 loại dược liệu có lợi cho sức khỏe, bao gồm đương quy, hoàng kỳ, đan sân và cỏ ngọt. Sản phẩm trà túi lọc đương quy có thể sử dụng thay nước lọc hàng ngày cho mọi lứa tuổi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi tháng HTX Dược liệu Như Ý đưa ra thị trường 1,5 tấn đương quy khô (tương đương 9 tấn tươi), đặc biệt sản phẩm trà túi lọc đương quy của HTX Như Ý đã nhanh chóng chiếm lĩnh thi trường do nước của của loại trà dược liệu này có hương thơm mát, hàm lượng dược tính cao.

Với thế mạnh về vùng nguyên liệu dược liệu đạt chuẩn VietGAP về sản xuất và HACCP về chế biến tại các huyện phụ cận Đà Lạt cũng như chiến lược phát triển theo định hướng “Tinh hoa dược liệu”, HTX Dược liệu Như Ý đang mở rộng vùng trồng các loại dược liệu đương quy, đan sâm, atiso, hoàng kỳ… khoảng 25 ha, tổng sản lượng 600 tấn trong vài năm tới. Đồng thời HTX đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền chế biến những sản phẩm dược liệu đột phá mới, nhằm hiện thực hóa mong muốn trở thành HTX top 3 trong sản xuất nguyên liệu, sản phẩm từ dược liệu tự nhiên hàng đầu trong cả nước.

THÁNG 8/2023