Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở Đà Lạt

VĂN VIỆT

Nông nghiệp Đà Lạt với nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, từng bước hoàn chỉnh và nhân rộng quy trình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, đã tập trung xây dựng các vùng cây trồng chủ lực phát triển bền vững theo quy hoạch trên địa bàn.

Đạt và vượt phần lớn các chỉ tiêu

Thống kê trong năm vừa qua, toàn TP Đà Lạt sản xuất theo quy hoạch 1.900 ha diện tích rau tại các phường 7, 8, 9, 11, 12, xã Xuân Thọ; 480 ha chè xã Xuân Trường và xã Trạm Hành; gần 3.950 ha cà phê các xã Xuân Trường, Trạm Hành, Xuân Thọ và Tà Nung. Riêng Làng hoa Vạn Thành, phường 5 và Làng hoa Xuân Thành, xã Xuân Thọ sản xuất theo quy hoạch với quy mô lần lượt 27 ha và hơn 20 ha gắn với bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp với dịch vụ du lịch.

Đáng kể toàn TP Đà Lạt đã xây dựng 7 mô hình cải tạo chất lượng cây giống khoai lang mật; 5 mô hình nông nghiệp thông minh; 3 mô hình dâu tây công nghệ cao; 1 mô hình trồng ớt ngọt trên giá thể; 3 mô hình trồng cây trà hoa vàng... Đến nay toàn TP Đà Lạt đạt 60 ha diện tích canh tác rau, hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cường độ ánh sáng từ Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ; áp dụng công nghệ canh tác thủy canh, khí canh (30 ha), công nghệ IoT (300 ha)...

Kết quả, toàn TP Đà Lạt đều đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững. Theo đó tổng diện tích canh tác cây trồng các loại tương ứng với sản lượng đối với hoa (5.926 ha, 2,4 tỷ cành); rau (10.548 ha, 441.961 tấn); chè (236,8 ha, 3.032 tấn);  cà phê (5.156,6ha, 9.660 tấn nhân); dâu tây 160ha, trong đó 140ha sử dụng giống mới, canh tác trong nhà kính, tưới nước, bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt... Tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua các hình thức liên kết và thông qua hợp đồng đạt trên 48%/tổng sản lượng. Giá trị thu nhập bình quân cây hoa đạt 970 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt một số mô hình canh tác hoa lily, địa lan thu nhập từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm; cây rau đạt 830 triệu đồng/ha/năm; dâu tây đạt 3-4 tỷ đồng/ha/năm...

Tính chung tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn TP Đà Lạt đạt 7.050 ha, tăng 100 ha so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 65% diện tích đất canh tác. Trong đó, diện tích rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao 5.009 ha (rau: 2.773 ha, dâu tây: 140 ha, atisô: 110 ha; hoa 1.986 ha); diện tích cây chè 230 ha; cà phê 1.811 ha. 

Riêng diện tích rau sản xuất theo quy trình Chứng nhận VietGAP 1.020 ha; cây hàng năm áp dụng công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt đạt 95% trên tổng diện tích đất canh tác. Ngoài ra ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng với 48 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản lượng 31,8 triệu cây giống các loại phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hiện nay TP Đà Lạt có 2 Làng hoa Vạn Thành và Thái Phiên được công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó còn có các đơn vị được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô 374,1 ha gồm: Công ty cổ phần CNSH Rừng Hoa Đà Lạt; Công ty TNHH Dalat Hasfarm; Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P; Công ty TNHH Trang trại Langbiang; Công ty TNHH Sinh Học Sạch; Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1; Công ty TNHH Quang Nguyên Đà Lạt. Và 2 đơn vị được cấp giấy Chứng nhận sản xuất theo quy trình hữu cơ là Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt 4,5 ha, Chi nhánh Công ty TNHH trồng trọt thương mại Kim Bằng 1ha.

Hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm lợi thế cạnh tranh

Đến nay, TP Đà Lạt có 62 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và 2.264 các hộ nông dân, quy mô diện tích 2.319 ha, chiếm 22,1% diện tích canh tác. Cụ thể gồm 39 chuỗi liên kết với 1.232 ha rau, sản lượng 117.009 tấn; 8 chuỗi liên kết với 107 ha hoa, sản lượng 102 triệu cành; 7 chuỗi liên kết với 805 ha cà phê, sản lượng 2.310 tấn; 4 chuỗi liên kết với 144 ha chè, sản lượng 1.146 tấn...

Mục tiêu trong những năm tới gắn chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao với xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân. 

Đồng thời tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn đối với các sản phẩm chủ lực như rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, dược liệu; xây dựng mô hình Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ. Đặc biệt “tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: rau, hoa, chè, cà phê, đặc sản, dược liệu; mở rộng liên kết sản xuất theo tiêu chí doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể…”

THÁNG 7/2023