Ghi chép VĂN VIỆT
Trong vài năm gần đây, những sản phẩm ở các vùng nông thôn trong tỉnh Lâm Đồng khi được gắn sao OCOP đã vươn xa đến các thị trường trong nước và ngoài nước, lấp lánh giá trị thương hiệu đặc trưng với nhiều lợi thế so sánh của vùng đất Nam Tây Nguyên.
Đầu xuân năm 2020, phóng viên đến thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương ghi nhận quá trình sản xuất rau xà lách thủy canh của Công ty TNHN Trang trại Trường Phúc hội đủ các tiêu chí xếp loại OCOP 3 sao. Lúc này trang trại đang sản xuất kinh doanh hơn 15 loại xà lách thủy canh hồi lưu trên tổng diện tích 10.000m2, sản lượng thu hoạch hàng ngày trên dưới 500 kg sơ chế, đóng gói chuyển đi tiêu thụ các khu vực thị trường trong nước. Riêng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, trang trại đã thực hiện đúng theo cam kết hợp đồng trong 4 năm, mỗi năm cung cấp rau xà lách thủy canh liên tục trong 4 tháng mùa đông, khối lượng trung bình khoảng 25 tấn/tháng.
Đến nay sau gần 3 năm trở lại tiếp xúc với chủ nhân Tô Quang Dũng mới hay trang trại đã mở rộng lên tổng diện tích 17.000m2 trồng rau xà lách thủy canh hồi lưu. Qua đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất, phối trộn giá thể đã tăng năng suất thu hoạch 20- 30%; đồng thời phía đối tác cũng đã nâng lên khoảng 20% giá tiêu thụ rau xà lách thủy canh OCOP 3 sao thương hiệu Trường Phúc.
“Qua nhiều năm canh tác, Trang trại Trường Phúc chúng
tôi phát hiện vùng sinh thái xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương chênh lệch khá lớn giữa
nhiệt độ ngày và đêm, trở thành lợi thế để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất
rau xà lách thủy canh có độ giòn, ngọt, lá dày, vận chuyển tiêu thụ đường xa
trong nước và xuất khẩu đã giảm đến mức tối thiểu tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch…
”, ông Tô Quang Dũng cho biết. Và cũng nhờ lợi thế này, sản phẩm xà lách OCOP 3
sao thương hiệu Trường Phúc tiếp tục được đối tác đến từ Malaysia ký hợp đồng
tiêu thụ bước đầu trong 3 tháng- từ tháng 12/2022 đến hết tháng 3/2023. Kết quả
chuyến hàng 7 tấn xà lách thủy canh OCOP 3 sao đầu tiên trong tháng 12/2022 của
Trường Phúc từ xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã đưa xuống cảng biển phía Nam vận
chuyển đến Malaysia giao và nhận thành công trong hải trình chưa tới 4 ngày.
Với bước tiến mở rộng diện tích sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Trang trại Trường Phúc tiếp tục nâng cấp các tiêu chí xếp loại xà lách thủy canh lên cùng hạng OCOP 4 sao với sản phẩm carrot baby đã được công nhận vào tháng 8/2022. Hiện nay Trang trại Trường Phúc đã liên kết với 7 nông hộ ở các vùng nông nghiệp thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm carrot baby trên diện tích hơn 1 ha theo quy trình VietGAP. Từ đó hướng đến mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm OCOP cấp 4- 5 sao thương hiệu Trường Phúc giá trị cao trên các thị trường đô thị lớn trong nước và xuất khẩu.
Mùa đông năm 2022 tại Phiên chợ Rau – Hoa Festival
Hoa lần thứ IX Đà Lạt, trưng bày bên cạnh xà lách 3 sao, carrot baby 4 sao OCOP
của thương hiệu Trường Phúc còn có sản phẩm 4 sao OCOP cà phê moka thương hiệu Dalata
đã qua 9 năm theo đuổi mục tiêu lan tỏa giá trị cà phê đặc sản độ cao trên 1.500m
đến với khách hàng trong nước và quốc tế. Tọa lạc trên đường Tô Hiến Thành, Đà
Lạt, thương hiệu Dalata với các dòng sản phẩm cà phê moka rang sấy hạt nhân và
dạng bột, đóng gói trong hộp gỗ thông hình chiếc trống nhỏ nhắn, xinh xắn, đã đứng
vững qua bao thăng trầm trong thị trường cạnh tranh quyết liệt và đôi lúc không
kém phần khắc nghiệt. Ông Đỗ Văn Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH Dalata (thương hiệu
Dalata) nhớ lại năm 2014- 2015, công ty quyết định đầu tư sản xuất cà phê moka,
một nhánh của cà phê arabica của vùng sinh thái độ cao 1.500m so với mặt nước biển
với mong muốn góp phần kích cầu nông dân khôi phục lại các diện tích cà phê chè
xếp hạng ngon bậc nhất của thế giới này. Theo đó Dalata đã trình làng khá ấn tượng
thương hiệu sản phẩm cà phê moka hạt nhân rang sấy và cà phê bột trực tiếp phục
vụ tại nhà hàng của công ty ngay trung tâm phố Đà Lạt. Kết quả năm đầu tiên, thương
hiệu Dalata đã thu mua của nông dân thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương khoảng 2
tấn nhân cà phê moka để chế biến theo đơn đặt hàng của khách hàng kết nối từ các
vùng miền trong nước.
Đến 3 năm sau đó khi thị trường tiêu thụ trên đà mở rộng thì bất ngờ Dalata gặp “sự cố” thay đổi nhân sự, lượng khách hàng phải chia đôi. Trong khi ở thị trường cũng bất ngờ xuất hiện hàng loạt sản phẩm cà phê chè arabica với công nghệ chế biến hiện đại, mẫu mã đa dạng, giá thành phong phú…đã “cộng hưởng” áp lực cạnh tranh mạnh mẽ đối với thương hiệu cà phê Dalata. Rồi bước đến thời điểm cũng bất ngờ ập đến dịch covid- 19, sản phẩm cà phê moka của Dalata bán ra khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng thương hiệu Dalata nhất quyết không bỏ cuộc, ngược lại đã tập trung liên kết với nông dân tích cực thâm canh, tăng năng suất và chất lượng cà phê chè arabica nói chung, cà phê moka nói riêng;
đồng thời cải tiến và bổ sung dây chuyền chế biến các dòng sản phẩm cà phê bột, cà phê hạt rang arabica thuần loại và arabica phối trộn cà phê vối các loại khác gắn với kết nối, từng bước khôi phục và mở rộng thị trường. Kết quả trong năm 2021 và 2022 vừa qua, Công ty TNHH Dalata mỗi năm thu mua của nông dân Đà Lạt, Lạc Dương 26 tấn cà phê arabica các loại (trong đó gồm 6 tấn cà phê moka); thu mua của nông dân các huyện phụ cận Đà Lạt khoảng 35 tấn cà phê vối.
“Năm 2021, các dòng sản phẩm cà phê chế biến của thương
hiệu Dalata chúng tôi được xếp hạng OCOP 4 sao thì qua năm 2022 tăng sản lượng
và giá trị sản phẩm từ 20- 30%. Trên cơ sở này, trong năm 2023, Công ty TNHH
Dalata chúng tôi tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép này với tỷ lệ tăng thêm trên
dưới 30%...”, chủ nhân thương hiệu Dalata Đỗ Văn Ẩn chia sẻ.
Cũng nằm trong chương trình hưởng ứng Festival Hoa Đà
Lạt lần thứ IX năm 2022, Hội chợ thương mại diễn ra vào tháng 11/2022, phóng viên
cận cảnh ghi nhận các dòng sản phẩm hạt điều Lê Gia OCOP 4 sao lấp lánh giữa đông
đảo khách hàng chọn mua. Khởi nghiệp với cơ sở tách vỏ hạt điều sau 25 năm tại
vùng Phước Cát, huyện Cát Tiên giáp ranh với tỉnh Bình Phước, ông Lê Văn Bảy đã
xây dựng và phát triển thương hiệu Lê Gia với các dòng sản phẩm hạt điều chế biến
rang muối cạnh tranh mạnh mẽ trên thương trường trong và ngoài nước. Đặc biệt trong
năm 2022 - sau một năm xếp hạng OCOP 4 sao, sản phẩm hạt điều Lê Gia đã chạm mốc
xuất khẩu 100 tấn sang Trung Quốc và 50 tấn phân phối đều khắp thị trường trong
cả nước...
Nếu nhìn tổng thể trong 4 năm qua thì các sao
OCOP Trường Phúc, Dalata, Lê Gia nói trên đã và đang lấp lánh trên bầu trời 400
sao OCOP của 116 chủ thể trên địa bàn Lâm Đồng. Tất cả chủ thể đã thể hiện sự năng
động, sáng tạo, kiên trì vượt khó để phát huy mọi lợi thế, tiềm năng của các vùng
nông thôn, tạo ra những dòng sản phẩm OCOP xếp hạng sao ngày càng phát sáng kỳ
diệu kết tinh từng vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng.
tháng 1/2023