Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực- những bước chuyển đổi

VĂN VIỆT

Nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đạt những bước chuyển tích cực trong cơ cấu vật nuôi, cây trồng chủ lực, làm cơ sở xây dựng và triển khai các giải pháp để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, trong 3 năm vừa qua, bình quân mỗi năm, diện tích gieo trồng tăng 1%; hệ số gieo trồng cây hằng năm tăng từ 2,13 lần lên 2,17 lần. Toàn tỉnh tái canh, ghép cải tạo gần 19.193 ha và trồng mới 175 ha cây cà phê; chuyển đổi 7.608,6 ha đất lúa; trồng tái canh, ghép cải tạo 382,6 ha và chuyển đổi cây trồng trên đất cây điều gần 3.862ha, trên đất khác 9.326,5ha. Hiện diện tích canh tác cây trồng kém hiệu quả toàn tỉnh còn 45.224,2 ha, giảm 10.607,4  ha so với năm 2020.

Đáng kể cùng thời gian trên, toàn tỉnh đã công nhận mới 5 vùng và 5 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng tổng diện tích lên 65.308 ha, tăng 5.080 ha. Giải pháp ứng dụng công nghệ cao khá đa dạng như: tưới phun mưa 41.949 ha, tưới nhỏ giọt 4.971 ha và thủy canh hồi lưu  50 ha; canh tác trên giá thể trên 718 ha; hơn 160 ha nhà kính nhập khẩu đầu tư trên 1 triệu USD/ha; 700 ha nhà kính chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, độ bền 5-7 năm. « Công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật với 56 cơ sở (trên 636 box cấy), hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên gần 80 triệu cây giống cấy mô các loại. Gieo ươm giống rau, hoa đã cơ giới hóa từ khâu rửa, đóng giá thể vào vỉ đến gieo hạt bằng máy, năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với quy trình thủ công. Nhiều loại phân bón thế hệ công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, ứng dụng trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể đã nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt ứng dụng công nghệ IoT giảm giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động; 10-20% lượng thuốc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng thêm lợi nhuận 15-20% so với giải pháp công nghệ cao...», ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm.

Bên cạnh cây trồng chủ lực, bước chuyển đổi chăn nuôi đạt tỷ lệ bò sữa đàn thuần trên 90%, đàn bò lai trên 78%, heo ngoại và heo lai hơn 95% so với tổng đàn. Các doanh nghiệp lớn sử dụng máy liên hợp phối trộn khẩu phần thức ăn, robot đẩy thức ăn cho vật nuôi để giảm ngày công lao động. Ngoài ra diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tương đối ổn định, giá cả, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi.

Đánh giá chung hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục cơ cấu lại theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha mỗi năm tăng bình quân từ 10% trở lên. Các hình thức liên kết thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. Thương hiệu nông sản Lâm Đồng khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm rau, hoa ngày càng tăng. Hạ tầng nông thôn đầu tư đúng mức; các công trình trọng điểm đều được bố trí đủ vốn, tiến độ triển khai đảm bảo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, ngành Nông ngiệp cũng đã nhìn nhận công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự phát triển tương xứng, tỷ lệ nông sản đưa ra thị trường ở dạng tươi sống hoặc sơ chế còn lớn, mức độ nhận diện nông sản chưa cao, dẫn đến tình trạng trà trộn, giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng còn xảy ra. Trong khi đó liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có phát triển, nhưng còn thiếu sự bền vững; sản xuất mới chỉ đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng tỷ lệ được cấp các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng chưa nhiều; người nông dân chưa hình thành thói quen sản xuất các loại giống cây trồng có bản quyền để xuất khẩu. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, chưa tạo sự chuyển biến mạnh trong kinh tế nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Mục tiêu chuyển đổi vật nuôi, cây trồng nửa nhiệm kỳ còn lại của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh mở rộng diện tích canh tác rau, hoa tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm. Tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tạp trung đầu tư phát triển vùng lúa đặc sản, bên cạnh thâm canh tăng năng suất các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt đã qua khảo nghiệm. Toàn tỉnh còn tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch tái canh cây cà phê, đầu tư thâm canh, xen canh hợp lý trên diện tích cây chè, dâu, cây ăn quả...

Đồng thời phát triển chăn nuôi tập trung đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao, đàn heo hướng nạc, nuôi cá nước lạnh có giá trị kinh tế; khôi phục đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, an toàn vệ sinh phòng dịch...

Phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp Lâm Đồng với tỷ trọng trồng trọt 75-78%, chăn nuôi 18-20%, dịch vụ 4-5%. Năng suất lao động nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5-6%/năm.

THÁNG 6/2023