Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Chuỗi liên kết nông sản ngày càng nhân rộng

 VĂN VIỆT

Với các giải pháp xây dựng thành công trước khi nhân rộng, mô hình chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã tạo sức lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ cùng tham gia mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hợp đồng ổn định lâu dài.

Thống kê toàn tỉnh đến nay có 223 chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản với 27.233 hộ trồng trọt và 2.801 hộ chăn nuôi. Tương ứng quy mô hơn 51.167 ha cây trồng các loại, tổng sản lượng 529.926 tấn; chăn nuôi 1.030.860 con gà, chim cút, heo, bò sữa, bò thịt, tổng sản lượng gần 143.181 tấn.  Trong đó 97 chuỗi được ngân sách hỗ trợ và 126 chuỗi do doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chủ động xây dựng, phát triển. So sánh 5 năm trước, toàn tỉnh đến năm 2023 tăng thêm 157 chuỗi với 24.159 hộ, gần 47.500 ha sản xuất.

Tiêu biểu chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ cà phê tăng thêm 22 chuỗi với 10.931 hộ, gần 22.890 ha, sản lượng 139.381 tấn. Mô hình chuỗi liên kết sản xuất cà phê hình thành và phát triển chủ yếu trên diện tích đạt các tiêu chuẩn Chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest. Nhờ đó giá trị sản phẩm cà phê Chứng nhận được thu mua cao hơn từ 1.000 – 3.000 đồng/kg so với cà phê sản xuất theo phương pháp truyền thống. Hộ liên kết còn được thưởng thêm từ 2.000 – 15.000 đồng/kg cà phê đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã trong hợp đồng.

Với sản phẩm cây ăn quả trong 5 năm qua tăng thêm 42 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ với 1.297 hộ, 2.932,4 ha, sản lượng gần 120.105 tấn. Kết quả ở đây nhờ phần lớn giá trái cây các loại tăng đáng kể, đặc biệt với sản phẩm sầu riêng, nông hộ sản xuất đã chủ động liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.  Ngoài ra các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ trì chuỗi liên kết thử nghiệm quy trình cấp đông nguyên trái bơ các loại để bảo quản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, bước đầu ổn định một phần nguồn nguyên liệu sản xuất trong vùng.

Đáng kể hầu hết diện tích các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn toàn tỉnh đều được cấp Chứng nhận VietGAP, nên sản phẩm bán ra đều cao hơn giá thị trường từ 10-20%. Tính đến năm 2023, mô hình liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả so với năm 2018 tăng thêm 42 chuỗi, 1.267 hộ, 2.058,4 ha diện tích, sản lượng 86.311 tấn. “Tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rau, củ, quả được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn nhờ sản xuất áp dụng quy trình quản lý chất lượng đồng bộ. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng cung ứng rau, củ, quả với đối tác, hệ thống siêu thị theo giá cố định thỏa thuận từng năm, vì vậy nông hộ tập trung sản xuất theo kế hoạch và tiêu chuẩn chất lượng mà không phải lo lắng về đầu ra cũng như giá cả, thu nhập. Với sản phẩm hoa các loại, số chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ toàn tỉnh trong 5 năm qua tăng 4 chuỗi, tương ứng tăng gần 30ha diện tích và tăng sản lượng gần 30 triệu cành.

Ngoài các sản phẩm chủ lực nói trên, các sản phẩm khác trên toàn tỉnh tăng trưởng trong 5 năm qua với lần lươt số chuỗi, số hộ, diện tích liên kết và tổng sản lượng như: cây dược liệu (8 chuỗi, 300 hộ, 214,3 ha, 2.945 tấn); cây lúa (5 chuỗi, 624 hộ, 810,8 ha, 5.992 tấn); cây mắc ca (7 chuỗi, 835 hộ, 1.065ha, 1.170 tấn); nấm hương (2 chuỗi, 32 hộ, 25 ha, 300 tấn); chăn nuôi 26.460 con bò sữa (4 chuỗi, 1.617 hộ, 94.164 lít sữa);  bò thịt 1.600 con (3 chuỗi, 168 hộ, 480 tấn); dâu tằm (11 chuỗi, 583 hộ, 2.326,5 ha, 537 tấn); ong lấy mật 8.225 con (3 chuỗi, 100 hộ, 135 tấn); cá tầm (1 chuỗi, 8 hộ, 8 ha, 800 tấn); trùn quế (1 chuỗi, 9 hộ, 1.000m2, 30 tấn)…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn Lâm Đồng, kinh nghiệm trong 5 năm qua cần khảo sát, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã có tiềm lực, tâm huyết để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản thành công mới có điều kiện nhân rộng trên địa bàn. Cụ thể trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết phải chú trọng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với cơ giới hóa, nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Đặc biệt phát huy vai trò hạt nhân của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh nông sản, chủ cơ sở, hộ nông dân điển hình sản xuất giỏi để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và mở rộng mô hình hợp tác. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các chuỗi liên kết quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, phân chia lợi ích giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân...

THÁNG 7/2023