VĂN VIỆT
Tháng 6 bên nhánh sông Đa Dâng chạy dọc theo đường nhựa lớn xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, ghé lại nhà vườn Nguyễn Thị Lương trải nghiệm một mùa cây trái sum suê, phóng viên ghi nhận hướng mở cho một điểm dừng chân khám phá mới của khách đường xa.
Khu vườn bơ sáp vàng gần 1,5 ha của bà Nguyễn Thị Lương bên bờ
sông Đa Dâng, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà với những chùm trái đều khắp trên cây, cho
thấy vụ mùa đầu tiên nhiều hy vọng. Bà Lương kể lại hơn 4 năm trước với mong muốn
chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị cao hơn, bà quyết định chọn giống cây bơ sáp
vàng thay thế cây cà phê robusta già cỗi, năng suất kém. Sau khi phá bỏ toàn bộ
1,5 ha cà phê robusta hơn 20 năm tuổi, bà Lương xuống giống trồng đồng loạt 300
cây bơ sáp vàng ghép theo quy trình hữu cơ. “Sau 4 năm canh tác bơ sáp vàng, hộ
gia đình chúng tôi dần dần tổng hợp kinh nghiệm bón phân hữu cơ cân đối 1 năm 3
lần; bơm phun các chế phẩm sinh học phòng trừ bọ xít gây hại lúc cây ra hoa, đậu
quả. Dự kiến vụ mùa thương phẩm đầu tiên năm 2023 thu hoạch trung bình 50 kg/cây
bơ sáp vàng… ”, bà Lương chia sẻ.
Tiếp theo trong tháng 7/2023, vườn bơ sáp vàng của bà Lương thu
hoạch liên tục đến tháng 9/2023, sau đó bước vào thời kỳ chăm sóc mới với niềm
tin vụ mùa thương phẩm năm 2024 trở đi sẽ đạt năng suất vượt trội hơn nhiều so
với vụ mùa thu bói này. Và cũng vào thời điểm tháng 7/2023 tới đây, bên cạnh cây
bơ sáp vàng còn có cây bơ 034 ghép chuyên canh trên 1 ha thu hoạch đồng loạt, năng
suất có thể đạt 200- 300 kg/cây. Khu vườn bơ 034 cũng tọa lạc khu vực sông Đa Dâng,
cách khu vườn bơ sáp khoảng hai ngàn mét, đường nhựa lớn thông suốt hai nơi. Tìm
hiểu được biết, khu vườn bơ 034 ở đây được bà Lương trồng xen canh với cây cà
phê từ năm 2008. Sau đó một thời gian sinh trưởng ổn định, toàn bộ cây bơ 034 từ
xen canh chuyển sang chuyên canh ổn định 250 cây đến nay.
Cũng trong tháng 7/2023, những hàng cây nhãn lồng Hưng Yên bên bờ sông Đạ Dâng thuộc địa giới khu vườn của bà Lương tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà sẽ chính thức thu hoạch thương phẩm. Đây là nguồn hoa lợi mới sau 3 năm trồng thử nghiệm và đúc kết quy trình kỹ thuật phù hợp nhất. Kết nối từ đây, bà Lương đã nhân rộng 700 cây nhãn lồng kinh doanh trên diện tích đa canh 4 ha ở khu vực xã lân cận cách nhau chỉ vài ngàn mét. Ngoài ra còn có nhiều diện tích sầu riêng ghép 2- 3 năm tuổi, hứa hẹn trong tương lai gần thêm một mùa trái cây nối tiếp hoa lợi thu về quanh năm bên dòng sông Đa Dâng.
Từ những kết quả chuyển đổi cà phê sang chuyên canh các loại
cây ăn trái nói trên, tháng 6/2020, chủ vườn Nguyễn Thị Lương thành lập Hợp tác
xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Liên Kết tại xã Đạ Đờn để trao đổi kinh
nghiệm canh tác, góp phần xây dựng hiệu quả các khu vườn đa canh cho nông hộ trong
và ngoài thành viên. Đến nay toàn HTX tập hợp gần 10 thành viên liên kết sản xuất
theo chuỗi giá trị sản phẩm với 30 ha nhiều loại cây trồng. Trong đó diện tích cây
trồng chủ lực gồm 10 ha sầu riêng, nhãn lồng, bơ các loại chuyên canh và xen
canh với cây cà phê; 20 ha cà phê robusta ghép với năng suất 4- 6 tấn nhân/ha. “HTX
cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng
cao, chuyển giao kỹ thuật canh tác và tiêu thụ các loại nông sản cho nông hộ trong
và ngoài thành viên. Trong đó sản phẩm cà phê được HTX thu mua về sơ chế, chế
biến thành phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước… ”, Giám đốc HTX
Nguyễn Thị Lương cho biết.
Trong thời gian tới, HTX sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ khu vườn cây trái, rau, hoa tham quan, trải nghiệm du lịch canh nông, du lịch sinh thái ven bờ sông Đa Dâng, giúp du khách tiếp cận trực tiếp với các dòng sản phẩm nông sản của nông hộ trong và ngoài thành viên HTX, từ đó nâng cao thu nhập đa giá trị trên diện tích đất nông nghiệp của HTX.
THÁNG 6/2023