Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đạt và vượt 10 chỉ tiêu đề ra

VĂN VIỆT

Sáng ngày 28/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hội nghị tổng kế hoạt động năm 2022, thông qua kế hoạch triển khai năm 2023. Đồng chí Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đến dự và phát biều chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị đánh giá trong năm 2022, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch 10/10 chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt 5,02%, tương ứng với tổng sản phẩm gần 40.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân 206 triệu đồng/ha/năm, tăng 2,4% so với năm 2021. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 65.308 ha, tăng 3,48% so với năm 2021, tương ứng 21,8% diện tích canh tác toàn tỉnh, trong đó có 456 ha diện tích nông nghiệp thông minh.

Toàn tỉnh chuyển đổi, cải tạo hơn 12.745 ha sản xuất kém hiệu quả; diện tích đất canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng còn khoảng hơn 45.012 ha, chiếm 15% tổng diện tích đất canh tác. Toàn tỉnh hiện có 213 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết 19.701 hộ, sản lượng qua chuỗi đạt trên 624.000 tấn nông sản, tăng 31 chuỗi, 1.315 hộ, 104.500 tấn nông sản.

Trong năm 2022 phát triển mới 23 hợp tác xã, nâng tổng số 390 hợp tác xã. Toàn tỉnh có 215 sản phẩm OCOP, trong đó 11 sản phẩm 5 sao; 112 sản phẩm 4 sao; 92 sản phẩm 3 sao. Diện tích được tưới đạt 138.850 ha, trong đó diện tích được tưới từ công trình thủy lợi tập trung đạt 47.659 ha. Diện tích tưới tiên tiến tiết kiệm nước đạt 48.388 ha. Lũy kế năm 2022 so với năm 2021 số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 46%; diện tích rừng bị thiệt hại giảm 26%; khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 32%.

Toàn tỉnh có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 40 xã nông thôn mới nâng cao; 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hội nghị thông qua 10 mục tiêu đạt được trong nămm 2023. Đó là tốc độ tăng GRDP toàn ngành đạt 4,5 - 5%; trong đó ngành trồng trọt phấn đấu tăng trưởng từ 5 - 5,5%, chăn nuôi 6 - 6,5%; duy trì ngành lâm nghiệp 2 - 2,5% và thủy sản 5 -6%; Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt 81-82%, chăn nuôi 16-16,5%, dịch vụ 2-2,5%.  Diện tích gieo trồng đạt 396.500 ha, giá trị thu hoạch bình quân đạt trên 212 triệu đồng/năm/ha. 


Diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh phấn đấu đạt trên 66.150  ha (trong đó diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh 630 ha). Tiếp tục chuyển đổi 13.000 ha cây trồng kém hiệu quả, đưa diện tích canh tác có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha còn khoảng 40.822 ha. Toàn tỉnh đạt 233 chuỗi với trên 22.800 hộ tham gia, diện tích liên kết đạt 33.000 ha, sản lượng trên 500.000 tấn; tổng đàn vật nuôi tham gia chuỗi đạt 1.050.000 con, tổng sản phẩm đạt trên 170.000 tấn.

Toàn tỉnh thành lập mới 15 hợp tác xã, phát triển thêm ít nhất 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 1 sản phẩm OCOP Quốc gia. Tỷ lệ diện tích canh tác được tưới đạt 68%. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại, diện tích lấn chiếm đất lâm nghiệp giảm từ 20% trở lên. Trồng 485 ha rừng tập trung, hơn 12,4 triệu cây xanh. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%. Có thêm 1 xã nông thôn mới, 8 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp ghi nhận những chỉ tiêu đạt được trong năm 2022 và thống nhất các chỉ tiêu phấn đấu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng trong năm 2023. Đồng thời mong muốn toàn ngành tiếp tục thể hiện quyết tâm nâng cao trách nhiệm quản lý điều hành, phối hợp triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tạo đột phá hơn nữa để đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cần tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể, thiết thực hơn nữa trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng. Trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn cần nghiện cứu thực hành các giải pháp tạo chuyển đổi về chất lượng mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị thu nhập cho nhà doanh nghiệp và nhà nông trực tiếp sản xuất…

THÁNG 12/2022