Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp

  BÀI 2/ Hài hòa các yếu tố tăng trưởng

VĂN VIỆT

Đến nay cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp Lâm Đồng với tỷ lệ trồng trọt 82%, chăn nuôi 16%, dịch vụ 2%. Thực tiễn cho thấy, chất lượng tăng trưởng được đánh giá trên cơ sở sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, đặc biệt nguồn tài nguyên và nguồn lao động, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.

Trồng trọt đóng góp 98,3% tăng trưởng

Kết quả tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng những năm qua với tỷ lệ đóng góp 98,3% từ lĩnh vực trồng trọt. Để đạt tỷ lệ này, mức độ đầu tư từng cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác trên từng vùng. Theo đó, xây dựng nhà kính 1,8 tỷ đồng/ha; chi phí sản xuất 950 triệu đồng/ha đối với hoa và 420 triệu đồng/ha đối với rau. Tương tự đầu tư ban đầu và chi phí sản xuất lần lượt 60 triệu đồng, 18 triệu đồng/ha/năm (cây cà phê); 120 triệu đồng/ha/6 năm, 6 triệu đồng/năm thứ 8 trở đi (cây ăn quả); 180 triệu đồng/ha (cây trồng ngắn ngày ngoài trời). Hạch toán cho thấy, chi phí đầu tư trồng trọt trên địa bàn tỉnh hiện nay từ 55% đến 65% trên giá trị sản xuất…

 Thống kê toàn tỉnh gieo trồng cây hằng năm hiện nay đạt 133.386 ha/ 61.545 ha diện tích đất canh tác, tương ứng với hệ số sử dụng đất bình quân 2,17 lần. Riêng khu vực canh tác rau, hoa có hệ số sử dụng đất lên tới 3- 4 vụ/năm. Công nghệ tưới tiết kiệm với 31.936 ha tưới phun mưa; 14.516 ha tưới phun sương trong nhà kính, 1.366 ha tưới nhỏ giọt. Bên cạnh đó, qua khảo sát trong chăn nuôi, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến thức ăn, chăm sóc vật nuôi mới chiếm khoảng 10-25%. Trong khi tỷ lệ trang trại quy mô vừa và lớn còn thấp như: heo 65,6%; bò sữa 34,8%; gà 29,8%; bò thịt 17,3%.

Đánh giá chung với Lâm Đồng có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp như: Quỹ đất canh tác, đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa, thích hợp đa dạng cây trồng vật nuôi. Để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong thời gian tới mở rộng diện tích trồng rau, hoa ở các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh và Bảo Lâm khoảng 4.000 ha. Đồng thời thay thế, chuyển đổi khoảng 18.500 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mới có giá trị kinh tế cao (sầu riêng, chuối, bơ, chanh dây…) ở các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông và TP. Bảo Lộc. Với khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận mở rộng diện tích canh tác trên giá thể, thủy canh, khí canh tại những khu vực độ dốc cao không phù hợp canh tác ngoài trời..

Đáp ứng các tiêu chí hạn chế tác động môi trường

Yếu tố đầu vào đối với nguồn lao động hàng năm, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản phẩm OCOP, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản...cho khoảng 2.400 người. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 525.784 lao động đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp; 656 lao động tại các doanh nghiệp và khoảng 16.310 hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các HTX, doanh nghiệp. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng thì “trình độ lao động của tỉnh hiện nay chất lượng cơ bản đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch về trình độ giữa các địa phương, khu vực còn lớn. 

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa đào tạo, tập huấn, nhằm giúp người lao động cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất toàn diện. bền vững, hiện đại trên địa bàn..”

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 2,87%; thu nhập bình quân đầu người nông thôn năm 2022 đạt trên 38 triệu đồng/năm, bằng 0,84 lần thu nhập bình quân chung toàn tỉnh. Nhìn chung các giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp luôn đáp ứng các tiêu chí hạn chế tác động môi trường, đặc biệt mô hình nông nghiệp tuần hoàn sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu phụ phẩm, phế phẩm để tái sản xuất. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp tăng cường đa dạng sinh học với việc trồng mới 2.635 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 5.600 ha rừng.

Tuy nhiên, hàng năm trên địa bàn tỉnh phải sử dụng khoảng 4.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật; 458.625 tấn phân vô cơ. Khối lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng khoảng 300 tấn/ năm. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã lắp đặt 2.208 bể thu gom các trục đường nội đồng, thu gom và tiêu hủy kịp thời, đúng quy định với số lượng đáng kể bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn …

tháng 6/2023