Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Cây dâu thu nhập gấp 10 lần cây lúa

VĂN VIỆT   

Từ năm 2020 đến nay, diện tích trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Lâm Hà khôi phục và phát triển đáng kể, đã tăng thu nhập cho người sản xuất gấp 9- 10 lần trồng lúa và 3- 4 lần canh tác cà phê.  

Thống kê trong năm 2023, toàn huyện Lâm Hà đang sản xuất 3.620 ha diện tích cây dâu tằm, đạt năng suất trung bình 28 tấn lá/ha. So sánh trong năm 2000, diện tích cây dâu tằm Lâm Hà đã mở rộng thêm 984 ha, phần lớn chuyển đổi từ các diện tích đất lúa 1 vụ, vườn tạp thu nhập thấp và đất bãi bồi ven sông, suối trên địa bàn.

Qua đó toàn huyện Lâm Hà thu hút khoảng 11.000 hộ gia đình ổn định nghề nuôi tằm, thu hoạch sản lượng kén hàng năm hơn 6.000 tấn. Trong đó chiếm khoảng 50% sản lượng kén được tiêu thụ, chế biến từ 8 cơ sở ươm tơ dệt lụa trong huyện. 50% sản lượng kén còn lại tiêu thụ thông qua các đầu mối thu mua cạnh tranh theo từng thời điểm thị trường.

Theo đánh giá hiệu quả thu nhập vượt trội từ trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà được hợp thành chủ yếu bởi các giải pháp lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ ngân sách nhà nước, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nông dân chuyển đổi diện tích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ, tăng cường đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ chất lượng cao cho lao động địa phương.

“Địa bàn huyện Lâm Hà có độ cao trung bình 800- 1.000m so với mặt biển nên rất thích hợp mở rộng diện tích cây dâu và nghề nuôi tằm với chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất…”, theo nhận định của UBND huyện Lâm Hà.

Bởi vậy, trong thời gian tới, tiềm năng thu nhập từ trồng cây dâu và nghề nuôi tằm ở huyện Lâm Hà cần phát huy hơn nữa, đặc biệt cần tiếp tục xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nhân rộng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm ươm tơ dệt lụa có lợi thế so sánh của địa phương trên thị trường cạnh tranh…

THÁNG 7/2023