Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Cây trồng mô hình khuyến nông- những kết quả mới

VĂN VIỆT

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng vừa hoàn thành đánh giá môt năm xây dựng các mô hình cây trồng mới đạt những kết quả đáng khích lệ, qua đó chuyển giao cho nông dân công nghệ sản xuất phù hợp trên từng vùng sinh thái thích nghi với từng đối tượng cây trồng.

Ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, mô hình sản xuất hoa cúc đóa thắp đèn LED đã ghi nhận trong năm qua với doanh thu 940 triệu đồng/ha, tăng 17,5% so với sản xuất ngoài mô hình. Cụ thể, trên diện tích 10.000m2 với 10 nông hộ tham gia canh tác theo mô hình khuyến nông của Trung ương về quy trình kỹ thuật áp dụng công nghệ đèn LED cho ra hoa đúng thời gian với chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế. Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá “sau 95- 100 ngày sinh trưởng, hoa cúc đóa đạt năng suất 385.000 cành/ha, tăng 16,5% so với canh tác ngoài mô hình. Kết quả hoa cúc đóa sinh trưởng với độ đồng đều cao, không xuất hiện các triệu chứng bệnh virus trên vườn, giá hoa tiêu thụ từ 1.800- 3.000 đồng/cành…”  

Cũng trên địa bàn TP Đà Lạt, mô hình khuyến nông Trung ương triển khai sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường, quy mô 10 ha với 10 hộ tham gia. Niên vụ năm 2022- 2023, cà phê chè mô hình ở đây thu hoạch 2.373 kg nhân khô/ha, cao hơn 116 kg nhân khô/ha chăm sóc ngoài mô hình. Thông qua hoạt động liên kết chuỗi, toàn bộ sản lượng thu hoạch trong mô hình 10 ha cà phê chè đều được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ thu mua với giá cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg, từ đó tăng thêm thu nhập gần 20 triệu đồng/ha/năm.

Xuống địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, đáng kể mô hình khuyến nông Trung ương về nuôi tằm thương phẩm bền vững, quy mô 20,5 ha dâu tằm, 105 hộ tham gia. Vườn dâu đạt tỷ lệ cây sống bình quân 98,5%, năng suất lá dâu 3.735 kg/ha/lần hái (mỗi năm hái 6 lứa). Tỷ lệ sống trung bình của tằm con 94,1%. Tằm ăn trung bình 12,1 kg lá dâu sản xuất thành 1 kg kén. Giá tiêu thụ kén trong năm qua 200- 210.000 đồng/kg, nên thu nhập của người sản xuất dâu tằm trong mô hình đã tăng cao vượt trội. “Đây là kết quả ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong khâu trồng dâu nuôi tằm thương phẩm lấy kén, qua đó nâng cao thu nhập và năng lực của cơ sở nuôi tằm, góp phần tạo nền tảng phát triển ổn định ngành dâu tằm tơ tại Lâm Đồng… ”, theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng.

Ở mô hình khuyến nông địa phương ghi nhận kết quả thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ từ năm thứ tư trở đi tại xã Đạm B’ri, TP Bảo Lộc và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Với 2 hộ cùng tham gia sản xuất trên 2 ha chè hữu cơ hướng đến mục đích “ứng dụng kỹ thuật mới trong thâm canh chè hữu cơ chất lượng cao, thúc đẩy liên kết giữa nông dân trồng chè với đơn vị quản lý chất lượng cũng như doanh nghiệp tiêu thụ”, mô hình tuân thủ quy trình bón phân chuồng, hữu cơ, vi sinh khi thời tiết thuận lợi, sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học, thu gom bao bì, rác thải, chai lọ theo quy định…Mô hình đạt năng suất 17,9 tấn/ha, thấp hơn sản xuất thông thường 0,8 tấn/ha. Nhưng nhờ liên kết đầu ra sản phẩm ổn định, tiêu thụ giá tăng thêm 5.000 đồng/kg, nên mô hình chè chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ đạt lợi nhuận cao hơn sản phẩm chè thông thường 69,5 triệu đồng/ha/năm.

Trở vô xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, mô hình khuyến nông địa phương đã xây dựng thành công quy trình trồng chanh không hạt thay thế cây cà phê già cỗi trên diện tích 3,5 ha của 9 hộ tham gia. Bước đầu mô hình đạt tỷ lệ cây sống 97%, chiều cao 0,8- 1m, đường kính 2- 2,5cm. Thu hoạch dự kiến 30- 40 kg trái/cây/năm, nhân thành 40 tấn trái/ha/năm. Ước tính lợi nhuận từ 200- 300 triệu đồng/ha/năm. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng xác định rằng, mô hình giúp người sản xuất thu nhập liên tục hàng năm, tăng gấp 2- 3 lần lợi nhuận từ sản xuất cà phê trên cùng diện tích đất ở Bảo Lâm. Qua mô hình, Trung tâm này đã tổ chức hội thảo giới thiệu nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật trồng chanh dây cho 40 lượt nhà nông ở địa phương tham dự.

Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, trong một năm vừa qua, Trung tâm này đã xây dựng 9 mô hình khuyến nông địa phương, 4 mô hình khuyến nông Trung ương và 5 mô hình thuộc Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

“Triển khai các mô hình khuyến nông trên địa bàn Lâm Đồng đã mang lại hiệu quả ứng dụng giống mới, biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh sản xuất hữu cơ bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tiếp cận thuận lợi mô hình mới, cách làm hay, có hiệu quả để ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất…”, Giám đốc Trần Văn Tuận kết luận.

THÁNG 3/2023